Bài toán đầu tư xanh và đồng bộ cho đồng bằng và cho ngành Nông nghiệp trong trung, dài hạn là vấn đề được các bộ ngành và địa phương quan tâm.
Bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước, ngành Nông nghiệp vùng châu thổ Cửu Long cũng đứng trước hàng loạt thách thức khi hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, những lợi thế tự nhiên riêng có của vùng dần bị khai thác quá mức. Cùng với đó là tác động ngày càng sâu rộng, khó lường do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn…
Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) đi vào vận hành góp phần giúp ÐBSCL thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: MỸ THANH
Từ tín dụng xanh đến vận tải xanh
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của ÐBSCL còn khó khăn, thách thức. Nguyên nhân do hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp vẫn còn thấp, nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn rủi ro. Mặt khác, vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính sách liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, quản trị hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng.
Mặc dù còn nhiều bất cập, nhưng theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, rau quả nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư; hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết... Ðây cũng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NÐ-CP.
Thời gian qua, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp vẫn là nỗi trăn trở của các địa phương và doanh nghiệp ÐBSCL khi nông sản vẫn xuất khẩu bằng đường bộ làm tăng chi phí, giảm lợi thế cạnh. Vì thế, các đơn vị kinh doanh khai thác cảng vào cuộc tích cực để mở hướng phát triển mới cho lĩnh vực logistics của vùng. Từ năm 2008, với phương châm "mang cảng đến tận kho khách hàng", Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG ) đã hợp tác, đầu tư, khai thác 6 cảng tại khu vực ÐBSCL (Cảng Tân Cảng Sa Ðéc, Tân Cảng Cao Lãnh - tỉnh Ðồng Tháp, Cảng Tân Cảng Giao Long - tỉnh Bến Tre; Cảng Tân Cảng Cái Cui, Tân Cảng Thốt Nốt, TP Cần Thơ, Tân Cảng Hòn Chông - tỉnh Kiên Giang). Tổng Công ty cũng đã đầu tư hàng trăm phương tiện sà lan, tàu biển để kết nối vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Tháng 9-2022, Bộ Giao thông vận tải và TP Cần Thơ thông báo hoàn tất nạo vét và thông luồng Quan Chánh Bố. Ðến tháng 12-2022, TCSG và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chính thức hợp tác mở lại tuyến vận chuyển container bằng tàu biển nội địa, đưa hàng hóa trực tiếp từ cảng Hải Phòng vào cụm cảng Cần Thơ.
Ðại tá Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc TCSG, khẳng định: "Việc hợp tác giữa TCSG và VIMC sẽ mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho khách hàng thông qua các giải pháp logistics trọn gói, chuyên nghiệp, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Chúng tôi cam kết tuyến dịch vụ sẽ đi vào ổn định với tần suất 2 chuyến/tháng và phấn đấu phát triển thành 1 chuyến/tuần. Ðồng thời tạo ra giải pháp kết nối chuỗi logistics từ cảng khu vực ÐBSCL đi cụm cảng khu vực Hồ Chí Minh, Cái Mép xuất tàu, hướng tới đi thẳng tuyến quốc tế nội Á; tiết kiệm được thời gian và đến 40% chi phí vận chuyển cho khách hàng xuất nhập khẩu trong khu vực, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế tại ÐBSCL".
Huy động mọi nguồn lực
Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đang thúc đẩy việc hình thành các vùng chuyên canh trên cơ sở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và quy trình sản xuất tiên tiến. Ngành Nông nghiệp đang triển khai đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Tham gia góp ý cho đề án, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trăn trở về sự phân vai đầu tư của các tác nhân trong chuỗi ngành hàng và sự khác biệt trong cụ thể hóa chính sách ưu đãi. Ông Thư nhấn mạnh: Ðối với vấn đề đầu tư hạ tầng cho các vùng canh tác lúa thuộc đề án có thể chia làm 3 khớp, tương tự như chính sách khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp. Tức là hạ tầng tới chân hàng rào hay đúng hơn là giao thông thủy lợi, điều tiết nước đến tận cánh đồng do Nhà nước đầu tư bằng nguồn thủy lợi phí và nhiều nguồn lực khác. Hạ tầng bên trong cánh đồng, hạ tầng dịch vụ cho sản xuất lúa do doanh nghiệp đầu tư. Còn hạ tầng trên từng thửa ruộng, thực hiện san phẳng mặt ruộng do nông dân và hợp tác xã đầu tư. Nghĩa là phải phân vai rõ ràng, xác định trách nhiệm các bên liên quan để không giẫm chân lên nhau. Bên cạnh đó, phải có sự khác biệt về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đề án và cho sản phẩm lúa gạo và các sản phẩm có liên quan đến đề án này, các chính sách liên quan đến tín dụng, bảo hiểm cây lúa, bán tín chỉ cacbon… thay vì cào bằng so với các đơn vị không tham gia đề án.
Các công trình, dự án quy mô cấp vùng đã và đang hoàn thành đi vào vận hành góp phần giúp ÐBSCL thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân. Với kinh phí xây dựng trên 3.300 tỉ đồng, dự án cống Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) ở tỉnh Kiên Giang khánh thành vào tháng 3-2022 phục vụ vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha thuộc địa bàn 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang có 7/15 huyện thuộc vùng hưởng lợi từ dự án cống Cái Lớn - Cái Bé với diện tích hưởng lợi 247.432ha, chiếm đến 64,1% diện tích vùng của dự án. Khi cống Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành góp phần điều tiết, ổn định nguồn nước, phục vụ tốt các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, ngọt - lợ luân phiên, mặn - lợ. Tỉnh đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu sớm trình Chính phủ triển khai giai đoạn 2 dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ðồng thời, xem xét đầu tư thêm 10 cống từ cống Xẻo Rô đến đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để phát huy hơn nữa hiệu quả hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Một đột phá chiến lược trong Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng ÐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao… Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển chia sẻ: TP Cần Thơ đã và đang được Trung ương ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng qua địa bàn thành phố (đặc biệt là các trục đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang triển khai đầu tư xây dựng và sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026). Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đang nỗ lực mời gọi đầu tư sớm xây dựng hoàn thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL và Trung tâm logistics cảng biển tại cảng Cái Cui. Khi các dự án này đi vào hoạt động, TP Cần Thơ sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò hạt nhân liên kết vùng trong phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
* * *
ÐBSCL đã khai thác tốt những lợi thế so sánh, xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản - trái cây - lúa gạo chất lượng cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Song, biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao. Muốn giữ vững vị thế của ngành Nông nghiệp, đưa nông sản mang thương hiệu "Made in Việt Nam" của vùng vươn xa rất cần sự bền chí, vững lòng, chung tay, hợp lực của các bên liên quan.
Bài cuối: Nối vòng tay lớn để cùng vươn xa
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.