Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 5 năm 2023 | 10:49

Ðịnh vị nông nghiệp xanh, “Made in Việt Nam” cho đất Chín Rồng - Bài cuối: Nối vòng tay lớn để cùng vươn xa

Ðể phát triển bền vững nông nghiệp ÐBSCL, liên kết "4 nhà" đã và đang trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, Nhà nước và nhà khoa học.

Và thực tế, dù trong bối cảnh thị trường có thay đổi thế nào, hội nhập có diễn tiến nhanh chóng ra sao, việc duy trì niềm tin giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng vẫn là yếu tố cốt lõi, sống còn để gìn giữ mối dây liên kết thêm bền chặt, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát huy giá trị xanh cho nông sản Việt và ngành Nông nghiệp ÐBSCL.

Liên kết "4 nhà" là câu chuyện cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị đối với ĐBSCL hiện nay. Trong ảnh: Liên kết sản xuất lúa theo mô hình "Cánh đồng lớn" ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH

Củng cố từng mắt xích

Chinh phục được thị trường khó tính đã khó, giữ vững thị trường càng khó hơn. Theo doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, những container xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn đầu tiên sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc đã góp phần ghi dấu ấn trái cây Việt Nam trên bản đồ chinh phục thị trường thế giới. Song không vì thế mà công ty hài lòng với những gì đang có mà phải tiếp tục mở rộng vùng trồng, giữ vững chất lượng, gia tăng sản lượng trái cây đảm bảo chuẩn chất lượng mà nhà nhập khẩu yêu cầu để chủ động cho các đơn hàng tiếp theo. Không để xảy ra tình trạng đến lúc khách hàng tăng sản lượng nhập khẩu công ty không thể đáp ứng kịp thời về nguồn cung. Ðến nay, công ty tiếp tục mở rộng cung ứng sang Canada, Úc, NewZealand… nhờ sự chuẩn bị chỉn chu, chủ động về vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đầu tư kho lạnh, công nghệ bảo quản hiện đại... "Bằng cái tâm, bằng uy tín, bằng trách nhiệm của người con của xứ sở Bến Tre, của một doanh nghiệp luôn đau đáu về thương hiệu trái cây "Made in Việt Nam", tôi luôn mong mỏi kết nối các nhà vườn cùng suy nghĩ, cùng trách nhiệm với sản phẩm làm ra, cùng tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác khách hàng quốc tế" - bà Nguyễn Thị Hồng Thu chia sẻ.

Là một thương nhân gần nửa thế kỷ gắn bó với ÐBSCL, có trên 25 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, khẳng định: Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi xướng từ năm 2010 là hướng đi đúng đắn để đưa ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững theo chuỗi giá trị. Trung An đã tham gia từ đầu và đến nay vẫn tiếp tục duy trì. Nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục lấy ý kiến triển khai đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia bởi đây là sự phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị theo định hướng của Nghị định số 98/2018/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nếu được ngân hàng đồng hành vào cuộc, tôi cam kết chỉ 3 năm nữa ngành lúa gạo ÐBSCL sẽ phát triển vượt bậc một cách bền vững, có giá trị gia tăng rất cao cho cả doanh nghiệp, nông dân và đạt được mục tiêu hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp.

