Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 1 tháng 8 năm 2022 | 15:45

Lan tỏa chất lượng sản phẩm OCOP và tập trung sản xuất theo chuỗi

Để thành công từ mô hình nông nghiệp, người trồng cần chi phí đầu tư ban đầu lớn, kỹ thuật chăm sóc cao và sự cần cù, tỉ mỉ. Các địa phương cũng nỗ lực đưa toàn bộ các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử, nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn chất lượng sản phẩm OCOP.

ttt.jpg
Mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao không chỉ đem lại cho gia đình anh Nguyễn Phí Năng, xã Tam Hồng (Yên Lạc) nguồn thu ổn định mà còn tạo việc làm cho 1 số lao động tại địa phương.

 

Vĩnh Phúc: Tiên phong thực hiện nông nghiệp thông minh gắn liền chuyển đổi số

Tiên phong đưa những giống cây trồng nhập ngoại về vùng đất mới, chủ động đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ cao vào sản xuất, đến nay, mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm của anh Nguyễn Phí Năng, xã Tam Hồng (Yên Lạc) không chỉ đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình mà còn góp phần tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương. Nhờ mô hình này, anh trở thành 1 trong những nông dân tiêu biểu của huyện Yên Lạc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022 .

Mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao không chỉ đem lại cho gia đình anh Nguyễn Phí Năng, xã Tam Hồng (Yên Lạc) nguồn thu ổn định mà còn tạo việc làm cho 1 số lao động tại địa phương.

Được trực tiếp trải nghiệm và nghe chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, thưởng thức những quả dưa chuột sạch baby Nhật ngon, ngọt ngay tại ruộng của anh Năng trên đồng đất xã Tam Hồng, chúng tôi hiểu hơn sự “dấn thân” để chinh phục niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch của anh.

Không ngại khó, ngại khổ để tiếp cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền chuyển đổi số, hiện nay, gia đình anh Năng đang sở hữu mô hình trồng một số giống dưa nhập ngoại rộng 3.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Tốt nghiệp khoa kinh tế nông nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Năng có nhiều năm bươn trải với đủ nghề, từ xây dựng đến kinh doanh nhưng không gặp nhiều may mắn, thậm chí còn thất bại.

Với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, năm 2018, anh Năng cùng một số người bạn mạnh dạn thuê đất, đầu tư, xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và trồng một số giống cây nhập ngoại như dưa ichiba Nhật Bản, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột Nhật, dâu tây tại Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Dù gặp không ít khó khăn, trở ngại về vốn, kinh nghiệm nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, tập trung nghiên cứu tài liệu, sách báo, xem ti vi, mạng xã hội và học hỏi bạn bè, mô hình của anh Năng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với kinh nghiệm sẵn có, năm 2021, anh Năng trở về địa phương, cùng một số cộng sự thuê đất, đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trồng một số giống dưa nhập ngoại với tổng diện tích trên 5.000 m2. Sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, doanh thu đạt trên 450 triệu đồng ngay từ vụ đầu tiên.

Đầu năm 2022, anh Năng thành lập Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp và Xây dựng Hoài Băng, đồng thời mở rộng diện tích nhà màng thêm 2.000 m2, trồng 6.000 gốc dưa leo baby Nhật- Kami 98 ứng dụng công nghệ cao tại xã Tam Hồng (Yên Lạc) với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Ngay vụ đầu tiên, với thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 2 tháng, gia đình anh Năng thu về 120 triệu đồng (bao gồm cả chi phí). Cùng với trồng tiếp dưa leo baby Nhật trên toàn bộ diện tích vừa thu hoạch, anh Năng trồng thêm 1.000 m2 giống dưa vàng nhập ngoại để đa dạng chủng loại, thu hút khách hàng, đồng thời so sánh độ thích nghi của từng loại cây trồng trên vùng đất Tam Hồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm và kết quả đạt được, anh Năng cho biết: Với đặc tính giống tốt, giàu dinh dưỡng, sinh trưởng nhanh, dưa chuột giống Nhật là loại trái cây được nhiều người yêu thích bởi nhiều công dụng đối với sức khỏe và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để thành công từ mô hình nông nghiệp, người trồng cần chi phí đầu tư ban đầu lớn, kỹ thuật chăm sóc cao và sự cần cù, tỉ mỉ. Ngoài diện tích rộng, cần xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt Israel. Phương pháp này có nhiều ưu điểm, bởi phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, hạn chế sự lãng phí nước và đặc biệt “cứu cánh” hữu hiệu cho những vùng khô hạn.

