Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 5 năm 2020 | 15:57

Mật ong Cường Nga và hành trình sản phẩm OCOP 3 sao

Đầu tư máy móc tinh chế hiện đại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chuyên nghiệp, nuôi ong theo quy trình VietGAP... là cách làm hiệu quả của HTX mật ong Cường Nga góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới.

t26.JPG

Để nâng cao chất lượng và bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX Mật ong Cường Nga đã đầu tư dây chuyền tinh chế mật ong công nghệ Nhật Bản trị giá hơn 800 triệu đồng.

 

Đầu tư máy móc tinh chế hiện đại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chuyên nghiệp, nuôi ong theo quy trình VietGAP... là cách làm hiệu quả của HTX mật ong Cường Nga ở thôn 5, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới.

Hành trình khởi nghiệp

Hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi ong, giờ đây, ngồi ngẫm nghĩ lại duyên cớ đưa đẩy và gắn bó mình với nghề, bản thân anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga cũng cảm thấy lúng túng, không biết nên bắt đầu từ đâu. Chìm vào những suy tư của bản thân một hồi lâu, anh Cường chia sẻ: “Nhiều khi, việc con người và nghề nghiệp gắn bó với nhau đều xuất phát từ những điều rất tự nhiên, tự nhiên đến nỗi mà chính chúng ta cũng không còn bận tâm đến, chỉ một mực lo làm ăn, phát triển nghề. Trải qua nhiều nghề nhưng như một cơ duyên, càng tìm hiểu tôi càng nhận thấy tiềm năng, giá trị và những hạn chế trong nghề nuôi ong ở địa phương nên quyết tìm ra hướng đi mới”.

 

t27.jpg
Sản phẩm mật ong Cường Nga đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.

 

Theo anh Cường, trước đây hầu hết người dân đều nuôi theo kinh nghiệm, tự phát, thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ năng tiếp cận thị trường nên khó tìm đầu ra cho sản phẩm...

Sau nhiều đêm trăn trở với biết bao tâm huyết, tình yêu dành cho nghề, tháng 8/2019, anh Cường đã thành lập HTX Mật ong Cường Nga với 9 thành viên chính thức và liên kết với hàng chục hộ dân nuôi ong lấy mật trên địa bàn.

Từng có thời điểm khó khăn tưởng như không thể đứng vững, anh đầu tư thời gian đi tìm hiểu kinh nghiệm nuôi ong khắp nơi và đã xây dựng thành công thương hiệu cho riêng mình bằng sự cầu tiến, thái độ ham học hỏi. Và quan trọng hơn tất thảy, anh đến với nghề nuôi ong bởi cuộc sống mưu sinh thúc giục, nhưng ở lại và gắn bó với nghề lại từ niềm đam mê.

Những thành công bước đầu

Để có sản phẩm mật ong đầu vào đạt chất lượng tốt nhất, anh Cường đã mời các chuyện gia từ Canada và Hội Nuôi ong Việt Nam về tập huấn cho các thành viên HTX kỹ thuật nuôi và khai thác mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

t27a.JPG
Chia sẻ với người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, HTX mật ong Cường Nga đã có nhiều hoạt động ý nghĩa.

 

“Trước đây, chúng tôi nuôi ong theo kinh nghiệm dân gian kiểu “được chăng hay chớ” nên sản lượng, chất lượng mật đạt thấp và thời gian bảo quản ngắn. Sau khi được HTX mật ong Cường Nga cho tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong, chúng tôi được nắm bắt thêm kỹ thuật và nhận thấy nuôi ong dễ hơn, năng suất, chất lượng cao hơn hẳn”, ông Nguyễn Quang Tác ở thôn 1 (xã Quang Diệm) cho hay.

Khó khăn trong bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đã được “hóa giải”. Đó là ngay sau khi thành lập HTX, anh Cường đã mạnh dạn đầu tư hơn 800 triệu đồng lắp đặt máy tinh chế mật ong công nghệ Nhật Bản.

Mật ong sau khi thu hoạch từ trang trại, được đưa vào hệ thống lọc thô, hệ thống máy hạ thủy để loại bỏ các tạp chất và lượng nước dư thừa, sau đó qua máy lọc tinh chế, đo nhiệt độ tự động và đóng chai theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

t27b.JPG
Anh Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga (thứ 2) chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong VietGAP.

 

Chính vì vậy, sản phẩm mật ong Cường Nga xuất ra thị trường đều đạt chuẩn về chất lượng, thơm ngon, đảm bảo các giá trị dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được dán nhãn mác thương hiệu và mã vạch đúng quy định.

Sau 5 tháng thành lập và đi vào hoạt động, HTX mật ong Cường Nga đã bán ra thị trường hơn 3.000 lít mật, doanh thu hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Đặc biệt, thị trường đã được mở rộng ra các tỉnh phía Bắc, vào miền Nam và có mặt tại một số siêu thị.

Mới đây, sản phẩm mật ong Cường Nga đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây cũng là HTX nuôi ong đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thành công ban đầu trong việc bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của HTX mật ong Cường Nga đã khích lệ, động viên người người nuôi ong yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô liên kết và thâm nhập sâu vào thị trường, góp phần nâng cao giá trị, để nghề nuôi ong phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới..

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top