Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 12 năm 2018 | 16:47

Lâm Hà (Lâm Đồng): Chính quyền hỗ trợ hay hủy hoại tài sản của dân?

Tuy cho rằng chính quyền huyện Lâm Hà chưa giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đai nhưng ông Nguyễn Đức Vinh vẫn xin tự nguyện tháo dỡ công trình sai phạm. Thay vì hỗ trợ, đoàn công tác đã đập phá toàn bộ công trình xây dựng của ông Vinh.

Chủ công trình xin tự tháo dỡ
 
Ông Nguyễn Đức Vinh ở tổ dân phố Ba Đình 2, thị trấn Nam Ban bức xúc chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn về việc chính quyền huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã hủy hoại tài sản của gia đình ông chứ không phải hỗ trợ tháo dỡ như đã nói.
 
Theo ông Vinh, năm 1989, ông có nhờ ông Vũ Hoa Khôi mua lại một ngôi nhà là cửa hàng ăn uống của Công ty Thương nghiệp Lâm Hà (Theo Đơn xin đề nghị của ông Vũ Hoa Khôi, cửa hàng này được Công ty Thương nghiệp Lâm Hà bán thanh lý cho ông, nhưng do không đủ tiền nên ông mua hộ ông Vinh).
 
Sau khi mua lại được cửa hàng, gia đình ông Vinh thành lập một cơ sở chế biến đồ gỗ mang tên Vinh Quang, đào ao thả cá và ươm giống tằm tơ để phát triển kinh tế.
 
Do bị bệnh nên ông Vinh thường xuyên phải ra Hà Nội điều trị; ngôi nhà và cơ sở chế biến gỗ của ông để cho gia đình bà Vũ Thanh Hoa mượn làm bãi để gỗ, củi. Hiện nay, theo trích lục Bản đồ năm 2005, vị trí đất này mang số 231, 232.
20181216_143117.jpg
Ông Vinh nhận được sự hỗ trợ tháo dỡ của chính quyền như thế này?!
 
Tại Báo cáo số 47/BC-UBND ngày 09/8/2012 của UBND thị trấn Nam Ban gửi UBND huyện Lâm Hà, do Chủ tịch UBND thị trấn Thái Văn Mai ký, có nội dung: Cửa hàng ăn uống số 1 là tài sản của Công ty Thương nghiệp Lâm Hà bán nhà trên đất cho ông Nguyễn Đức Vinh là đúng. Hiện nay nằm trên thửa đất số 231, 232. Việc mua bán này của ông Vinh đúng với các quy định của pháp luật ở thời điểm trước năm 1993.
 
Năm 2014, do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có nơi ăn chốn ở và thờ phụng liệt sỹ, ông Vinh dựng tạm một ngôi nhà gỗ. Đến năm 2015, ông được nhà nước hỗ trợ cho vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo nên đã dựng một quán bằng sắt lợp tôn để làm nơi sinh sống và kinh doanh.
 
Ông Vinh cho biết thêm, ngay sau khi ông xây dựng, chính quyền các cấp huyện Lâm Hà đã kiểm tra, tiến hành lập các biên bản và ra quyết định liên quan đến việc xây dựng của ông, tuy nhiên, các văn bản này đều không đúng trình tự, nội dung, thủ tục theo quy định. Vì thế, UBND huyện Lâm Hà đã ban hành văn bản thu hồi các quyết định này.
 
Sau đó, huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng lập lại hồ sơ vi phạm với hành vi xây dựng nhà ở trong đô thị không có giấy phép và hành vi lấn chiếm đất công. Ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 2403/QĐ-XPVPHC; Quyết định số 3269/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng của gia đình ông Vinh.
 
Không đồng tình với các quyết định trên, ông Vinh có đơn gửi các cấp đề nghị giải quyết.
 
Ông Vinh cho biết, UBND huyện đã gửi các quyết định trên đến gia đình ông và niêm yết công khai tại trụ sở UBND thị trấn Nam Ban. Quyết định 3269/QĐ-CCXP buộc ông Vinh phải tháo dỡ công trình xây dựng sai phạm. Thời gian thực hiện 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
 
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Vinh, những quyết định được gửi đến khi ông đang chữa bệnh tại Hà Nội, đến ngày 14/11/2018, gia đình ông mới nhận được các quyết định trên theo đường bưu điện.
 
20181216_143147.jpg
Khu vườn trồng hơn 50 cây ăn trái cũng bị phá bỏ

 

Ngày 19/11/2018, Ban cưỡng chế của UBND huyện Lâm Hà do ông Nguyễn Minh An, Phó chủ tịch UBND huyện, có cuộc đối thoại với ông Vinh; tham dự có các cơ quan đoàn thể của huyện và thị trấn Nam Ban, để tuyên truyền và vận động gia đình ông Vinh tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.
 
Trong cuộc đối thoại này, ông Vinh không đồng ý với nội dung các quyết định của chính quyền các cấp cho rằng ông xây dựng trên đất công. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn xin chính quyền cho ông được hoãn vài ngày để tự tháo dỡ.
 