Cùng với đó, công nghệ tưới nhỏ giọt có thể kết hợp với bộ châm phân tự động thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm, giúp phân bón hòa tan trong nước và tiếp xúc trực tiếp với bộ rễ, giúp tối ưu hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng của cây trồng. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, người trồng cần theo dõi thường xuyên, treo dây theo từng giai đoạn, tỉa bớt lá, giúp cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp, thời gian tới, anh Năng tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng một số cây độc, lạ như bí ngô mặt trời, dâu tây… Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật canh tác mới, chủ động nắm bắt nhu cầu và biến động của thị trường để điều chỉnh sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Hà Nội: Phát triển chuỗi rau an toàn nâng cao giá trị hàng hóa và khả năng cạnh tranh

Từ năm 2013, nhận thấy nhu cầu của thị trường sử dụng các loại thực phẩm sạch trong đó có rau màu, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, chuỗi liên kết đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

 

no.jpg
Rau mầm “Rau baby leaf” của HTXNN Thanh Hà là một trong những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng hiện nay.

 

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà, với mục tiêu phát triển sản phẩm rau an toàn chất lượng cao, Hợp tác xã đã chủ động xây dựng chuỗi khép kín, theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vững bước trên thị trường tiêu thụ. Đến nay, đơn vị có khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1,15ha, trong đó đã lắp đặt được gần 8.000m2 nhà màng nông nghiệp cùng hệ thống tưới phun tự động; 2 kho nhà lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ... Rau được thu hoạch, sơ chế tại chỗ, hạn chế tình trạng dập nát. Ngay cả khi bảo quản hay vận chuyển cũng bảo đảm trong môi trường lạnh với nhiệt độ thích hợp.

Nhờ tuân thủ những công đoạn nghiêm ngặt theo quy trình an toàn, sản phẩm rau của Hợp tác xã đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và sơ chế rau; Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, 100% sản phẩm của Hợp tác xã đều được dán tem QR code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

“Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với các chuỗi cung ứng nông sản như: Chuỗi cửa hàng công ty thực phẩm sạch, siêu thị BigC, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố… Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường 150-200kg rau các loại; doanh thu hằng năm đạt trên 2 tỷ đồng/ha, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương ổn định 6-8 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã hiện có 15 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)”, bà Bùi Thị Thanh Hà cho biết thêm.

Nói về hiệu quả của chuỗi rau an toàn Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát khẳng định, mô hình chuỗi của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng nguồn thu nhập cho người dân. Hơn nữa, từ mô hình sản xuất của Hợp tác xã đã tạo điều kiện cho các địa phương khuyến khích người dân mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ ổn định trong mọi tình huống.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi rau an toàn Thanh Hà tiếp tục phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện đã hỗ trợ làm đường đến vùng sản xuất; kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để Hợp tác xã tham gia các mô hình khảo nghiệm giống, phân bón. Hiện, chuỗi liên kết rau an toàn của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà trở thành mô hình điểm để địa phương khác tham quan, học tập kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì; đẩy mạnh tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại để Hợp tác xã tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng...

