Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 7 năm 2016 | 12:15

Biogas, giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững

Nhằm giúp người dân ở vùng nông thôn tiếp cận mô hình khí sinh học và khắc phục tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi, thời gian qua, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án “Phát triển biogas theo định hướng thị trường”. Dự án đã tác động mạnh mẽ đến người chăn nuôi, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Hộ gia đình ở nông thôn được tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải chăn nuôi.

Là một trong những hộ được tiếp cận dự án, ông Phạm Hữu Chí ở xã Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh) phấn khởi cho biết: “Mặc dù đàn heo chỉ hơn 10 con nhưng đây lại là nguồn thu nhập đáng kể giúp gia đình trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do chuồng trại chăn nuôi gần nhà nên thường xuyên có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến gia đình và hàng xóm.

Nhờ một số người quen giới thiệu, gia đình tìm hiểu mô hình làm hầm biogas bằng chất liệu composite. Sau hơn 3 tháng lắp đặt, hầm biogas của gia đình sử dụng khá tốt. Khí gas ổn định, lửa cháy xanh và không có mùi hôi khó chịu. Đặc biệt, trường hợp hầm có đầy thì khí gas vẫn không bị dội ngược lại, vì vậy không khí bên trong chuồng luôn sạch sẽ và thông thoáng”.

Đối với nhiều hộ ở nông thôn, do điều kiện chăn nuôi còn khó khăn nên việc đầu tư để xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cũng không phải là điều dễ dàng, nhất là xây dựng hầm biogas phù hợp tiêu chuẩn. Nhằm tháo gỡ khó khăn và giúp nông dân phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp vừa có hướng dẫn về thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 5 triệu đồng/công trình/hộ. Ngoài ra, từ dự án “Phát triển Biogas theo định hướng thị trường tại Đồng Tháp” do HLV tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) thực hiện, mỗi hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/công trình để lắp đặt công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Chia sẻ về mục tiêu của dự án, ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Dự án được thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2016) triển khai ở 4 huyện: Lai Vung, Châu Thành, Cao Lãnh, Lấp Vò, quy mô 409 hầm; giai đoạn 2, tiếp tục triển khai mở rộng ở huyện Thanh Bình, dự kiến triển khai 1.000 hầm.

Mô hình này không những giúp người dân ở nông thôn tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, mà đây còn là mô hình điểm để người dân học tập và nhân rộng trong cộng đồng. Đây là chương trình thiết thực được đông đảo người dân hưởng ứng, HLV đang phối hợp với một số đơn vị liên quan đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án.

Việc áp dụng mô hình hầm biogas vào chăn nuôi mang lại không ít hiệu quả cho người sử dụng, đồng thời bảo đảm được vấn đề vệ sinh môi trường. Việc ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng cách xây dựng, lắp đặt hệ thống hầm biogas là giải pháp hữu hiệu đối với hộ sản xuất chăn nuôi, không chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà còn góp phần cho ngành chăn nuôi phát triển lâu dài, bền vững.

Minh Nhật

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top