Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 5 năm 2021 | 15:4

Bắc Kạn: Xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng tại Vườn Quốc gia Ba Bể

Do chính quyền các cấp ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn) buông lỏng quản lý nên để xảy ra tình trạng người dân tự ý xây dựng nhà ở, homestay biệt thự lấn chiếm vào đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể.

Theo tìm hiểu, danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, với tổng diện tích quy hoạch là 10.048 ha. Trong đó, khu vực bảo vệ I rộng 952,75ha, được xác định là diện tích mặt nước hồ Ba Bể. Các yếu tố cảnh quan sinh thái xung quanh bờ hồ và các điểm danh lam thắng cảnh liên quan nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể; khu vực bảo vệ II rộng 9.095,25 ha là vùng bao quanh, tiếp giáp với khu vực bảo vệ I.
 
Được biết, xã Nam Mẫu nằm ở phía Tây của huyện Ba Bể với diện tích tự nhiên là 6.479,38 ha, dân số toàn xã là 2.339 nhân khẩu. Tổng số thôn bản có 9 thôn, các thôn đều nằm trong khu vực vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể, trong đó đặc biệt là 03 thôn Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bó Lù.
 
Các thôn này nằm trong khu di tích quốc gia đặc biệt nên tất cả các công trình xây dựng trong khu vực này, kể cả nhà ở riêng lẻ, đều bắt buộc phải có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hàng chục hộ dân tại các thôn này đã ngang nhiên lấn chiếm đất lâm nghiệp xây dựng nhà nghỉ, homestay nhằm phục vụ khách du lịch thập phương tham quan.
 
Theo tài liệu của UBND huyện Ba Bể và UBND xã Nam Mẫu cung cấp và kiểm tra xác xuất thực địa 43 hộ gia đình tại 03 thôn thấy, các hộ gia đình, cá nhân đã vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Cụ thể: 43 hộ xây dựng mới, sửa chữa không có giấy phép xây dựng, trong đó 8 hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp, diện tích lấn chiếm từ 20 – 1.700m2 như các hộ: Nguyễn Văn Viện, Ma Thị Mến, Trương Văn Vương, Dương Văn Quyết…; 12 hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như các hộ: Nguyễn Văn Viện, Ma Thị Mến, Nguyễn Văn Lộc, Triệu Văn Tươi…
 
Qua ghi nhận tại thôn Pác Ngòi, xuất hiện nhiều công trình mới đang xây dựng trái phép, lấn chiếm vào đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và phục hồi sinh thái của rừng Quốc gia Ba Bể. Dù sai phạm đã rõ ràng nhưng phía chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm về vấn đề này.
khách-sạn-thái-bình-ngang-nhiên-xây-dựng-trên-phần-diện-tích-đất-lâm-nghiệp-chưa-được-cấp-giấy-chứng-nhận-quyền-sử-dụng-đất.jpg
Khách sạn Thái Bình ngang nhiên xây dựng trên phần diện tích đất lâm nghiệp, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trao đổi với báo chí về vụ việc, ông Phạm Văn Chí, quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể xác nhận và cho biết, các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi Vườn Quốc gia Ba Bể đã được báo cáo bằng văn bản gửi lên UBND xã, huyện đề nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật.
 
Kết luận Thanh tra số 203/KLTTr-SXD của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày 03/02/2021 chỉ rõ: Công tác quản lý trật tự xây dựng chưa được thực hiện nghiêm túc, thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng các hộ dân xây dựng mới, sửa chữa nhà, công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
 
Việc xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai của cấp có thẩm quyền chưa kịp thời, chưa quyết liệt; một số trường hợp chỉ lập biên bản đình chỉ, một số trường hợp chưa thực hiện biện pháp xử lý nào, một số trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt nhưng đối tượng bị xử phạt chưa chấp hành quy định. Hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về đất đai vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng và ngày càng phức tạp.
 
Đồng thời, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã chỉ rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tại xã Nam Mẫu như do công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch của chính quyền cấp huyện, cấp xã còn thiếu chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức; năng lực cán bộ làm công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, yếu kém…
 
Trong phạm vi 3 thôn là Cốc Tộc, Bó Lù, Pác Ngòi của xã Nam Mẫu chịu sự quản lý của nhiều ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật gồm: Luật Đất đai, Luật Xây dựng; Luật Lâm nghiệp và Luật Di sản, dẫn đến sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng chưa kiên quyết và không được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ gia đình chưa cao.
 
Mặt khác, sau khi được phê duyệt quy hoạch xây dựng chưa thực hiện cắm mốc giới ra ngoài thực địa vì vậy khó khăn cho công tác quản lý và xác định ranh giới cụ thể ngoài thực địa. Đồng thời, không thống nhất giữa Quy hoạch sử dụng đất và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể dẫn đến việc lúng túng trong công tác quản lý về đất đai.
 
Ngoài ra, theo phản ánh của người dân xã Khang Ninh, hiện nay trên địa bàn tồn tại nhiều khách sạn lớn ngang nhiên xây dựng trái phép thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể như: Khách sạn Hoa Lan (thôn Nà Nghè); Khách sạn Đức Lan (thôn Nà Kiêng); Khách sạn Thái Bình (thôn Nà Mằm)….
nhiều-công-trình-được-xây-dựng-trái-phép-tại-thôn-pác-ngòi-xã-nam-mẫu.jpg
Nhiều công trình được xây dựng trái phép tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu.
Trao đổi với báo chí về thông tin này, ông Phạm Văn Oanh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Bể, cho biết: Khách sạn Thái Bình được xây dựng năm 2015 trên diện tích đất lâm nghiệp, vị trí xây dựng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Khách sạn Đức Lan được xây dựng năm 2018 trên diện tích đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, vị trí xây dựng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Khách sạn Hoa Lan được xây dựng năm 2017 trên diện tích đất trồng cây hàng năm, vị trí xây dựng chưa được cấp giấy chứng nhận và quyền sử dụng đất.
 
Vì sao các sai phạm trên đã và đang diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương lại chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này? Trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
 
 
 
 
Hữu Thắng - Quang Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top