Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 11 năm 2021 | 8:56

Khổ sở vì vay tiền qua app

Lợi dụng sự khó khăn của một bộ phận người dân trong đại dịch Covid-19, app vay tiền qua mạng nở rộ. Tuy nhiên, hệ lụy từ vay tiền qua các app này là rất rõ ràng: lãi suất “cắt cổ”.

Thêm nữa, nếu chậm trả nợ một ngày, người vay sẽ bị bên đòi nợ bôi nhọ, đe dọa và người thân cũng bị ảnh hưởng, làm phiền.

“Ăn không ngon, ngủ không yên” với đòi nợ

Gần đây, tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại từ những số lạ, không hề nằm trong danh bạ điện thoại, đề nghị nhắn cho chị T.H (Gia Lâm - Hà Nội) phải trả nợ ngay. Mặc dù đã nói với những đối tượng này là tôi chỉ là bạn, không họ hàng thân thích, không liên quan gì đến vay mượn và cũng không có trách nhiệm để trả nợ, nhưng tôi vẫn thường xuyên phải nghe những cuộc “đòi nợ” bất đắc dĩ này.

 

một-nạn-nhân-của-app-cho-vay-tiền-ảnh-anh-thư.jpg
Một nạn nhân của app cho vay tiền. Ảnh: Anh Thư

  

Gặp được chị T.H, tôi đem chuyện ai đó đòi tiền nói cho chị nghe. Chị vội vàng kéo tôi vào trong nhà và kể nỗi “thống khổ” của mình. Chị cho biết, do có nhu cầu nên vay 5 triệu đồng trên app “vĐồng”. Thời gian khó khăn kéo dài đến 50 ngày, chị T. mới ngã ngửa số tiền “lãi mẹ đẻ lãi con” của chị đã lên đến 8,5 triệu đồng. Chỉ cần chậm nộp 1 ngày, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội khác của chị đã “nóng” máy cuộc gọi đòi nợ của bên app. Mãi sau này, chị mới biết chỉ cần tải app là chúng đã chiếm đoạt được toàn bộ danh bạ, Zalo, tin nhắn trong điện thoại.

“Biết là nợ thì phải trả, nhưng kiểu đòi nợ này thì sợ quá, tôi phải tắt điện thoại, không liên lạc với bất kỳ ai để cho bên đòi nợ khỏi quấy rầy, nếu không tôi sẽ ăn không ngon, ngủ không yên với họ”, chị nói.

Chị T.H cũng cho biết thêm, không phải chỉ một mình tôi là đối tượng bị bên cho vay này gọi làm phiền, mà tất cả  người quen, người thân của chị đều bị bên cho vay làm phiền như thế, thậm chí họ còn bị đe dọa nữa.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tháng qua, chị Nguyễn Thị L. (Đông Anh - Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn. Nghe theo một số người bạn, chị vay tiền qua app được quảng cáo trên mạng, đúng là thủ tục nhanh gọn, không phải thế chấp, chỉ cần người vay điền đủ thông tin theo yêu cầu của bên cho vay, sau đó số tiền cần vay sẽ được chuyển vào tài khoản.

Nhưng, chị L. cũng đang phải đau đầu vì những cuộc điện thoại đòi nợ, liên tục gọi đến cho tất cả người thân quen của mình. “Số tiền vay thì không lớn, nhưng lãi suất thì vô cùng lớn. Điều làm tôi khổ sở là bên cho vay gọi điện cho tất cả bạn bè, gia đình tôi để bêu xấu, làm phiền rất nhiều đến họ. Tôi sẽ cố gắng trả đầy đủ và khuyên mọi người đừng vay tiền qua app như tôi”, chị L. nói.

Trả giá quá đắt

Đang có một công việc ổn định, có một gia đình hạnh phúc, có những người thân thích bên cạnh, nhưng bây giờ chị Lê Thị N. (Long Biên - Hà Nội) đã mất tất cả, nguyên nhân cũng chỉ vì vay tiền qua   app trên mạng.

Cách đây khoảng 1 năm, chị N. có vay 2 triệu đồng trên app “vĐồng”. Chị không ngờ, chỉ một số tiền nhỏ như vậy, nhưng chị bị mắc nợ hàng chục triệu đồng. 

“Vì quá khó khăn, không trả nợ đúng hạn, buộc tôi phải tính đường cùng vay app nọ lấy tiền trả app kia. Không biết các app có liên kết với nhau hay không nhưng luôn nhận được lời mời chào dùng app mới qua số điện thoại di động, đến nay, con số vay nợ đã lên 90 triệu đồng”, chị N. cho biết.