Ông Vinh bức xúc: Mặc dù đề nghị của gia đình tôi đối với chính quyền các cấp giải quyết dứt điểm việc tranh chấp, xác định rõ ràng không phải là đất công mà là đất có chủ nhưng chưa được giải quyết thấu tình đạt lý, nhưng gia đình tôi vẫn xin được hoãn vài ngày để chuẩn bị và tự tháo dỡ công trình được cho là vi phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện vẫn không cho. Chiều 19/11/2018, gia đình tôi đã tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng của mình theo Quyết định số 3269/QĐ-CCXP của UBND huyện Lâm Hà.
 
Chính quyền hủy hoại tài sản của người dân?
 
Thông báo số 217/TB-BCC  ngày 13/11/2018 về việc tổ chức cưỡng chế thực hiện Quyết định số 3269/QĐ-CCXP ngày 22/9/2018 của Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chiếm đất công của ông Nguyễn Đức Vinh do ông Nguyễn Minh An, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ký.
 
Theo đó, Ban cưỡng chế và các đơn vị chức năng sẽ tiến hành thực hiện cưỡng chế giải tỏa cây trồng, các công trình xây dựng và tài sản gắn liền với diện tích 1.184m2 đất thuộc các thửa đất số 231, 232 do gia đình ông Nguyễn Đức Vinh trồng và xây dựng để khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm. Thời gian bắt đầu từ 8h00 ngày 21/11/2018.
 
Nếu gia đình ông Nguyễn Đức Vinh tự nguyện thi hành Quyết định số 3269/QĐ-CCXP trước ngày 21/11/2018 thì Ban cưỡng chế sẽ lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành của gia đình ông Nguyễn Đức Vinh.
20181218_142527.jpg
Trụ sở UBND huyện Lâm Hà.
 
 
Trái hoàn toàn với những nội dung đã được ghi trong Thông báo số 217 và thậm chí là lời của ông Nguyễn Minh An, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế là hỗ trợ giúp gia đình ông Vinh, ông An đã chỉ đạo cho lực lượng đập phá hoàn toàn công trình sai phạm, toàn bộ hơn 50 chục cây ăn trái đang trồng trong vườn bị lực lượng dùng máy phá bỏ.
 
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn chiều 18/12/2018, ông Nguyễn Minh An khẳng định, gia đình ông Vinh xin hoãn vài ngày để tự tháo dỡ. Sáng 21/11/2018, khi tổ công tác đến để thực hiện cưỡng chế theo Quyết định 3269/QĐ-CCXP, gia đình ông Vinh đang tháo dỡ mái tôn trước nhà.
 
Khi đặt câu hỏi với ông An: Như vậy gia đình ông Vinh đã thực hiện Quyết định số 3269/QĐ-CCXP của Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà? Ông An khẳng định: Đúng như vậy.
 
20181220_152505.jpg
Ông Phạm Văn Viên là người tham gia tháo dỡ giúp ông Vinh.
Ông Phạm Văn Viên, nhà đối diện với công trình sai phạm của ông Vinh, cho biết: Chúng tôi là hàng xóm của ông Vinh, vào đây sinh sống từ khi Nhà nước có chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới. Sáng 21/11/2018, tôi là một trong những thành viên ở đây sang giúp gia đình ông Vinh tháo dỡ. Trước đó, chiều 19/11/2018, gia đình ông Vinh cũng đã tổ chức tháo dỡ.
 
"Khi tôi đang thu dọn những vật dụng đồ dùng gia đình của nhà ông Vinh thì đoàn công tác đến. Các lực lượng theo chỉ đạo của ông An, Phó chủ tịch UBND huyện bảo chúng tôi ra ngoài, sau đó sử dụng búa tạ để đập toàn bộ công trình. Tài sản của gia đình ông Vinh được lực lượng đưa hết lên xe và chở đi. Vì quá uất ức, ông Vinh đã bị ngất và được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đến nay, số tài sản này không biết còn sử dụng được nữa hay không?", ông Viên chia sẻ.
20181216_143130.jpg
Tất cả chỉ còn lại là đống gạch nát 
 
Không chỉ có ông Viên mà nhiều người dân ở đây bất bình về cách hành xử của lãnh đạo và chính quyền của huyện Lâm Hà. Người dân cho biết, gia đình ông Vinh đã tự tháo dỡ từ chiều 19/11/2018, không chống đối gì, thậm chí đã có vị lãnh đạo công an huyện đi qua đây khi biết gia đình ông Vinh tự giác tháo dỡ còn động viên.
 
Chỉ cho chúng tôi khu vực sai phạm, những người dân ở đây hỏi: Các anh thử xem, đây là hỗ trợ tháo dỡ hay phá hoại tài sản của dân?
 
Họ còn cho biết thêm, ở đây còn nhiều gia đình lấn chiếm đất công vậy mà chính quyền không xử lý. Gia đình ông Vinh là gia đình liệt sỹ mà đối xử quá tệ bạc.
 
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), hành vi trên là trái pháp luật bởi đã có dấu hiệu của tội cố tình hủy hoại tài sản. Ông Vinh có thể làm đơn khởi kiện ra tòa.
 
Đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc để làm rõ và có hình thức xử lý cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ đã cố tình vi phạm quy định của pháp luật.
 
Bài sau chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc nguồn gốc của khu đất được chính quyền cho là đất công này.
 
 
 
 
 
 
  
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top