Mặc dù lực lượng Kiểm lâm đã rất quyết liệt ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhưng rừng vẫn bị cưa hạ, thậm chí một số cây gỗ quý bị "lâm tặc" cưa xẻ, chế biến thành các phách, hộp gỗ để vận chuyển.
Bị vây bắt, lâm tặc bỏ gỗ, băng rừng bỏ trố
Thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng thuộc đơn vị vừa phối hợp với lực lượng kiểm lâm bắt giữ vụ lâm tặc vận chuyển nhiều phách gỗ khai thác trái phép.
Trước đó, Đội Cảnh sát đường thủy nắm được thông tin có một số đối tượng lâm tặc vận chuyển gỗ được khai thác trái phép từ rừng về tập kết tại lòng hồ thủy điện Bình Điền (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Từ lòng hồ thủy điện, lâm tặc sẽ vận chuyển gỗ theo đường khe suối đến địa bàn thuận lợi rồi chở đi tiêu thụ.
Sau một thời gian theo dõi, Đội Cảnh sát đường thủy xác định vào ngày 1/12 lâm tặc sẽ đưa gỗ về khu vực khe Máu (thôn 4, xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) để vận chuyển đi tiêu thụ. Đội đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Công an xã Bình Tiến tiến hành mật phục tại khu vực khe Máu.
Khoảng 9h30 phút ngày 1/12, có 5 đối tượng lâm tặc xuất hiện tại khe Máu tiến hành vận chuyển gỗ lên bờ. Sau khi chờ các đối tượng kéo gỗ lên vừa hết, lực lượng mật phục ập đến để bắt giữ người cùng tang vật.
Tuy nhiên, khi lực lượng cảnh sát đường thủy và kiểm lâm ập đến thì các đối tượng lâm tặc lập tức bỏ lại toàn bộ số gỗ tại hiện trường để tháo chạy thoát thân. Bị truy đuổi, các đối tượng lâm tặc lẩn trốn vào rừng sâu.
Qua kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ nhiều phách gỗ thuộc nhóm II với các chủng loại khác nhau. Hiện số gỗ này đã bàn giao cho lực lượng kiểm lâm để xử lý.
Bị tóm trên đường 'quá cảnh'
Hạt Kiểm lâm Đức Trọng (Lâm Đồng) phối hợp BQL rừng phòng hộ Tà Năng và Công an xã Tà Năng (huyện Đức Trọng) vừa phát hiện một xe tải chở 23 hộp gỗ (hơn 3m3) từ hướng huyện Bắc Bình (Bình Thuận) vào địa phận xã Tà Năng.
Thời điểm kiểm tra, các đối tượng vi phạm đã có hành vi chống đối các lực lượng, sau đó bỏ lại phương tiện cùng tang vật tại hiện trường. Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cùng các đơn vị liên quan đã đưa tang vật và phương tiện về tạm giữ tại BQL rừng phòng hộ Tà Năng. Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, số gỗ trên được khai thác trái phép từ khu vực rừng thuộc huyện Bắc Bình và vận chuyển qua huyện Đức Trọng để đưa đi nơi khác tiêu thụ.
Bắt nhân viên bảo vệ rừng vì để mất gần 85m3 gỗ
CQĐT Công an huyện Kông Chro (Gia Lai) vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Văn Quy (SN 1984), trú thị trấn Kông Chro, Gia Lai, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa, để điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 BLHS.
Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại tiểu khu 734, thuộc lâm phần của công ty tại xã Chư Krey, huyện Kông Chro, nhưng Trần Văn Quy đã không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép với số lượng gần 85m3.
Trước đó, sau khi nhận được thông tin về tình hình phá rừng tại tiểu khu 734, UBND huyện Kông Chro đã chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và UBND xã Chư Krey phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra hiện trường.
Tại hiện trường ở vị trí các lô 7, 15, 17, khoảnh 2; lô 2, khoảnh 4 và lô 5, 6, khoảnh 6; tiểu khu 734, lực lượng liên ngành xác định có 12 cây rừng đã bị chặt hạ, tổng khối lượng gỗ thiệt hại 84,93 m3. Thời gian khai thác vào khoảng tháng 10/2021.
Ngày 25/11, CQĐT Công an huyện Kông Chro đã quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Liên quan đến vụ án, CQĐT hiện đang tạm giữ Lê Thanh (SN 1992); Nguyễn Long Kỳ (SN 1984); Lê Đức Hòa (SN 1980) và Trần Văn Trọng (SN 1993), cùng trú xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, Gia Lai, sau khi các đối tượng này ra đầu thú.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã vào rừng tìm các cây gỗ lớn, sau đó về địa phương tìm mối. Thỏa thuận xong kích thước, giá cả, các đối tượng đưa phương tiện, máy cưa vào rừng chặt hạ, dùng xe mô tô độ chế để tời, chở gỗ về bán lấy tiền chia nhau.
Bước đầu, CQĐT đã xác định được một số người đã mua gỗ của nhóm đối tượng trên, tiến hành lập biên bản, thu giữ 3 tấm gỗ có kích thước dài 2,4m, rộng 70cm, dày 16cm, tổng khối lượng 0,804m3 để phục vụ công tác điều tra.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.