Kết nối làm nên sức mạnh

Nông nghiệp vùng ÐBSCL nhiều hạn chế lớn về liên kết chuỗi cung ứng, quy mô sản xuất nhỏ, thu nhập của nông dân bấp bênh, giá trị gia tăng chung của ngành thấp. Hiện nay, 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng chưa qua chế biến hoặc có hàm lượng chế biến hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của nhiều nước. Ðiều này làm cho năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia của nông sản nước ta trong chuỗi giá trị toàn cầu thấp, nhất là trong các mắt xích có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Nông nghiệp đang thực hiện nhiều chương trình tri thức hóa nông dân để họ có thể dễ dàng đón nhận những khoa học mới, tri thức mới khi đưa từ nước ngoài vào Việt Nam. "Chúng ta phải phủ tri thức trên tất cả các cánh đồng, trang trại để nâng cao nhận thức cho nông dân, doanh nghiệp để hiểu thấu đáo về nông nghiệp thông minh, chính xác, hữu cơ, tuần hoàn… Đây cũng là nền tảng để Việt Nam khơi dậy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp vốn còn dư địa phát triển và tạo đột phá thay đổi cả nền nông nghiệp. Sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước "3 biến": biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, Việt Nam phải nhạy bén và linh động thích ứng. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần ngồi lại xác định mục tiêu, chuẩn bị tâm thế cho xuất khẩu nông sản trong bối cảnh mới. Trong đó, thương nhân Việt Nam nên thay đổi tư duy buôn chuyến, xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch và trở thành đối tác tin cậy lẫn nhau" - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Từ thực tế đó, theo TS Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch Vinamit Organic, đối với ngành hàng trái cây, việc hình thành liên minh ngành hàng cho từng loại trái cây riêng biệt là vô cùng quan trọng. Liên minh ngành hàng của từng loại trái cây sẽ giúp mọi thành phần trong hệ sinh thái tham gia, nhất là doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, bài bản và bền vững, làm chủ thị trường, tạo thành lực lượng tập thể, thúc đẩy xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước cũng như đáp ứng vấn đề thị hiếu, nhu cầu thị trường, trách nhiệm xã hội và cam kết quốc tế. Ngoài ra, các nhà đầu tư thúc đẩy việc chế biến sâu cũng là một giải pháp hữu hiệu trong sự phát triển của ngành hàng trái cây ở ÐBSCL. Hiện thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất nhỏ, chủ yếu tập trung ở một số nước như Trung Quốc, Canada, Ðức… số lượng ít và không ổn định. Do đó, cần nghiên cứu kỹ thị trường để xác định thị trường thực sự có nhu cầu; đồng thời, xây dựng thương hiệu riêng cho doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ: Xét về "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" tại thời điểm hiện tại, với "thiên thời" là mức quan trọng của an ninh lương thực đang tăng trên phạm vi toàn cầu, theo đó, lúa gạo Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các thị trường quốc tế; là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, là tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu, Lộc Trời đang có "thiên thời". Kết hợp với yếu tố "địa lợi" là năng lực cốt lõi của Lộc Trời trong việc tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ với quy trình canh tác khoa học và đội ngũ nhân sự Lộc Trời tinh nhuệ, gắn bó và tâm huyết hỗ trợ bà con nông dân trong mọi hoạt động mùa vụ, Lộc Trời đầy đủ "địa lợi". Rất quan trọng, Lộc Trời đang có "nhân hòa" với sự đồng tâm hiệp lực trong chính đội ngũ tập đoàn, trong các thành tố của hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời, lòng tin yêu của bà con nông dân trong suốt gần 30 năm qua, và đặc biệt là sự tin tưởng của các đối tác tài chính như ngân hàng MBBank, ngân hàng Kashikornbank,… Hội đủ cả 3 yếu tố, Lộc Trời sẽ càng vững tin và tiếp tục nỗ lực thực hiện sứ mệnh "Cùng nông dân phát triển".

Tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh, không chứng minh được sản xuất xanh sẽ không dễ dàng xuất khẩu nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sự đồng thuận với tiêu chí xanh và sức ép từ người tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp phải làm ra sản phẩm xanh, làm kinh tế xanh để có được vị thế thị trường tốt hơn. Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp giúp nông nghiệp phát triển bền vững, bền vững từ thị trường trong nước đến ngoài nước. Thị trường trong nước vẫn là thị trường rất lớn của nông sản Việt Nam song niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn bấp bênh. Vì vậy cần nhiều sản phẩm đưa ra thị trường với thông tin minh bạch, đầy đủ, để người tiêu dùng tin vào cam kết của nhà sản xuất. Phải tử tế với nhau từ đầu, tạo ra sản phẩm tử tế. Nhà nước đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế xanh và để làm được cần có hệ thống chính sách cụ thể, đồng bộ, giảm thiểu các phiền toái để khuyến khích kinh tế xanh chứ không phải tăng thêm quyền giám sát đối với kinh tế xanh. Bên cạnh đó, những biện pháp khuyến khích kinh tế xanh phải thực sự đi đôi với hỗ trợ, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cho sản xuất xanh.

 

Mỹ Thanh-Minh Huyền/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
  • Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Vừa qua, trong khuông khổ của Hội chợ Nông nghiệp Mekong Agri Expo 2024 ở Đồng Tháp, tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha, với diện tích này, tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nơi đây.

Top