Nhờ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện nghèo Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) đã có nhiều đổi thay so với 7 năm trước,..
Nhờ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện nghèo Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) đã có nhiều đổi thay so với 7 năm trước, diện mạo vùng quê thuần nông có nhiều khởi sắc, nhiều ngôi nhà mới mọc lên, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa kiên cố, sạch đẹp. Đi đến đâu cũng thấy không khí vui tươi, phấn khởi của người dân, đời sống bà con ngày càng được nâng cao...
Dân làm, dân hưởng
Khi thực hiện Chương trình XDNTM, Tiên Lãng là địa phương có nhiều khó khăn hơn so với các huyện khác của TP. Hải Phòng. Bởi nền kinh tế còn lạc hậu, thu nhập chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, các công trình kết cấu hạ tầng còn thiếu và xuống cấp, đời sống nhân dân còn khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn thấp.
Khó khăn là vậy, nhưng với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, hiệu quả theo phương châm “Dân biết - dân bàn, dân làm - dân hưởng” nên phong trào XDNTM của huyện quy tụ được sức mạnh đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia. Điều này đã mang lại yếu tố phát triển bền vững, lâu dài.
Xác định, bê tông hóa đường giao thông nông thôn đi trước một bước, bởi điều này sẽ thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, Tiên Lãng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bê tông hóa đường giao thông, nhân dân tự nguyện hiến hàng trăm hecta đất, tham gia hàng ngàn ngày công lao động… Riêng năm 2018, huyện tiếp nhận khoảng 10.000 tấn xi măng, làm 90 km đường giao thông các loại (trong đó, nguồn huy động đóng góp của nhân dân khoảng 45 tỷ đồng).
Bà Nguyễn Thị Hòa (thôn Xuân Cát, xã Đại Thắng) không dấu khỏi niềm vui chia sẻ: “Chương trình XDNTM mang lại cho chúng tôi nhiều lợi ích, chúng tôi vui và phấn khởi lắm. Trước đây ra đồng đi lại khó khăn, muốn ra đến ruộng nhà mình phải đi nhờ qua ruộng nhà hàng xóm, nhưng đến nay thì khác rồi, đường bê tông được xây dựng ra đến đầu ruộng. Thương lái đánh ô tô đến tận đầu bờ thu mua nông sản. Máy gặt đập liên hoàn vừa thu hoạch “nếp cái hoa vàng” xong thì cũng bán luôn cho thương lái, chúng tôi không phải mất công vận chuyển. Thuận tiện lắm!”.
Cùng chung niềm vui như các hộ dân ở xã Đại Thắng, bà Hoàng Thị Linh thể hiện trên gương mặt sự hồ hởi, rạng ngời, nói: “Trước đây con đường vào ngõ nhà tôi sỏi đá gồ ghề, nay được thay bằng con đường khang trang, sạch đẹp. Cũng nhờ việc dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông nội đồng mà giờ đây cánh đồng mẫu lớn của xã rộng khắp, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nông dân không còn vất vả như xưa”.
Được sự hỗ trợ xi măng, đá từ các cấp chính quyền cùng với việc người dân xã Đại Thắng tự nguyện hiến 55m2 đất thổ cư và trên 160.000m2 đất nông nghiệp nên hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, ngõ xóm được đầu tư hoàn thiện, xây dựng kiên cố, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Ông Lương Thanh Sắc, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, chia sẻ: “Trước khi thực hiện Chương trình XDNTM, qua khảo sát, xã mới đạt 7/19 tiêu chí. Còn lại các tiêu chí khó, cần tiềm lực kinh tế lớn lại nằm ngoài khả năng huy động của địa phương. Nhưng rồi chúng tôi cùng chung sức, đồng lòng hướng đến lợi ích vì nhân dân mà phấn đấu. Triển khai XDNTM, địa phương được đầu tư cở sở vật chất, hạ tầng cho giáo dục, trạm y tế, nhà văn hóa, điện chiếu sáng… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn, thu nhập bình quân năm 2018 của xã đạt 41,1 triệu đồng/người”.
Bước sang năm 2019, ai ai cũng cảm nhận diện mạo NTM như đang dâng tràn sức sống mới, sự “thay da, đổi thịt”, những tuyến đường giờ đây đã nhựa hóa, bê tông hóa phẳng phiu, thuận tiện cho đi lại và giao thông. Đáng phấn khởi hơn vẫn là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được quan tâm và ngày càng nâng cao.
