Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 13:52

Mất trộm cây cảnh: Cần chủ động phòng ngừa

Thời gian gần đây, lợi dụng sơ hở của nhân dân, trộm đã đột nhập lấy đi những cây cảnh có giá trị kinh tế. Việc này khiến nhân dân bức xúc, gây mất an ninh trật tự tại Quảng Ninh.

tt23.jpg
Tình trạng trộm cắp cây cảnh tại Quảng Ninh gia tăng trong thời gian gần đây.

 

Rộ lên trộm cây cảnh

Ở Quảng Ninh, thú chơi cây cảnh ngày càng phát triển, thu hút nhiều người dân tham gia. Cũng từ đây, cây cảnh ngày trở nên có giá trị về mặt kinh tế, nhiều cây thế đẹp có giá hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng trộm cắp cây cảnh tại tỉnh Quảng Ninh liên tục xảy ra, khiến nhân dân địa phương bức xúc.

Cụ thể, ngày 14/2/2020, Đội CSHS Công an TP. Hạ Long phối hợp với Công an phường Hùng Thắng kiểm tra hành chính nhà vườn Văn Giang (tổ 12, khu 4b, phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long), phát hiện Lê Ngọc Thành (SN 1987, trú tại khu 3, phường Bãi Cháy), Phạm Ngọc Trung (SN 1985, trú tại khu 4, phường Bãi Cháy), Nguyễn Văn Quân (SN 1990, trú tại TX. Quảng Yên) đang có hành vi vận chuyển một cây hoa giấy lên xe tải.

Tại thời điểm kiểm tra, ba thanh niên trên không xuất trình được giấy tờ hợp pháp nên tố công tác tiến hành tạm giữ cây, phương tiện và đưa người về trụ sở tiếp tục điều tra sự việc. Ngày 20/4/2021, cơ quan CSĐT Công an TP. Hạ Long đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Ngọc Thành về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 25/2/2021, anh Nguyễn Huy Tuân (SN1976) và chị Nguyễn Thị Hiền (SN1984) trú tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà  bị trộm đột nhập vào nhà trộm cắp một cây tùng đen và một cây tùng La hán có giá trị kinh tế cao.

Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của người dân, Công an huyện Hải Hà đã vào cuộc điều tra, xác định đối tượng trộm cắp là Phan Văn Thiệu (SN 1983) và Phạm Duy Tuấn (SN 1976), đều trú tại thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hà đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Văn Thiệu và Phạm Duy Tuấn về tội trộm cắp tài sản.

Một vụ việc khác xảy ra ngày 15/5/2021, gia đình bà Nguyễn Thị Yên ở xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn bị kẻ gian đột nhập vào vườn ươm lấy trộm hơn 20 cây tùng đen lâu niên, tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng. Ngay sau đó, gia đình bà đã trình báo chính quyền địa phương.

Gần đây nhất, tại TX. Quảng Yên, vào các ngày 24, 27/5 và 5/6/2021, cơ quan Công an thị xã nhận được đơn trình báo của người dân về việc trộm đột nhập vào nhà lấy cắp các loại cây cảnh có giá trị như: khế, hoa giấy, vạn tuế… Qua điều tra, Công an TX. Quảng Yên bắt quả tang Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Mạnh Cường đang vận chuyển cây khế vừa trộm cắp được. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận có một nhóm chuyên trộm cắp cây cảnh trên địa bàn gồm Đàm Quang Đức, Bùi Văn Quảng, Đàm Quang Phong, Nguyễn Văn Kiên và Nguyễn Mạnh Cường.

Như vậy, các vụ trộm cắp cây cảnh tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua được cơ quan Công an quyết liệt triệt phá, khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Việc này vừa mang tính răn đe, làm giảm đi ít nhiều tình trạng trộm cắp tại địa phương này.

Chơi cây cảnh đã khó, giữ cây càng khó hơn

Theo giới thiệu của một số người chơi cây cảnh tại tỉnh Quảng Ninh, giá thành cây cảnh rất đa rạng, đa phần cây có giá trị kinh tế cao là cây có tuổi đời lâu năm, dáng, thế phải độc, đẹp và quan trọng nhất là chủ nhân của cây phải nhìn thấy giá trị của cây. Có được cây cảnh ưng ý đã khó, nhưng chăm sóc đúng cách cho cây khỏe, cây có hướng đẹp, tránh bị kẻ trộm đánh cắp lại càng khó hơn.

 

t23a.jpg

Cây phôi (cây mới đào về) thường là những cây có tuổi đời cao nên tỉ lệ sinh trưởng và phát triển kém, người chăm phải biết cách chăm sóc đúng cách, mất thời gian dài làm sao cho cây sinh trưởng phát triển, sau đó mới đưa lên chậu nuôi cành, tạo cảnh, uốn thế. Bù lại, những cây đó sẽ có giá rất cao, thậm chí nhiều lúc có tiền không mua được.

