Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 1 năm 2019 | 21:41

Không nhất thiết phải đánh đổi giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng

Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển và nêu rõ phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh.

Chiều nay, 17/1, dự phiên đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển và nêu rõ phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên đối thoại - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương cùng phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tổ chức Diễn đàn thường niên quan trọng này. Thủ tướng cho biết, ông đã được báo cáo khái quát những nội dung chính, rất cô đọng và bổ ích trong 3 hội thảo chuyên đề hôm qua và hôm nay. Không chỉ vậy, quan điểm đầu tiên Thủ tướng muốn chia sẻ và cũng là điều thú vị, cuốn hút ông ngay từ phút giây đầu tiên về diễn đàn này, chính là cụm từ: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Không chỉ là tinh thần và nội dung thảo luận của hội nghị, cụm từ “nhanh và bền vững” đã thực sự là những từ khóa quan trọng hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam ngay từ khi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ vào giữa năm 2016.

Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong một hội nghị gần đây, Thủ tướng gọi đó là nguyên tắc “3 trong 1” của sự phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đó cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng ta phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị hay biên giới hải đảo. Việt Nam tăng trưởng nhanh để hội đủ các điều kiện về nguồn lực, thời gian và cả quyết tâm nhằm giải quyết rốt ráo những tồn tại, bất cập của nền kinh tế; và quan trọng hơn là bắt nhịp vào những chuyển động nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, của tiến trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư mà Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung là một điểm sáng của thế giới. 

Thủ tướng tham gia phiên đối thoại cấp cao - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Khái quát một số khía cạnh lớn của tăng trưởng nhanh và bền vững trong gần 3 năm qua, Thủ tướng cho biết, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm và đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Cùng với công nghiệp, nông nghiệp là điểm sáng lớn của kinh tế Việt Nam trong năm 2018 với mức tăng trưởng 3,76% - cao nhất trong 7 năm. Nông nghiệp cũng chính là một trong những nền tảng ổn định vĩ mô quan trọng của Việt Nam với rất nhiều tiềm năng và lợi thế ở phía trước.

Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động tăng dần và hệ số ICOR giảm dần so với các năm trước.

Đặc biệt, chưa có thời điểm nào trước đây, Việt Nam được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm "vươn ra biển lớn" của khu vực kinh tế tư nhân như hai năm vừa qua. Riêng trong năm 2018, trên 130.000 doanh nghiệp mới thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, tập trung vào 3 khía cạnh lớn. Thứ nhất là các tư duy và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm trở lại đây, trong đó phải chỉ ra được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn, cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn nghiêm túc. Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ. Những mục tiêu như Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính... khó đi vào thực tiễn nếu không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.


Thứ ba, Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sự sức bật mới cho sự phát triển. Trong đó Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. 

Thủ tướng trao đổi về một số vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại diễn đàn này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam “bởi tiềm năng của chúng tôi còn rất lớn và quan trọng hơn là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng”.

Thủ tướng cho biết, năm 2019 và những năm tiếp theo, Chính phủ sẽ tập trung vào giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, qua đó tăng cường khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.

Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả DNNN và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa. Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.

Thủ tướng kỳ vọng, Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được ban hành ngay đầu năm sẽ tạo ra một hấp lực mới cho môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2019.    

Từ năm 2019, Chính phủ sẽ ưu tiên chính sách cho đầu tư vào vốn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đặt chương trình nghị sự ưu tiên trong những năm tới dành cho cải cách giáo dục, trong đó đặc biệt là nền giáo dục đại học, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng tối thiểu và phù hợp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính phủ nhận thấy rằng mức chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay còn khá thấp so với trung bình của thế giới cũng như các nước trong khu vực. Chính vì vậy, tăng chi cho khoa học và công nghệ, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển sẽ là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ từ năm 2019.

Ghi nhận các ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ, trong mỗi bước đi trên hành trình đầy chông gai này, Việt Nam luôn mong có được sự ủng hộ, đồng hành và đóng góp những ý kiến quý báu. 

Thủ tướng tham quan các gian hàng công nghệ tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi, đối thoại về một số vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách.

Trước câu hỏi đâu là nguyên nhân quan trọng nhất để có kết quả tích cực trong năm 2018, Thủ tướng cho biết, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, giữ ổn định vĩ mô.

Thứ hai là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, từ đó, giải phóng sức sản xuất mạnh mẽ.

Thứ ba là Chính phủ, các cơ quan liên quan đã tháo gỡ các nút thắt, giải phóng các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước tốt nhất.

Trước đề nghị chia sẻ về một số ưu tiên trong cải cách thể chế năm 2019, Thủ tướng khẳng định quan điểm tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thể chế chính sách phục vụ sự phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, giải phóng sức sản xuất.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc chúng ta cần xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới.

Ông cho rằng, một quốc gia muốn "hoá rồng, hoá hổ" thì phải duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định và đột phá trong chính sách.

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến, trong đó có các doanh nghiệp, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cho rằng, Chính phủ đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, trong sạch, một Chính phủ hành động với những động thái cởi trói về thể chế, kinh tế để kinh tế tư nhân phát triển.

Theo bà Thảo, Việt Nam trong thời gian qua đã chứng kiến sự đóng góp của những đầu tàu kinh tế tư nhân, đây cũng là khu vực tích cực, năng động trong một quốc gia khởi nghiệp. Theo đó, tinh thần đổi mới sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp cơ hội và xu hướng tích cực trong giai đoạn có nhiều biến động của kinh tế thế giới.

 

Đức Tuân
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top