Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 3 năm 2017 | 1:7

Kinh nghiệm XDNTM của TP.Móng Cái: Không áp đặt kế hoạch từ trên xuống

Năm 2016, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, TP.Móng Cái (Quảng Ninh) đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong XDNTM khi có tới 4 xã về đích. Ông Lê Ngọc Lưu, Phó chủ tịch UBND thành phố, cho biết, năm 2017, sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực cho các xã diện đặc biệt khó khăn để phấn đấu hoàn thành chương trình đúng lộ trình.

Nuôi lợn Móng Cái bằng phương pháp đệm lót sinh học hữu cơ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Hải Đông.

Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật sau hơn 5 năm thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn thành phố?

Khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn bởi xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 5 tiêu chí, 16,4 chỉ tiêu. Trước tình hình đó, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, người dân là chủ thể”, Đảng bộ và nhân dân toàn thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung mọi nguồn lực cả tài chính,vật chất, con người để thực hiện chương trình.

Công tác chỉ đạo từ thành phố đến các xã, thôn, bản được triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, có nhiều sáng tạo: thành lập bộ máy từ thành phố đến xã, thôn bản; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách riêng phù hợp với từng xã, tạo hành lang pháp lý phục vụ chương trình.

Phân cấp mạnh cho các xã quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách tạo sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành ngân sách. Tổng nguồn vốn thực hiện 1.831 tỷ đồng; trong đó ngân sách 406 tỷ đồng; tín dụng 862 tỷ đồng, xã hội hóa 193 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 300 tỷ đồng, vốn lồng ghép 70 tỷ đồng.

Hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn thành phố có 88,9% số xã đạt tiêu chí giao thông; 100% số xã đạt tiêu chí thủy lợi, điện, trường học, điện; 88,9% số xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư.

Kinh tế và tổ chức sản xuất được đổi mới, cải thiện rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển từ quy mô nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa tập trung, dần hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm (vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích trên 1.000 ha; vùng nuôi và nhân giống ghẹ với diện tích 36,5ha; đàn lợn giống, lợn thịt Móng Cái đang khôi phục và ngày càng phát triển; vùng sản xuất khoai lang ổn định với diện tích 400ha…). Các sản phẩm xây dựng thương hiệu (lợn Móng Cái, ghẹ Trà Cổ, tôm chân trắng…), sản phẩm OCOP (giò, chả thịt lợn tươi từ lợn Móng Cái, tỏi đen, trà chùm ngây, trà măng tây, ghẹ lột, tôm bóc nõn, ruốc ghẹ…) được thị thường trong và ngoài nước đón nhận.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng/người (năm 2010) lên 26,68 triệu đồng/người (năm 2016); thành phố có 88,9% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 100% số xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và hình thức tổ chức sản xuất.

Theo ông, đâu là điểm nhấn sáng tạo của địa phương trong XDNTM?

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, các nội dung công việc đều được họp công khai để dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi, các công trình trong thôn, xóm để người dân được bàn bạc, làm chủ, xây dựng và quản lý; do đó, việc xây dựng đường làng, ngõ xóm và xây dựng khu dân cư kiểu mẫu tại các thôn đạt kết quả tốt.

Cùng với việc thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh, thành phố luôn kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với từng địa bàn, từng giai đoạn để triển khai thực hiện theo mục tiêu đề ra như: cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đàn lợn Móng Cái, hỗ trợ phát triển chế biến sản phẩm, hỗ trợ xây dựng đường thôn ngõ xóm, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, hỗ trợ công tác tuyên truyền…

Để đạt chuẩn NTM đã khó, việc giữ gìn, nâng cao chất lượng các tiêu chí càng khó hơn. Thành phố đã có những giải pháp gì để giữ vững thành quả đã đạt được, thưa ông?

Tính đến hết năm 2016, thành phố đã có 4 xã Hải Tiến, Hải Xuân, Hải Đông, Quảng Nghĩa đạt chuẩn NTM; năm 2017 phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn là Vạn Ninh, Vĩnh Trung; năm 2018 tiếp tục đưa 2 xã Vĩnh Thực, Bắc Sơn về đích; năm 2019 xã Hải Sơn phấn đấu về đích để đến năm 2020 chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tập trung mọi nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí, chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.

Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ. Về nguyên tắc nhà nước chỉ định hướng, hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách và tạo hành lang pháp lý, người dân phải trực tiếp tham gia thực hiện các tiêu chí (nhà nước không làm thay); về cách làm, không áp đặt kế hoạch từ trên xuống, mà phải bắt đầu từ việc lập kế hoạch và đăng ký từ thôn, xã lên.

Xin chân thành cảm ơn ông!

T.Nghĩa - K.Thủy (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top