Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị san gạt, cắt cơ, làm đường, xây dựng nhà sàn... Hành vi này đã bị UBND xã Mỹ Hoà (Tân Lạc-Hoà Bình) xử phạt hành chính, nhưng qua hơn hai năm, vi phạm vẫn chưa được khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu.
Hiện nay, nhiều địa phương ở nông thôn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn tới có tình trạng đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch, san lấp đất rừng để sử dụng vào mục đích khác mà chưa được các cơ quan chức năng cho phép.
Tại xóm Chù Bụa (xã Mỹ Hoà, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) có trường hợp tự ý san lấp đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép, tổng diện tích lên tới 3.000m2. Vi phạm kéo dài hơn 2 năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm, vậy trách nhiệm của UBND xã Mỹ Hoà, UBND huyện Tân Lạc và ngành chức năng ở đâu?!
Cụ thể, ngày 30/6/2020, UBND xã Mỹ Hoà lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai đối với bà Nguyễn Thị Hoài Tâm do đã tự ý san gạt, cắt cơ, làm đường lên đồi, san gạt nền để xây dựng nhà sàn trên đất lâm nghiệp tại thửa số 397, tờ bản đồ số 1, với diện tích san gạt khoảng 700m2.
Qua kiểm tra hiện trường, bà Tâm đã xây dựng một số công trình kiên cố gồm: xây dựng trụ, cột bê tông làm nhà sàn trên 1 nền đất khoảng 100m2, trong đó có đổ bê tông móng cột, đổ cột bê tông lên khỏi mặt đất là 1,3m; tổng số là 20 cột tròn bê tông sắt thép, 14 cột rộng 20cm, 6 cột rộng 25cm.
Ngoài ra, bà Tâm còn kè taly bằng gạch bi, hai bên rảnh thoát nước với chiều dài khoảng 30m, cao 1m. Xây bể phốt vệ sinh khoảng 25m2, có bể ngầm ở lòng đất bên dưới không nhìn rõ bao nhiêu khối, giằng móng bê tông quanh trên mặt bể dài khoảng 20m, rộng 25cm, cao 25cm, đổ 8 cột bê tông, cột tròn rộng 20cm, đã đổ cao lên khỏi mặt đất 1,4m.
Ngay trong ngày 30/6/2020, UBND xã Mỹ Hoà đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tâm số tiền 4.000.000 đồng, đồng thời buộc khôi phục hiện trạng ban đầu.
Cứ tưởng sau khi xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tâm, UBND xã Mỹ Hoà, UBND huyện Tân Lạc sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát yêu cầu bà này khôi phục hiện trạng đất như ban đầu. Trái lại, sau hơn 2 năm, vi phạm không những chưa được khắc phục mà còn có dấu hiệu gia tăng.
Ngày 24/6/2022, UBND xã Mỹ Hoà có báo cáo gửi UBND huyện Tân Lạc về công trình vi phạm. Theo đó, vị trí bà Tâm san lấp thuộc Đồi Khùm, xóm Chù Bụa, tổng diện tích 3,55ha, thuộc tờ bản đồ số 1, thuộc đất của một số hộ dân trong xóm. Các hộ dân cho biết, đã chuyển nhượng cho bà Tâm trú ở Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội), nhưng việc chuyển nhượng vẫn chưa thực hiện theo quy định.
Tại thửa đất 397, bà Tâm đã mở đường lên với chiều dài 723m, rộng 4m (tổng 2.892m2 - PV), rải đá cấp phối; xây dựng 2 nhà sàn với tổng diện tích 130m2 (trước đây chỉ mới xây dựng trụ cột, làm sàn - PV); xây 3 chuồng nuôi gia súc, gia cầm với diện tích khoảng 54m2, diện tích còn lại đang trồng thông, bưởi, cam, đào, mít, cỏ voi, sắn. UBND xã Mỹ Hoà báo cáo với UBND huyện Tân Lạc, Phòng Tài nguyên và Môi trường và đề nghị cho hướng giải quyết.
Để làm rõ tại sao vi phạm xảy ra và kéo dài 2 năm nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND xã Mỹ Hoà, UBND huyện Tân Lạc.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hoà cho biết: Tôi vừa mới nhận nhiệm vụ, Mỹ Hoà đang ở điểm nóng nhất, hai cán bộ đang thụ lý, anh Dềnh, Chủ tịch xã trước và kế toán có sai phạm tí. Tôi cũng vừa mới nhận nhiệm vụ, cũng còn thế này thế kia, có gì anh viết cho tế nhị một chút.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, tại sao vi phạm xảy ra đã hơn 2 năm mà chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là khôi phục hiện trạng, ông Bùi Văn Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Lạc, cho biết: Nội dung trong biên bản cấp xã ghi máy móc quá, áp vào Nghị định 91 ghi là rừng đặc dụng, rừng sản xuất, nhưng thực tế không có rừng đặc dụng, còn rừng sản xuất là có. Thứ hai, mức độ vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND xã. Theo quy định cấp nào ra quyết định xử phạt thì cấp đó yêu cầu khắc phục hậu quả. Trường hợp này giám sát khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của xã.
Trong thời gian dài xã không giám sát dẫn tới việc khôi phục hiện trạng chưa được thực hiện, trách nhiệm của xã tới đâu, phóng viên đặt câu hỏi. Ông Mạnh cho biết, xin lỗi đây là trả lời theo góc độ của Phòng, ở cấp chuyên môn, không phải của lãnh đạo huyện.
Qua vụ việc cho thấy, sau khi xử phạt vi phạm hành chính, UBND xã Mỹ Hòa đã không quyết liệt trong việc yêu cầu khôi phục tình trạng ban đầu của diện tích đất đã vi phạm, dẫn tới vi phạm kéo dài hơn 2 năm, gây dư luận không tốt tại địa phương. Điều này khiến dư luận tại địa phương đặt câu hỏi: Có hay không việc chính quyền địa phương phạt để cho tồn tại?
Đề nghị UBND huyện Tân Lạc chỉ đạo cơ quan chuyên môn xử lý dứt điểm vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của UBND xã Mỹ Hoà và các cơ quan chuyên môn khi không kịp thời giám sát, đôn đốc người vi phạm khôi phục hiện trạng ban đầu.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.