Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 8 năm 2021 | 22:40

Khởi tố nhiều vụ án liên quan tới hàng lậu, hàng giả

Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án hình sự liên quan tới sản xuất hàng giả, vận chuyển hàng lậu. Trong đó, phải kể đến vụ án khởi tố, bắt tạm giam 12 bị can trong đường dây liên quan tới khai thác than lậu ở Thái Nguyên.

Khởi tố, bắt 12 bị can liên quan đến than lậu

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó, có Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước, trú tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh); Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang, cùng trú tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

 

12 bị can vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam liên quan tới khai thác than lậu ở Thái Nguyên.

 

Chín bị can còn lại gồm: Hà Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương); Bùi Mạnh Cường (Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Ngô Đăng Hải (Phó giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Ngụy Quang Thuyên (nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước); Doãn Thị Định (nhân viên kế toán Công ty Cổ phần Yên Phước); Bùi Hữu Thương (quản lý bãi than thuộc Mỏ đá Núi Voi của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Bùi Hữu Khoa (quản lý khai thác than của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Đỗ Thị Luyến (nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước); Nguyễn Tuấn Anh (kinh doanh vận tải).

Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan công an xác định Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Yên Phước đã câu kết với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép (than lậu) tại Mỏ than Minh Tiến ở xã Minh Tiến và xã Na Mao, (Đại Từ, Thái Nguyên) thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.

Để tiêu thụ số lượng than khai thác trái phép, các đối tượng đã vận chuyển than từ mỏ đến 3 bãi tập kết ở Thành phố Thái Nguyên, sau đó tiếp tục theo đường thủy vân chuyển về thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên đúng quy định pháp luật.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước. 

Bắt tạm giam chủ tiệm vàng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và khám xét nhà đối với Trần Thị Thảo Trang, chủ tiệm vàng Thảo Kim Thành tại thành phố Hồ Chí Minh về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” và tiếp nhận 2 đối tượng có liên quan ra đầu thú.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang mở rộng điều tra vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) trùm buôn lậu tại An Giang cầm đầu. Xác định Trần Thị Thảo Trang, cư trú tại số 484 Trần Hưng Đạo, phường 14, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh (là chủ tiệm vàng Thảo Kim Thành, tại thành phố Hồ Chí Minh) là đối tượng có liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 51kg vàng qua biên giới trước đó do Mười Tường cầm đầu.

 

 Cơ quan Cảnh sát điều tra đọc Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Thảo Trang.

 

Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Thảo Trang về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Đồng thời, tổ chức khám xét căn nhà tại địa chỉ C3.6 chung cư Phú Hoàng Anh, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh và tiệm vàng Thảo Kim Thành, tại số 484 Trần Hưng Đạo, phường 14, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh do Trần Thị Thảo Trang làm chủ.

Ngay sau khi Trang bị bắt, hai đối đượng là Nguyễn Hồng Cam, ở xã Thới An Hội, (Kế Sách, Sóc Trăng) và Trương Văn Báo, ở xã Khánh Hồng, (Yên Khánh, Ninh Bình) là đàn em của Trang cũng đã ra đầu thú.

Hai đối tượng Cam và Báo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đồng thời, qua khám xét nhà và tiệm vàng Thảo Kim Thành do Trần Thị Thảo Trang làm chủ, lực lượng Công an đã thu giữ 1 xe ô tô, một số tang vật và giấy tờ có liên quan đến vụ án.

 

Tang vật là 51kg vàng ban chuyên án thu giữ.

 

Trước đó, Công an An Giang phối hợp cùng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ đã tổ chức bắt giữ một nhóm đối tượng đang vận chuyển trái phép 51kg vàng 9999 từ biên giới Campuchia vào khu vực thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc.

Được biết, đường dây vận chuyển hàng hóa và tiền tệ trái phép qua biên giới do trùm buôn lậu Mười Tường cầm đầu đã tồn tại và hoạt động nhiều năm nay, thu lợi bất chính số tiền rất lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, có quy mô hoạt động rộng ở nhiều tỉnh thành và trên tuyến biên giới Tây Nam.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an An Giang đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án xử lý theo quy định của pháp luật.

Khởi tố nhóm đối tượng sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 giả

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã khởi tố các bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thuận (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Kim Tuyến (ngụ quận 11, TP. HCM) và Dương Quốc Chính (ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”.

Trước đó, cơ quan công an phát hiện Nguyễn Đức Thuận chở một thùng carton nghi vấn nên tiến hành kiểm tra thì phát hiện 150 hộp thuốc. Tại đây Thuận thừa nhận số thuốc này là giả, do bản thân mua nguyên liệu để tự sản xuất và bán ra thị trường nhằm kiếm lời.

 

 Nguyễn Đức Thuận và tang vật là thuốc giả điều trị Covid-19. (Ảnh Công an cung cấp).

 

Từ lời khai của Thuận, công an khám xét khẩn cấp 3 địa điểm tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8 thì phát hiện khu vực sản xuất thuốc giả là nhà vệ sinh dơ bẩn cùng nhiều dụng cụ để chế biến... Công an đã thu giữ hơn 630.000 viên thuốc giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất, trong đó có 3.116 hộp thuốc giả các nhãn hiệu Neo - Cordion, Angmentin; 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất Fugacar giả; 100 vi Neo-codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/ lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu….

Tại cơ quan điều tra, Thuận khai nhận tự mua nguyên liệu, phối hợp cùng Nguyễn Thị Kim Tuyến và Dương Quốc Chính sản xuất thuốc và bán ra thị trường nhằm kiếm lời.

Bắt giữ hàng trăm hộp thuốc, thiết bị y tế chống dịch nhập khẩu trái phép

Mới đây, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra thực tế 4 lô hàng vi phạm nhập khẩu từ Nga về sân bay Quốc tế Nội Bài trước đó ít ngày.

Trên thông tin vận đơn và khai báo hải quan hàng hóa thể hiện là hàng gom, quà tặng, thiết bị rèn luyện thể chất, lọ hoa bằng thủy tinh, đầu đọc đĩa CD, khung tranh bằng gỗ, đèn trang trí, rèm…

 

 Lực lượng Hải quan kiểm tra lô hàng vi phạm.

 

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Hải quan xác định lô hàng có chứa nhiều hàng hóa vi phạm. Kết quả khám xét thu giữ 180 bộ kit test nhanh Covid-19 và 330 hộp thuốc Arbidol, mặt hàng được quảng cáo trên thị trường dùng trong điều trị Covid-19. Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc.

Theo Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, mặt hàng thuốc và kit test Covid là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, nhưng thời điểm kiểm tra, 4 lô hàng trên không có giấy phép theo quy định. Ngoài ra, trong 4 lô hàng vi phạm lực lượng Hải quan còn thu giữ 5.980 bao thuốc lá điện tử nhãn hiệu heet và 60 chai rượu ngoại, đây cũng là những mặt hàng nhập khẩu có điều kiện nhưng không được khai báo và có giấy phép liên quan theo quy định.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top