Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 5 năm 2023 | 21:57

Ðịnh vị nông nghiệp xanh, “Made in Việt Nam” cho đất Chín Rồng - Bài 3: Nguồn năng lượng mới

Nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội chuyển mình từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất, chế biến, phân phối và xuất khẩu.

Và bài toán đặt ra là doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã phải “bắt mạch” đúng và trúng tín hiệu thị trường để ứng dụng các công nghệ mới thiết thực, hiệu quả. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho nông sản đồng bằng càng trở nên cấp bách để nông sản Việt tự tin vươn khơi hội nhập.

Nắm bắt thời cơ, chuẩn hóa quy trình

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương trực thuộc Navico. Ảnh: MINH HUYỀN

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương trực thuộc Navico. Ảnh: MINH HUYỀN

Để nông sản của vùng vươn xa, quy trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu phải được chuẩn hóa mới đáp ứng được vấn đề thị hiếu, nhu cầu thị trường, trách nhiệm xã hội và cam kết quốc tế. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các sản phẩm trái cây nhiệt đới của vùng  ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng có chất lượng, hương vị đặc trưng được nhiều thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, việc sản xuất thiếu tập trung, phân tán vẫn còn phổ biến, trong khi yêu cầu để cấp 1 mã số vùng trồng tối thiểu 10ha. Đến nay, TP Cần Thơ mới chỉ có 47 vùng trồng liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu trong tổng số gần 25.600ha cây ăn trái. Ngoài ra, còn rất nhiều loại trái cây chưa liên kết chặt giữa nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, TP Cần Thơ đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tập trung khuyến cáo, vận động nhân dân trồng các loại cây ăn trái đặc sản, có giá trị ở những vùng có điều kiện thuận lợi và chỉ nên trồng tập trung, theo tiêu chuẩn chất lượng, liên kết chặt với doanh nghiệp. Các địa phương cũng phải tích cực hỗ trợ nhà vườn xây dựng mã số vùng trồng; hướng dẫn thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng trong sản xuất. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp, bà con thực hiện hợp đồng canh tác, bao tiêu sản phẩm; tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp liên kết với nông dân là nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất ở địa phương.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhiều cơ hội cho phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: “Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp sớm tham gia tích hợp số hóa vào các mô hình liên kết “3 không”: văn phòng không giấy, mặt ruộng không dấu chân, canh tác không tiền mặt. Trong đó, văn phòng không giấy ứng dụng hệ thống Microsoft 365, Teams, hệ thống quản trị nguồn lực ERP - SAP S/4HANA tích hợp chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS… để quản lý, giúp tăng hiệu quả quản trị, xây dựng hệ thống dữ liệu tổng, số hóa dữ liệu, thông tin. Mặt ruộng không dấu chân ứng dụng nhật ký đồng ruộng điện tử, hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa đồng bộ (nông cơ, drone) và truy xuất nguồn gốc nông sản qua mã số vùng trồng điện tử giúp tăng năng suất, giảm sâu bệnh, tăng lợi nhuận. Đối với môi trường, giúp giảm lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30%, tương đương giảm hàng triệu lít hóa chất phun xịt vào môi trường ở ĐBSCL. Canh tác không tiền mặt là mô hình các ngân hàng (MB Bank, TP Bank…) giúp Lộc Trời ứng vốn sản xuất cho nông dân, cho bà con vay thế chấp bằng lúa cuối vụ và thanh toán các khoản tiền thông qua tài khoản ngân hàng và các giao dịch số.

Với nỗ lực không ngừng đầu tư công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra, ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nam Việt (Navico), cho biết: Navico đầu tư nhà máy chế biến phụ phẩm dầu cá, bột cá, tạo nên những sản phẩm phục vụ lại cho quá trình chăn nuôi và sản xuất. Không dừng lại ở đó, để chứng minh cho việc không để lãng phí bất kỳ bộ phận nào từ con cá tra, thay vì chỉ bán phần da cá tra cho đối tác để chiết xuất collagen và gelatin, từ tháng 12-2021, công ty đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến collagen peptide và gelatin đặt tại tại Khu công nghiệp Thốt Nốt, TP Cần Thơ và đã khánh thành vào đầu tháng 4-2023. Với năng lực sản xuất khoảng 450 tấn nguyên liệu/ngày. Navico có thể cung cấp một lượng da cá rất lớn cho sản xuất collagen và gelatin của nhà máy. Nếu da cá tươi chỉ có giá dao động quanh 0,5 USD/kg, khi sản xuất ra collagen ước tính có thể đạt giá trị từ 25-40 USD/kg. Đây được xem là dự án chiến lược của Navico trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sang các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao.