Thanh Hóa: Lan tỏa mạnh mẽ chất lượng sản phẩm OCOP

 Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 196 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 44 sản phẩm đạt 4 sao... Nhờ sở hữu lợi thế đa dạng về địa hình, khí hậu, sản phẩm OCOP của tỉnh khá đa dạng từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, những sản phẩm đặc sản cả ở vùng biển, đồng bằng, trung du và miền núi... Nhận thức được vai trò của công tác quảng bá đối với hoạt động tiêu thụ, các đơn vị, tổ chức hội, doanh nghiệp, HTX đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến. Từ đó, tăng cường sự lan tỏa thương hiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng.


tttttt1.jpg
Sản phẩm OCOP sâm báo của tỉnh Thanh Hóa tham gia hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX Coop-Expo 2022.

  

Tháng 5 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã cùng 40 sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Đại diện Hội Nông dân tỉnh cho biết: Đây là cơ hội để quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP đến du khách; đồng thời kết nối tiêu thụ, đẩy mạnh chuỗi cung ứng ra thị trường cả nước và giới thiệu với khách quốc tế, hướng tới xuất khẩu. Do đó, hội đã giới thiệu, vận động các doanh nghiệp, HTX với nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.

Tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP này, anh Thạch Văn Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, xã Cự Nham (Quảng Xương), mang tới 200 chai mắm tôm, gần 700 chai nước mắm Cự Nham, 400 hộp moi khô, với tổng giá trị sản phẩm hơn 200 triệu đồng để trưng bày, giới thiệu đến đông đảo du khách. Anh Hiểu chia sẻ, không chỉ có mặt trên các website giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn Thanh Hóa, đơn vị luôn chú trọng đến việc giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông và tham gia các hội chợ, triển lãm, nhất là sau khi các sản phẩm của công ty đạt chứng nhận OCOP. Từ đó, giúp sản phẩm có cơ hội lan tỏa đến nhiều người tiêu dùng trong cả nước. Đến nay, ngoài các địa phương trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm của công ty đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị của tỉnh Tuyên Quang và Hà Nội.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay TP Thanh Hóa đã có 7 sản phẩm được công nhận; trong đó, có 5 sản phẩm xếp hạng 3 sao, 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao và đang trình cấp có thẩm quyền 3 sản phẩm để đánh giá, xếp hạng trong các đợt tiếp theo. Sau khi sản phẩm được đánh giá phân hạng và xếp sao OCOP theo quy định, Ban Điều hành OCOP thành phố đã hỗ trợ xây dựng clip, tin, bài quảng bá sản phẩm để phát sóng trên truyền hình hoặc đăng trên các trang báo, tạp chí của tỉnh, Trung ương. Đồng thời, giới thiệu các chủ thể tham gia các hội chợ do tỉnh, Trung ương tổ chức và hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các trung tâm OCOP quốc gia. Gắn kết gian hàng OCOP tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, khu dân cư lớn, điểm bán hàng OCOP tại các khách sạn, nhà hàng, sân bay... Đại diện lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển thị trường, tạo nên các chuỗi liên kết cho từng sản phẩm, thành phố sẽ có phương án hỗ trợ chủ thể của sản phẩm để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đưa được các sản phẩm OCOP vào hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm đến du lịch; có phương án hỗ trợ xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của TP Thanh Hóa và của cả tỉnh. Xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố...

Bên cạnh đó, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát và bước vào giai đoạn thích ứng, phục hồi, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Công Thương, Liên minh HTX tỉnh cũng đã tăng cường nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra phạm vi ngoài tỉnh. Riêng Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức cho 5 HTX có sản phẩm OCOP tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Nam, Sơn La. Thông qua đó, nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ, thúc đẩy liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết các hợp đồng tiêu thụ rau, củ, quả an toàn. Đồng thời, hỗ trợ các HTX duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với tiềm năng sẵn có về nhân lực và tài nguyên, trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm 300 sản phẩm OCOP nhằm tạo sinh kế cho người dân và thúc đẩy phát triển nông thôn mới bền vững. Cùng với việc từng bước nâng cấp mặt bằng chất lượng các sản phẩm OCOP, các hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng sẽ được chú trọng hỗ trợ để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ nỗ lực đưa toàn bộ các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử, nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn chất lượng sản phẩm OCOP xứ Thanh./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top