Tại Quảng Ninh, những cây cảnh có giá vài triệu đến hàng chục triệu như cây hoa giấy, khế, mẫu đơn, chè hoa vàng… thuộc hàng bình dân. Những cây có giá cao hơn như tùng đen, tùng la hán…, cây thấp cũng giá vài chục triệu đồng, lớn hơn thì vài trăm triệu đồng, có cây nhập từ nước ngoài về có giá lên đến nhiều tỷ đồng.

Chính từ giá trị của cây cảnh cao  nên nó vô tình trở thành “mục tiêu” của nhiều đối tượng trộm cắp.

Ông Nguyễn Văn Cường (chủ một nhà vườn tại Quảng Ninh) cho biết, cây cảnh có giá rất cao nên tình trạng trộm cắp trong thời gian gần đây có chiều hướng rộ lên. Do cây cảnh to, cồng kềnh nên thông thường những đối tượng trộm cắp cây cảnh không đi một mình, riêng lẻ, mà hoạt động theo nhóm. Nhóm ít thì 2 - 3 người, nhóm đông  5 - 7 người. Những đối tượng này hoạt động rất tinh vi, ban ngày chúng chia nhau đi tìm xem nhà dân hoặc nhà vườn nào có cây đẹp, giá trị cao, sau đó tìm cách trộm cắp sao cho nhanh gọn nhất.

“Đa phần bọn trộm cắp cây cảnh ngắm vào nhà  ven đường, ở khu vắng vẻ để dễ bề hoạt động hoặc những nhà vườn ươm cây. Những cây bị trộm cắp thường có giá vài chục triệu đồng đổ lại, rất hiếm khi trộm cắp được cây có giá vài trăm triệu đồng. Vì những cây có giá vài chục triệu đồng đổ lại, người dân thường chủ quan, không có biện pháp trông giữ cẩn thận. Còn những cây có giá vài trăm đến tiền tỷ thường được trồng ở những biệt thự cao cấp, được trông coi rất cẩn thận nên việc mất cắp gần như là không thể”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo quan sát của PV, xung quanh nhà vườn ông Cường đều được rào kín bằng lưới sắt, sau đó mỗi gốc cây là ông lại dùng dây xích, dây cáp buộc lại với nhau, đóng cọc cố định xuống đất, xung quanh nhà đều gắn camera. Nếu muốn ăn trộm phải vượt qua hàng rào sắt, sau phá khóa, cắt xích mới có thể đưa cây ra ngoài.

Cũng chung quan điểm với ông Cường, một số hộ dân tại xã Quan Lạn cho biết, vườn ươm cây tùng đen của gia đình được rào kín, trông coi kỹ nhưng chỉ cần sơ sảy ra là mất cắp ngay, có nhà mất hơn hai mươi cây, nhà nào ít thì mất vài ba cây. Vì là vườn ươm nên hàng rào không chắc chắn, đêm không có người trông coi nên nhiều người dân đã bị mất cắp.

Ngoài ra, một số người chơi cây cảnh khác cho rằng, không chỉ mỗi cây cảnh mà ở tất cả những lĩnh vực, người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng trộm cắp tài sản, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”. Nếu là cây cảnh trong vườn ươm thì  cần xây dựng hệ thống bờ thành, bờ rào kín đáo, khóa cổng, có người trông coi. Trường hợp cây cảnh để trưng bày ở sân vườn nên dùng dây cáp, dây xích cố định gốc cây xuống đất hoặc một vị trí nào đó, mục đích gây khó khăn cho kẻ trộm ăn cắp cây.

Một cán bộ công an xã Quan Lạn cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trộm cắp cây cảnh một phần cũng tại người dân lơ là, mất cảnh giác, chủ quan không chủ động bảo vệ tài sản. Ngay sau khi xảy ra tình trạng trộm cắp cây cảnh trên địa bàn, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, truy tìm những đối tượng trộm cắp để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời tuyên truyền đến từng hộ dân, đề cao cảnh giác, chủ động rào giậu, làm bờ rào, bờ thành, dùng dây xích, dây cáp cố định cây lại, như vậy sẽ hạn chế tối đa tình trạng trộm cắp cây cảnh.

 

Trộm cây cảnh là một trong những hành vi trộm cắp tài sản. Trong đó, đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, giá trị tài sản bị trộm dưới hai triệu đồng, chưa bị kết án về một trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện vi phạm bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 15, Nghị định 167/2013 quy định phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi trộm cắp tài sản.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi trộm cây cảnh có giá trị còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản.

Cụ thể, mức phạt của Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm họăc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc 01 trong các trường hợp sau đây:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  • Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau tại Bộ luật Hình sự mà chưa bị xóa án tích: Điều 168 (tội cướp tài sản), 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (tội cướp giật tài sản),…
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

- Phạt tù từ 02 - 07 năm khi phạm tội trộm cắp tài sản mà thuộc 01 trong các trường hợp: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng…

- Phạt tù từ 07 - 15 năm khi phạm tội trộm cắp tài sản mà thuộc 01 trong 02 trường hợp sau: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 

 

 

Tam Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top