Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 2 năm 2022 | 14:29

Lưu ý gì khi tái đàn chăn nuôi và chăm sóc cây cảnh sau Tết?

Sau vụ gia tăng sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

chan-nuoi.jpg
Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa).

Hà Nội: Khuyến cáo thận trọng khi tái đàn chăn nuôi

Trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tái đàn và chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), trong dịp Tết Nguyên đán, trang trại của gia đình đã bán ra thị trường hơn 10 tấn thịt lợn, chiếm 50% tổng đàn. Từ nay đến tháng 3/2022, trang trại tập trung thực hiện tái đàn chăn nuôi, dự kiến tăng tổng đàn lợn lên hơn 200 con.

Còn ông Bạch Văn Hộp ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá gia cầm tăng cao nên người chăn nuôi có lãi. Mới đây, gia đình tôi đã nhập hơn 100 con gà giống về nuôi gối vụ, nhưng hiện nay giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, nên hy vọng với trạng thái bình thường mới, giá gia cầm sẽ ổn định trở lại...”.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng thông tin, đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện cơ bản vẫn ổn định, không phát sinh dịch bệnh khó kiểm soát trên đàn gia súc, gia cầm. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường sau Tết Nguyên đán, huyện đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo hướng bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đến nay tổng đàn lợn toàn huyện là 203 nghìn con; đàn trâu, bò 14,7 nghìn con; đàn gia cầm 6,15 triệu con.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã đang đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm. Nhìn chung, công việc khá thuận lợi do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tính đến hết tháng 1-2022, tổng đàn trâu, bò của Hà Nội là 171.251 con; đàn lợn hơn 1,5 triệu con; đàn gia cầm hơn 32,6 triệu con…, cơ bản bảo đảm nguồn cung cho thị trường Thủ đô.

Hiện tại là thời điểm giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm rất cao, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tăng cường hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Ở góc độ của người sản xuất, ông Nguyễn Văn Hải, xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) thông tin, trang trại của gia đình đang nuôi hơn 700 con lợn, trước khi tái đàn đã vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh. Đối với con giống, sau khi kiểm tra hồ sơ kiểm định chất lượng, sẽ nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi trước khi cho nhập đàn. Còn ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho biết, để chuẩn bị cho việc tái đàn và phòng, chống dịch bệnh, trang trại đã tiến hành tổng vệ sinh, sát trùng toàn bộ chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, để công tác tái đàn mang lại hiệu quả cao nhất, huyện đã thúc đẩy các chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin, thuốc sát trùng… cho các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục mở các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho nông dân; xây dựng các chuỗi liên kết và đẩy mạnh xúc tiến thương mại...

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu tái đàn. Các hộ chăn nuôi nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Khi tái đàn vật nuôi, cần chọn con giống tốt, sạch bệnh; đồng thời vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan chức năng… Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tham mưu thành phố có chính sách đặc thù (ưu đãi về cơ chế, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực) để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình phát triển chăn nuôi an toàn.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2022 là 4-5%; sản lượng thịt các loại khoảng 6,44 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2021)..., các địa phương, trong đó có Hà Nội, cần tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, nhất là đối với chăn nuôi lợn; đồng thời triển khai phòng, chống dịch bệnh, như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò… Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai xây dựng các chuỗi sản xuất tuần hoàn, theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học để nâng cao giá trị sản phẩm.

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, một trong những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới là nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ và kiểm soát chất lượng con giống gia súc, gia cầm trong sản xuất. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước cũng như trên thế giới..., từ đó có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Thanh Hóa: Tìm hiểu thị trường, cân đối cung - cầu khi tái đàn gia súc, gia cầm

Sau Tết Nguyên đán, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã rục rịch tái đàn để duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết chuyển mùa nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao,... nên người chăn nuôi cần thận trọng, chủ động phòng, chống dịch bệnh và tránh tình trạng tái đàn ồ ạt.

 

177d6194228t87314l0.jpg
Gia đình anh Phan Văn Giang, xã Yên Tâm (Yên Định) chủ động tái đàn gia cầm để phục vụ thị trường sau Tết Nguyên đán.

