Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 1 năm 2019 | 11:24

Làng TN lập nghiệp biên giới A Lưới: Trốn cái khó ló cái… đói

Nhiều hộ thanh niên đến Dự án làng Thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới sinh sống với mục tiêu thoát cảnh đói nghèo tại quê cũ, tuy nhiên, giờ đây vì quá khó khăn nhiều gia đình phải bỏ đi nơi khác, các nhà bám trụ đang chịu cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

“Chỉ thấy đói không thấy chi cả”

Anh Trần Văn Thu (34 tuổi, nguyên quán Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) – một hộ thanh niên đến định cư tại làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) biên giới A Lưới từ cuối 2011 cho biết, phần lớn các hộ thanh niên đến định cư, sinh sống ở đây theo tiếng gọi của Tỉnh đoàn và những “hứa hẹn” trước đó của Ban quản lý dự án. Bên cạnh đó, cũng vì đời sống ở quê cũ hết sức khó khăn, họ đến đây với mong muốn được “đổi đời” được cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương đất nước. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm định cư tại làng TNLN, đời sống của các hộ dân tại đây đang gặp nhiều khó khăn bởi thiếu đất canh tác, thiếu công ăn việc làm.

Người dân trao đổi với PV Kinh tế nông thôn
Người dân trao đổi với PV Kinh tế nông thôn

Đồng tình với điều này, anh Nguyễn Minh Thạch (32 tuổi, nguyên quán tại Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa thiên T Huế) – một hộ thanh niên đến định cư tại làng TNLN từ cuối 2011, tâm sự, mong sao các cấp, ban ngành liên quan thực hiện đúng lời hứa ban đầu, tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây đỡ khổ, đặc biệt là cấp đất và cấp sổ đỏ cho người dân.

Anh Thạch nói thêm: “Từ lúc lên đây (làng TNLN biên giới A Lưới – PV), điều kiện cực khổ quá, thu nhập không đủ chi trả cuộc sống. Hiện tại bọn em chủ yếu chỉ làm tràm (vận chuyển, bóc vỏ cây tràm … - PV), làm thợ nề, nhưng công thấp có 70.000 đ/ ngày, mà công việc lại không đều nữa. Nói thật với các anh lên đây chỉ thấy đói không thấy chi cả”.

Các gia đình như chị Ngô Thị Yến (43 tuổi, nguyên quán tại A Ngo, A Lưới), chị Nguyễn Thị Hè (28 tuổi, nguyên quán tại Phú Vinh, A Lưới), anh Nguyễn Sỹ Dức (32 tuổi, nguyên quán xã Hùng Thượng, huyện A Lưới) là những hộ đến sinh sống tại làng từ khoảng năm 2013 - 2015 thông tin thêm, các hộ đến trước (khoảng năm 2011 như gia đình anh Thạch – PV) được nhận sự hỗ trợ từ Dự án nhiều hơn, vì thế, hiện tại nhiều hộ thanh niên đến định cư tại làng đợt sau đã chuyển cả gia đình ra ngoài làm ăn, sinh sống, trong số đó, có hộ về thăm nhà hàng tháng, có hộ nhiều tháng mới về thăm, thậm chí có hộ đã đi cả năm chưa thấy lên lại.Nhiều ngôi nhà tại làng TNLN biên giới A Lưới như bị bỏ hoang lâu ngàyNhiều ngôi nhà tại làng TNLN biên giới A Lưới như bị bỏ hoang lâu ngày

Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Mai Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, cho biết, hiện tại thực tế ở tại làng TNLN biên giới A Lưới còn 29 hộ; 8 hộ không ở thường xuyên; 8 hộ chuyển đi nơi khác; có 01 hộ đã cắt khẩu khỏi làng.

Chủ tịch xã Hương Phong cũng thông tin thêm, Dự án làng TNLN biên phòng A Lưới được quy hoạch và khảo sát từ 2005, khi đó nơi đây chủ yếu là rừng phòng hộ, vì vậy, Dự án này đưa ra chỉ tiêu sẽ thu hút hơn 100 hộ thanh niên đến sinh sống và lập nghiệp ở đây; tuy nhiên, thực tế chỉ 45 hộ đến sinh sống, lập nghiệp Dự án đã không đủ đất cấp cho người dân.

Tỉnh đoàn có “bỏ rơi” Dự án làng TNLN biên giới A Lưới?

