Năm 2005, lần đầu tiên đưa tác phẩm tham gia triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk, anh Nguyễn Tuấn Tú, sinh năm 1970, ở thôn 8, xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông) đã giành về giải Ba và giải Khuyến khích. Đến năm 2013, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh. Giờ đây, mọi người không chỉ nhớ đến anh qua những bức ảnh nghệ thuật mà còn gọi anh bằng cái tên trìu mến: “Tú cây cảnh”.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, do không có điều kiện theo đuổi con đường học vấn, Tú kiếm sống bằng nghề nhiếp ảnh. Ngoài việc tham khảo, học hỏi trong sách và những người đi trước, hàng ngày anh thường rong ruổi qua những cánh rừng, con suối, tìm nguồn cảm hứng sáng tạo… Nhờ những chuyến đi thực tế, chụp được nhiều bức ảnh cảnh thiên nhiên, trong đó có nhiều bức ảnh chụp thế, dáng cây rất đẹp khiến anh mê mẩn lúc nào không hay, đồng thời anh cũng nhận ra rằng, giữa nghệ thuật nhiếp ảnh với nghệ thuật sinh vật cảnh có nhiều điểm tương đồng, nên anh quyết định chuyển “nghề”. Và rồi như một cơ duyên, sau thời gian tự mày mò làm thử, anh được ông Võ Công Việt ở thôn 9, xã Khuê Ngọc Điền quý mến rồi tận tình chỉ dạy.
Vốn là người có tư duy về nghệ thuật cộng với bản tính “chịu thương, chịu khó”, trong thời gian ngắn học nghề, anh đã tiếp thu rất nhanh và qua bàn tay khéo léo của anh, những vật vô tri như đá núi, các loại cây bình thường như: găng tu hú, lá đỏ, sanh, si, đa, đề… bỗng trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có hồn. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa tác phẩm tham dự triển lãm sinh vật cảnh do Hội Sinh vật cảnh Đắk Lắk tổ chức, anh xuất sắc vượt qua hàng trăm tác phẩm để đem về giải Ba và giải Khuyến khích.
Tú tâm sự, những lúc rảnh rỗi, anh cùng một số hội viên thường vào rừng tìm kiếm cây về chơi, có khi đi vài ba ngày mới gặp được một cây “ưng ý”. Khi mang về, tùy theo rễ, thân, cành của từng loại cây mà tạo thế, dáng. Gặp những cành lỗi thì phải nghĩ cách phân cành, khắc phục nhược điểm sao cho phù hợp. Để biến một cây thô sơ trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đòi hỏi người chơi phải có tư duy nghệ thuật, cùng với đôi bàn tay khéo léo, đồng thời nắm vững kỹ thuật cắt tỉa, uốn cành…Tuy nhiên, kỹ thuật khó nhất là “ký cây trên đá” mà người ta quen gọi là “cây ôm đá”, bởi lẽ việc trồng cây và tạo dáng cây trên đá rất kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, phải am hiểu đặc điểm sinh học của từng loại cây, sự thích hợp của cây đó với yếu tố thời tiết, quy trình cắt tỉa rễ cây phải hợp lý dựa vào chiều hòn đá, rễ bám vào đá phải tự nhiên tôn được vẻ đẹp của viên đá…
Bên cạnh đó, khi đưa cây vào chậu cũng chẳng hề đơn giản, tùy theo thế, dáng, kích cỡ mà chọn chậu tương xứng, vì thế anh tự đúc chậu và chế tác hòn non bộ, vừa theo ý muốn của mình vừa tiết kiệm được chi phí. Sản phẩm do anh tạo ra luôn được nhiều người tìm đến mua bán, trao đổi… Không dấu nghề, anh còn sẵn sàng phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn cho những người khác về kỹ thuật chăm sóc cây sau khi cắt tỉa.
Hiện, vườn cây cảnh của anh còn gần 50 chậu, mỗi chậu là một tác phẩm nghệ thuật, cây này mang thế trực hoành, cây kia dáng trực huyền hay thác đổ... có cây tuổi đời vài chục năm, đó chính là những “tác phẩm nghệ thuật xanh” rất có giá trị.
“Tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều cơ quan đơn vị và cá nhân hợp đồng anh chăm sóc cây cảnh dài hạn, chế tác hòn non bộ hoặc cắt tỉa, tạo dáng cho cây của họ.
Với thu nhập từ nghề sinh vật cảnh, Tú có điều kiện nuôi 4 con học đại học, trong đó 2 đứa con đầu tốt nghiệp ra trường đã có việc làm ổn định, gia đình anh cũng vừa mới xây dựng được một ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng.
Mai Viết Tăng
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.