Chị N. chua xót nói: Hiện, tôi đã mất tất cả, mất công việc ổn định, gia đình lục đục, mất danh dự, uy tín, lòng tin với mọi người. Nó như một vết nhơ, khiến không ai tin tưởng nữa.

Bằng cách tung ra những chiêu đòi nợ “có một không hai”, bên app đòi tiền đã lấy hình ảnh trong máy của chị N., ghép ảnh chị vào tất cả những gì xấu xa nhất. Sau đó,  gửi tới toàn bộ bạn bè Facebook, Zalo của chị N.. Không chỉ dừng lại ở đó, những chủ nhân của app vay tiền còn đe doạ sẽ bắt con của chị N. và đổ mắm tôm vào nhà bố mẹ. Giờ, chị đã trả nợ xong và cảm thấy nhẹ nhõm hẳn.

 

một-trong-những-tin-nhắn-đe-dọa-đến-nạn-nhân-vay-qua-app-ảnh-lđ.jpg
Một trong những tin nhắn đe dọa đến nạn nhân vay qua app. Ảnh: LĐ

 

Công an Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa phát hiện gần 1.000 khách hàng vay tiền với tài sản thế chấp là ảnh khiêu dâm. Người vay  gửi ảnh và các đoạn clip khỏa thân, kèm theo chứng minh nhân dân, tài khoản mạng xã hội là có thể vay 10 - 15 triệu đồng. Lãi suất 30 - 50%/tháng. Đó là thủ đoạn mới của các đối tượng cho vay nặng lãi thời gian gần đây. Các đối tượng đã lợi dụng triệt để các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… xuyên suốt quá trình thực hiện hành vi phạm tội, từ khâu tìm kiếm người vay, trao đổi, yêu cầu người vay thế chấp bằng các thông tin nhạy cảm đến uy hiếp buộc người vay phải trả gốc và lãi đúng hạn.

Nên vay tiền tại các tổ chức tín dụng của Nhà nước

Bộ Công an khẳng định, ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay.

Việc vay tiền qua app rất thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất “cắt cổ”.

Do đó, Bộ Công an khuyến cáo người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, lực lượng công an các địa phương đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, tổ chức thực hiện theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phát hiện các website quảng cáo các ứng dụng cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng, tập trung kiểm soát, phát hiện xử lý cá nhân, tổ chức đăng tải các thông tin liên quan đến việc quảng cáo, hướng dẫn, mời gọi, lôi kéo người vay tiền qua ứng dụng di động với lãi suất thấp nhưng che giấu dưới các loại phí dịch vụ.

Đồng thời, kiến nghị các cơ quan ban ngành có thẩm quyền ngăn chặn, gỡ bỏ các website, ứng dụng có liên quan đến hoạt động cho vay trái phép, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…). Người vay tiền cần rất tỉnh táo và lựa chọn vay tiền ở các tổ chức tín dụng của Nhà nước để không xảy ra những tình trạng nêu trên.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: Ngành Ngân hàng đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể chính trị xã hội tại các địa phương nhằm tổ chức cho vay trong ngày đối với người dân có nhu cầu chính đáng, đây cũng là giải pháp để người dân tiếp cận với nguồn vốn an toàn, tránh các hoạt động tín dụng phi pháp.

Có thể thấy, môi trường online đang ngày càng phức tạp với nhiều chiêu thức lừa đảo để câu dẫn người dùng sa bẫy, đó là lợi ích, là môi trường kiếm tiền, là những khoản tiền vay dễ dàng chỉ sau vài thao tác.

Chính sự cả tin, sự thiếu hiểu biết và khó khăn nhất thời, nhiều người đã vướng vào những rắc rối, thậm chí là mất mát về tài sản, rất giống với câu nói trong đời sống hàng ngày “mật ngọt thì chết ruồi”.

 

Theo điểm c, khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Nếu dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác để buộc bên vay phải giao tài sản để trừ nợ, hành vi này sẽ bị phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng.

 Ngoài quy định phạt hành chính, người thực hiện hành vi vi phạm này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170, Bộ luật Hình sự, mức phạt tù lên đến 20 năm.

Nếu trực tiếp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để ép buộc bên vay giao tài sản, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản theo Điều 168, Bộ luật Hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân.

Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay trong giao dịch dân sự, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.  Tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top