Được biết, Dự án làng Thanh niên lập nghiệp (LTNLN) biên giới A Lưới là một trong 18 làng TNLN dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, khu vực biên giới, các xã đặc biệt khó khăn đã được Trung ương Đoàn phê duyệt và do Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư với tổng số vốn hàng chục tỷ đồng. Làng được xây dựng với nhiều hạng mục công trình về giáo dục, văn hóa, giao thông, điện, nước sinh hoạt, đập thủy lợi... trên tổng diện tích đất tự nhiên là 4.260 ha, thuộc địa phận ba xã là Hương Phong, Hồng Thượng và Phú Vinh (A Lưới).

Cổng làng TNLN biên giới A Lưới
Cổng làng TNLN biên giới A Lưới

Và, để thu hút cũng như tạo điều kiện cho các hộ thanh niên đến sinh sống, lập nghiệp tại đây, Chủ đầu tư Dự án – Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế đã “cam kết” hỗ trợ mỗi hộ dân, cụ thể: cấp tối thiểu 02ha đất rừng sản xuất, cấp và làm sổ đỏ 2.000m2 (trong đó có 500m2 đất ở và 1.500m2 đất vườn), 30 triệu đồng tiền làm nhà, 4,8 triệu đồng tiền hỗ trợ chăn nuôi, 14 triệu đồng/ha để khai hoang, mua cây giống.

Theo đó, sau 12 tháng, khi các hộ gia đình ổn định cuộc sống tại làng TNLN biên giới A Lưới sẽ được Ban quản lý Dự án phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương hoàn thành các thủ tục đề nghị UBND huyện A Lưới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ theo Luật Đất đai.

Mục tiêu cao cả là thế, nhưng thực tại nơi đây quá “vênh” với những điều chủ dự án đã “vẽ” ra trước đó. Một ngôi làng gần biên giới, người dân thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh và “chỉ thấy đói”, một ngôi làng với nhiều ngôi nhà như bỏ hoang lâu ngày, một ngôi làng tồn tại nhiều điều cần xử lý mà nổi bật nhất là thiếu đất sản xuất và người dân chưa có sổ đỏ.

Thực tại nơi đây khiến nhiều hộ thanh niên bỏ đi, những hộ đang bám trụ ở lại quá đổi khó khăn. Không chỉ vậy, chính quyền địa phương cũng kéo theo những bất cập, vì nhiều hộ gia đình vắng mặt tại địa phương lâu ngày khiến công tác quản lý hết sức khó khăn.

Giờ tan trường nhưng đường làng chỉ lác đác vài học sinh
Giờ tan trường nhưng đường làng chỉ lác đác vài học sinh

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết, sau khi hoàn thành Dự án, Tỉnh đoàn đã chuyển giao làng TNLN lại cho địa phương quản lý vào năm 2016. Ban đầu, chính quyền địa phương không muốn nhận bởi lẽ còn nhiều vấn đề của người dân trong làng chưa được xử lý, tuy nhiên, làng nằm trong địa phận quản lý nên huyện đành phải nhận. Điều thuận lợi lớn nhất của huyện lúc này là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.

Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, đồng chí Nguyễn Duy Cường, Phó bí thư tỉnh Đoàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, Dự án làng TNLN biên giới A Lưới có số vốn đầu tư ban đầu là 24 tỷ đồng, trong đó Chủ đầu tư đã sử dụng hết 19 tỷ đồng, 05 tỷ đồng còn lại đã được Tỉnh đoàn hoàn trả cho nhà nước. Khi tiến hành Dự án làng TNLN biên giới A Lưới khó khăn lớn nhất là việc cấp đất sản xuất cho các hộ dân theo dự kiến ban đầu. Hiện tại, Tỉnh đoàn đang tham mưu với các cấp chính quyền những phương án giải quyết khó khăn cho người dân tại đây.

Một Dự án đã hoàn thành nhiều năm nay, với nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, cùng với đó là nhiều mục tiêu cụ thể được đặt ra, tuy nhiên, đến nay, người dân tại làng TNLN biên giới A Lưới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Sự thật ấy khiến dư luận và đặc biệt các hộ thanh niên trong làng mong ngóng, kỳ vọng nhiều hơn sự chung tay, tinh thần trách nhiệm của Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế - đơn vị Chủ đầu tư Dự án để giải quyết những khó khăn, tồn tại nơi đây từ đó hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu.

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top