Đi trên con đường mới, khang trang, bà Phạm Thị Hạnh vui vẻ nói: “Trước đây, đường trong thôn gồ ghề, khó đi. Trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội, việc đi lại của người dân khá vất vả, nay đường đẹp chúng tôi phấn khởi lắm. Không riêng gia đình tôi mà các hộ khác trong xã cũng không tiếc công, tiếc của đã bỏ ra làm đường. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ xi măng của thành phố đã khích lệ bà con hăng hái đóng góp mà bộ mặt thôn xóm mới khang trang, tươm tất hơn. Trước đây các ngõ xóm xe ô tô, xe tải không vào được, nay nhờ làm đường, xe có thể lưu thông trên đường làng”.
Theo ông Phạm Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tiên Tiến: “Triển khai XDNTM, xã gặp không ít khó khăn. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân. Đặc biệt, phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, cốt lõi nhất là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ngày hôm nay đây, XDNTM như luồng gió mát thổi đến vùng đất vốn khó khăn, mang hơi ấm đến cho quê hương chúng tôi”.
XDNTM gắn với kinh tế phát triển
Nhận thức rõ và sâu sắc tầm quan trọng của XDNTM, ngay khi bắt tay vào thực hiện, Tiên Lãng xác định một trong những yếu tố tiên quyết là tìm ra giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, vật nuôi – cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Cũng nhờ sự triển khai quyết liệt, đồng bộ mà đến nay đã làm thay đổi căn bản, toàn diện từ diện mạo nông thôn đến nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Tiên Lãng đã xây dựng được các mô hình sản xuất tập trung, cải tạo nhiều mô hình vườn tạp đạt hiệu quả kinh tế: 368 mô hình trồng rau xanh (143ha); 255 mô hình trồng cây cảnh (42ha). Hình thành vùng sản xuất khoai tây 200ha ở các xã Tiên Cường, Tự Cường, Quyết Tiến, thị trấn....; vùng cây công nghiệp 1.400ha ở các xã Kiến Thiết, Cấp Tiến, Đoàn Lập, Vinh Quang...; vùng sản xuất lúa đặc sản 500ha ở 3 xã đường 10 (Tiên Cường, Tự Cường, Đại Thắng); vùng chuyên canh dưa hấu ở Tiên Cường, Tự Cường; vùng chăn nuôi tập trung ở các xã Khởi Nghĩa, Cấp Tiến, Kiến Thiết...; vùng nuôi trồng thủy sản 1.760ha ở các xã phía nam huyện.
“Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, xã Tiên Tiến đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Trong đó vùng rươi 27ha, cây đào cảnh 3ha, chuối 4ha. Riêng đối với cây chuối cho giá trị kinh tế ước đạt gần 300 triệu đồng/sào/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2018 của xã đạt 42,1 triệu đồng/người, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,39%”, ông Phạm Văn Phú cho biết thêm.
Ông Phạm Hữu Vì, Chủ tịch UBND xã Tây Hưng, phấn khởi nói: “Ruộng đồng của xã chủ yếu nằm ở vùng trũng, “đồng chua nước mặn”, cấy lúa cho năng suất thấp. Chúng tôi đã xin chuyển đổi sang phát triển kinh tế theo hướng VAC khoảng 400ha, trên bờ thì trồng chuối, rau thơm, dưới ao thả cá, nuôi vịt,… (mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 800.000 quả trứng). Cũng từ mô hình này, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giúp đời sống nhân dân nâng cao rõ rệt”.
Tính đến hết năm 2018, huyện Tiên Lãng đạt bình quân đạt 17,27 tiêu chí NTM/xã. Có 10 xã (Toàn Thắng, Tiên Thắng, Cấp Tiến, Kiến Thiết, Quyết Tiến, Quang Phục, Vinh Quang, Đại Thắng, Bạch Đằng, Tiên Hưng) được UBND TP. công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã Đông Hưng, Tiên Tiến, Đoàn Lập đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận đạt chuẩn.
Tiên Lãng phấn đấu hết năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020 theo đúng lộ trình đề ra.
Để đảm bảo kế hoạch năm 2020 là huyện NTM, Tiên Lãng đã thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công các công trình hạ tầng NTM của các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2018- 2019. Đồng thời, huyện bố trí nguồn ngân sách kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Vươn lên từ xuất phát điểm thấp, hơn ai hết, mỗi người dân Tiên Lãng hiểu và trân trọng những thành quả mà huyện nhà đạt được. Những thành quả này sẽ là tiền đề cơ bản và thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, đoàn kết một lòng chung sức xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp văn minh. Tiên Lãng sẽ trở thành bức tranh sáng đẹp trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.