 

Để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, trang trại của gia đình chị Lê Thị Huế, xã Yên Phú (Yên Định) đã xuất bán hơn 70% tổng đàn gà. Những ngày gần đây, để chuẩn bị các điều kiện cho việc tái đàn, chị Huế đã thuê nhân công để vệ sinh hệ thống chuồng trại; theo chị: “Việc tái đàn thường được tập trung khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, đây là thời điểm giao mùa, vì vậy ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi thì cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm”.

Cũng theo chị Huế: Con giống đóng vai trò quan trọng nên được chị lựa chọn cẩn thận, hầu hết được nhập từ những trang trại giống uy tín và được kiểm tra chất lượng, tiêm phòng vắc-xin, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn. Bên cạnh đó, đối với hệ thống chuồng trại, cần thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng, xới lớp độn chuồng, khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt; toàn bộ nền chuồng, sàn, tường, sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch,... hạn chế tối đa điều kiện để phát sinh dịch bệnh.

Đối với gia đình anh Phan Văn Giang, xã Yên Tâm (Yên Định), bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trước khi tái đàn, anh còn chú trọng nâng cao sức đề kháng cho con nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, men tiêu hóa; sử dụng bóng đèn, bổ sung chất độn chuồng như trấu, mùn cưa,... để giữ ấm, nhất là vào ban đêm.

Năm 2022, toàn tỉnh đề ra mục tiêu tổng đàn trâu đạt 190 nghìn con, đàn bò 285 nghìn con, đàn lợn 1,25 triệu con, đàn gia cầm 24 triệu con. Ngay từ đầu năm 2022, cùng với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương đang chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Theo đó, trước khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế; tránh tư tưởng nóng vội; không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó. Về con giống, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng; đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần tìm hiểu các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn,...

Hiện nay, thời tiết bất thường là điều kiện để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát triển, người chăn nuôi nên chú trọng thực hiện các biện pháp như cải tạo chuồng trại thông thoáng, tránh gió lùa, mưa dột; sử dụng vôi bột, hoặc các loại hóa chất sát trùng để phun, khử trùng chuồng trại,... Bên cạnh đó, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột thì cần bổ sung vitamin, men tiêu hóa,... để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm.

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố cũng cần tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin; phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại áp dụng các biện pháp an toàn. Đi đôi với đó, trong quá trình chăn nuôi, người dân phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy những hiện tượng bất thường, như: sốt cao, bỏ ăn, ho, khó thở,... phải nhanh chóng nuôi nhốt cách ly để kiểm tra, theo dõi, điều trị; đồng thời, báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng, trị bệnh thích hợp. Về phía chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị chuyên môn giám sát thực tế đối với số lượng con nuôi được tái đàn, tiếp nhận hồ sơ kê khai tái đàn của các hộ chăn nuôi, kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với những hộ chăn nuôi không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Hưng Yên: Phục hồi hoa, cây cảnh sau Tết

Từ mùng 10 tháng Giêng trở đi, các vườn hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh lại trở lên nhộn nhịp. Người dân bận rộn vun xới luống, tỉa cành, chăm sóc các loại hoa, cây cảnh để giúp cây phục hồi... Cùng với đó, các dịch vụ nhận phục hồi, chăm sóc thuê các loại cây cảnh có giá trị cũng trở lên đắt hàng.

 

img_1716_result_20220213164350.jpg
Anh Chử Văn Biên, nhà vườn Biên Huế, thôn Đại, xã Phụng Công (Văn Giang) chăm sóc cây cảnh sau Tết.

 

Những ngày này, vườn đào Tiệp Vuông ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) tất bật đánh luống, vận chuyển cây đào cho thuê trong dịp Tết về vườn chăm sóc. Ông Bùi Văn Tiệp, chủ vườn đào Tiệp Vuông cho biết: 100% diện tích vườn được gia đình tôi trồng đào thế với trên 800 gốc. Do các gốc đào thế có tuổi đời lâu năm, cây to, thế đẹp nên gia đình tôi chủ yếu cho khách hàng thuê chơi tết với giá từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng/cây.

