Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 9 năm 2021 | 11:17

Kinh doanh thực phẩm chứa chất cấm bị xử lý thế nào?

Nhiều người đặt câu hỏi: Chất cấm trong thực phẩm được quy định thế nào? Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chứa chất cấm bị xử lý ra sao?

Mới đây, thông tin “mì tôm Hảo Hảo, miến Good, mì khô vị bò gà xuất khẩu chứa chất cấm và bị thu hồi” (do có chứa chất Ethylene Oxide - EO, chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu - EU) gây xôn xao dư luận, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

 

cơ-quan-an-toàn-thực-phẩm-ireland-fsai-ra-thông-báo-thu-hồi-một-số-lô-sản-phẩm-mì-ăn-liền-của-công-ty-acecook-việt-nam-có-chứa-chất-ethylene-oxide.jpg
Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồimột số lô sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của công ty Acecook Việt Nam có chứa chất Ethylene Oxide.

 

Những chất nào bị cấm dùng trong thực phẩm?

Chất cấm trong thực phẩm không được định nghĩa ở bất cứ văn bản pháp luật nào. Chất được hiểu là các hoá chất, chất kháng sinh... gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, bị cấm sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm.

Điều 3, Thông tư 10/2021/TT-BYT của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 01/09/2021) quy định, chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm các chất có trong các Danh mục như: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất (Acetic anhydride, Acetone…); Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội (Alphacetylmethadol, Acetorphine…); Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật và động vật (Cà độc dược, Cam thảo dây, Bọ hung, Ngô công...).

Theo Điều 2, Thông tư 10/2021/TT-BYT, khi xây dựng danh mục chất cấm tại Việt Nam, cần phải đáp ứng những nguyên tắc sau: Bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và có cơ sở khoa học. Phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục để đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe và yêu cầu quản lý nhà nước. Chất đưa vào Danh mục là chất có khả năng gây hại đến sức khỏe hoặc tính mạng người sử dụng hoặc các chất không thuộc loại dùng trong thực phẩm.

Ngoài các danh mục chất cấm, khoản 1, Điều 10, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010 còn quy định điều kiện chung về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Bên cạnh đó, tùy từng loại thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; về bảo quản thực phẩm.

Cụ thể, thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về hàm lượng quy định tại các văn bản pháp luật như sau:

- Giới hạn vi sinh vật gây bệnh: Thông tư 05/2012/TT-BYT

- Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Thông tư 50/2016/TT-BYT

- Dư lượng thuốc thú y, Dư lượng kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm: Quyết định 46/2007/QĐ-BYT

- Quy định về chất phụ gia thực phẩm: Thông tư 24/2019/TT-BYT

Chế tài xử lý

Về chế tài xử lý hành vi kinh doanh thực phẩm chứa chất cấm, theo luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội), tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt vi phạm hành chính

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm tương ứng được quy định tại các điều khoản. Mức phạt tiền có thể lên tới 500 - 700 triệu đồng (khoản 5, Điều 6, Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như:

- Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm;

- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.

Xử phạt hình sự

Theo luật sư Nguyễn Thị Thu, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Điều 317, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm:

Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm…

 

Với thị trường Việt Nam, hiện chưa có quy định cho phép hay cấm sử dụng hợp chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Vụ khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

 

Trường hợp phạm tội có tổ chức; Làm chết người; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21-100 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên… thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

Phạm tội làm chết 2 người; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101-200 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%... thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên… thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Như vậy, việc kiểm tra danh mục chất cấm trước khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Do các quốc gia có quy chuẩn khác nhau về danh mục chất cấm, do đó, sản phẩm xuất khẩu trước khi sản xuất cần kiểm tra danh mục chất cấm tại nước có ý định xuất khẩu để tránh rủi ro.

 

 

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top