Định vị thương hiệu

Nhiều ý kiến cho rằng, nắm bắt thời cơ để thay đổi và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nông sản Việt còn phải chú ý một vấn đề hết sức quan trọng: xây dựng và định vị thương hiệu. Ông Nguyễn Duy Thuận, chia sẻ: Để bán gạo mang thương hiệu riêng Cơm ViệtNam Rice vào thị trường châu Âu, Lộc Trời đã chuẩn bị từ cách đây 8-10 năm để không ngừng nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất. Các đơn hàng xuất khẩu của Lộc Trời được đặt hàng trước từ 4-17 tháng, để tập đoàn có đủ thời gian tổ chức sản xuất tại vùng nguyên liệu riêng biệt theo quy trình canh tác khoa học, với bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng chủ yếu do Lộc Trời tự sản xuất. Lộc Trời liên kết cùng bà con nông dân triển khai tổ chức sản xuất quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ dưới sự hỗ trợ sát sao của trên 1.000 kỹ thuật viên nông nghiệp nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất, tuân thủ tuyệt đối các quy trình đề ra. Việc thu hoạch tại ruộng, vận chuyển, sấy lúa và lưu kho cũng được thực hiện trong thời gian phù hợp để đảm bảo chất lượng lúa tốt nhất.

Lô sầu riêng đầu tiên của Hợp tác xã Trường Phát, quận Ô Môn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: MINH HUYỀN

Lô sầu riêng đầu tiên của Hợp tác xã Trường Phát, quận Ô Môn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Úc, với khát vọng nâng tầm tôm Việt trên bản đồ thế giới, định vị thương hiệu con tôm hoàn hảo, Việt Úc tiên phong trong nghiên cứu sản xuất ra tôm giống bố mẹ trong nước thay vì phải nhập khẩu như trước đây. Từ năm 2010, Việt Úc hợp tác nghiên cứu với Viện CSIRO - Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia của Úc chủ động nguồn tôm bố mẹ ngay tại Việt Nam. Từ đó, cho ra đời nguồn tôm giống chất lượng thông qua ứng dụng các công nghệ sinh học mới nhất trên thế giới như công nghệ gen/ADN, công nghệ di truyền phân tử… Qua đó, cho ra các thế hệ tôm giống công nghệ cao như VUS LEADER 21, tôm giống chuyên độ mặn cực thấp VUS LEADER 1/1000 với các tính trạng ngày càng vượt trội đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Việc đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc đặt tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu được xem là mảnh ghép cuối cùng trong vòng tròn khép kín từ tôm giống bố mẹ, tôm thương phẩm, thức ăn cho tôm, nhà máy chế biến và thành phẩm cuối cùng là con tôm hoàn hảo trên bàn ăn người tiêu dùng: hoàn toàn không kháng sinh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, màu sắc và hương vị vượt trội từ các khu phức hợp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất Nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nhấn mạnh: Định vị sản phẩm trái cây Việt Nam, chúng ta cần xem xét và lựa chọn ra 5 sản phẩm trái cây: sầu riêng, xoài, bưởi, chanh dây, dừa là thế mạnh, có tiềm năng cao để xây dựng chiến lược phát triển những loại trái cây này thành đại diện trái cây ĐBSCL tham gia xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cho để phát triển sản phẩm nông sản “Made in Vietnam” trong 5 năm tới. Và để làm được điều đó, chúng ta cần dựa trên 4 trụ cột chính: nông nghiệp tử tế, nông nghiệp sáng tạo, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp bền vững. Phải làm sao để khơi dậy tinh thần chung vì màu cờ sắc áo, ý thức trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp, nông dân, tham gia vào chuỗi liên kết.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Cần định vị bức tranh mới của ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL chứ không phải chỉ là nâng cao chất lượng giống lúa. Phải bắt đầu từ mục tiêu nhỏ, từ chính những người nông dân. Xuất khẩu lúa gạo đứng nhất nhì hay ba thì thu nhập người nông dân vẫn thấp, sức khỏe ảnh hưởng trong quá trình canh tác. Đừng tuyên truyền làm hữu cơ để bán được giá cao vì nông dân có thể nói nếu không bán được giá cao tôi không trồng hữu cơ nữa. Mà phải xác định rằng, làm hữu cơ trước tiên là bảo vệ chính sức khỏe của nông dân và gia đình của họ để nông dân có niềm tin, kiên trì đeo bám và giá trị dần tăng lên tương xứng. Cần thay đổi cách tiếp cận, xây dựng hình ảnh để tiến đến câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, đánh thức tâm thế thị trường và người tiêu dùng theo hướng “Think Rice, Think Mekong Delta”.

Bài 4: Đầu tư xanh cho đồng bằng bền vững

 

Mỹ Thanh-Minh Huyền/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top