Từ ngày rằm tháng Chạp, khách hàng sẽ đến vận chuyển cây về chơi Tết hoặc chúng tôi vận chuyển cây đến địa chỉ của khách hàng và qua Tết cây sẽ được vận chuyển trở lại vườn. Đặc điểm chung của các cây đào trở lại vườn đều yếu, thừa hoặc thiếu nước do khách hàng không chăm sóc đúng cách. Do đó, sau khi nhận cây, chúng tôi sẽ kiểm tra bộ rễ và bộ lá của cây để có biện pháp xử lý, giúp cây hồi phục. Sau khi cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh mới cắt tỉa, bón phân, chăm sóc, tạo dáng cây cho phù hợp.

Anh Nguyễn Văn Duy, xã Vân Du (Ân Thi) chia sẻ: Nhà tôi quy hoạch vườn trồng đào 3 năm nay. Do có kinh nghiệm chăm sóc nên gia đình tôi lựa chọn mua lại các gốc đào của khách hàng sau khi chơi Tết để chăm sóc, hồi phục. Vì khách hàng không biết cách chăm sóc nên cây sau khi chơi Tết đều héo rũ, bộ rễ yếu, do đó, sau khi thu mua cây, nhà vườn tiến hành xử lý bộ rễ, cắt bỏ cành yếu, bôi vôi hoặc dung dịch sát trùng lên các vết cắt để hạn chế cây nhiễm bệnh. Nếu được chăm sóc tốt, với các cây to, dáng đẹp sẽ mang lại lợi nhuận cao cho nhà vườn.

Sau Tết là một trong những thời điểm bận nhất trong năm với nhà vườn Biên Huế, thôn Đại, xã Phụng Công (Văn Giang). Từng gốc cây trà cổ thụ được vận chuyển trở về vườn sau thời gian phục vụ khách hàng chơi Tết.  Anh Chử Văn Biên, chủ nhà vườn Biên Huế chia sẻ: Ngoài bán các loại cây cảnh như: Trà các loại, hoa hồng, gia đình tôi còn cho thuê, nhận chăm sóc thuê các loại hoa trà. Quà Tết, cây sẽ được khách hàng vận chuyển về vườn chăm sóc cho đến dịp Tết năm sau. Việc nhận chăm sóc cây cảnh thuê cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Cây không ra hoa đúng dịp Tết, cây bị yếu và chết… Khi ấy, nhà vườn sẽ phải bồi thường theo giá trị của cây hoặc theo thỏa thuận của 2 bên trước đó. Việc nhận chăm sóc cây hoa trà thuận lợi hơn chăm sóc cây hoa đào, cây cảnh có múi là đồ họa trà không phải đánh gốc, ít di chuyển từ chậu này qua chậu khác nên bảo bảo đảm được bộ rễ. Chăm sóc cây cảnh sau Tết, các nhà vườn phải phun thuốc phòng trừ bệnh rệp sáp, sâu nõn và bón phân theo từng chu kỳ phát triển của cây...

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, huyện Văn Giang cung cấp ra thị trường hàng triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại. Thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn huyện lại bắt tay vào gieo trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh sau Tết. Chị Nguyễn Thị Thảo, nông dân xã Thắng Lợi chia sẻ: Dịp Tết vừa qua, gia đình tôi bán trên 300 chậu quất, cho thuê trên 150 chậu bưởi cảnh. Từ mùng 10 tháng Giêng, một số khách thuê cây đã chở cây về vườn chăm sóc. Để có những chậu bưởi cảnh đẹp mắt, sai quả phục vụ thị trường Tết năm sau, gia đình tôi tiến hành xử lý bộ rễ trước khi trồng để tránh bệnh nấm, cắt bỏ toàn bộ quả và khoảng 1/2 số lá trên cây, thay đất trồng và bón phân tùy theo tình hình của cây để giúp cây nhanh phục hồi.

Bên cạnh việc chăm sóc hoa, cây cảnh sau Tết, các nhà vườn trên địa bàn huyện Văn Giang còn tích cực trồng mới các loại hoa, cây cảnh để thay thế cây cảnh đã bán. Theo đó, tại các địa phương chuyên canh trồng hoa, nông dân tập trung xuống giống trồng các loại hoa mùa hè phục vụ trang trí khuôn viên nhà, các dịp lễ, ngày kỷ niệm trong năm; các địa phương trồng cây cảnh có múi lại tất bật chuyển các loại cây giống quất, bưởi cảnh vào chum, chậu, lọ lục bình, sẵn sàng 1 chu kỳ chăm sóc mới, phục vụ Tết năm sau./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top