Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 3 năm 2022 | 9:17

Miến Làng So: Sạch từ nguồn nguyên liệu

Miến Làng So, xã Cộng Hòa (Quốc Oai - Hà Nội) được người tiêu dùng ưa chuộng, có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước và xuất sang nhiều nước bởi là sản phẩm sạch từ nguồn nguyên liệu.

Sạch từ đất trồng nguyên liệu

Nhiều sản phẩm nông sản khi hoàn thành công đoạn chế biến, đóng gói đều được ghi là sản phẩm sạch, nhưng người tiêu dùng chưa thể xác định được “sản phẩm sạch” bằng cách nào, sạch từ nguyên liệu hay chỉ trong quá trình chế biến?

Đến thăm làng So, chúng tôi được một người con của làng chia sẻ khi tìm hiểu sản phẩm nông sản nổi tiếng của xứ Đoài này – miến Làng So.

Nguyên liệu làm miến của làng So được trồng trên vùng đất sạch không bị ô nhiễm, không có tạp chất, giống dong riềng phải được lựa chọn có chất lượng cao, trong quá trình chăm bón không dùng phân hóa học, mà toàn bộ phân bón cho cây đều là phân hữu cơ.

 

5.JPG
Chị Hợp kiểm tra miến phơi ngoài cánh đồng.

 

Chị N.T.Hợp, chủ một cơ sở sản xuất miến cho biết, sản phẩm miến của làng So được chế biến từ bột củ dong riềng nguyên chất được trồng tại huyện Mộc Châu (Sơn La), đây là vùng đất có thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây dong riềng phát triển.

Trò chuyện cùng anh Dương Đình Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TM và XNK Dương Kiên ngay tại xưởng sản xuất miến, chúng tôi mới biết vì sao người làng So chỉ lấy dong riềng được trồng ở Mộc Châu chứ không phải là địa danh khác, qua đó cũng hiểu được sản phẩm miến Dương Kiên sạch như thế nào.

Trước đây, chúng tôi thường cho rằng, sản phẩm nông sản sạch là những sản được chế biến trong một môi trường được bảo đảm an toàn về vệ sinh thực phẩm, nhà xưởng, máy móc, công nhân tham gia vào quá trình chế biến đều được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện, để khi chế biến sản phẩm bảo đảm độ an toàn cao nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm, khi đến tay của người tiêu dùng sản phẩm không gây bất cứ sự cố nào ảnh hưởng đến sức khỏe.

Anh Khôi chia sẻ: Tôi đã nhiều lần nói chuyện với các nhà quản lý, thậm chí với các cơ quan truyền thông về sản phẩm nông sản sạch phải sạch ngay từ nơi trồng nguyên liệu, chứ không chỉ sạch ở khâu chế biến sau thu hoạch.

Miến do chúng tôi sản xuất cũng được lấy nguyên liệu từ Mộc Châu, vì vùng đất này đất đai màu mỡ lại chưa bị ô nhiễm do sự tác động của con người, vì thế, năng suất và chất lượng dong riềng ở đây rất cao.

“Tuy nhiên, đối với nguyên liệu để cung cấp cho công ty tôi chế biến lại yêu cầu khắt khe hơn. Đó là trước khi trồng, Công ty  mang đất ở đó đi kiểm nghiệm, nếu đạt được các tiêu chí đất sạch, chúng tôi mới trồng dong riềng, giống dong riềng trồng cũng phải được lựa chọn kỹ. Trong quá trình chăm sóc,  cán bộ công ty tôi cũng phải kiểm tra thường xuyên, từ khâu chăm bón đến khi thu hoạch; phân bón cho cây phải là phân hữu cơ chứ không bón phân hóa học”, anh Khôi nói.

Lý giải vì sao lại chỉ được bón phân hữu cơ mà không phải là phân hóa học, anh Khôi cho biết, nếu bón phân hóa học mà thu hoạch ngay, dẫn đến việc tồn dư hóa chất trong củ dong riềng, mà tồn dư hóa chất thì không thể gọi là sạch được, chỉ có phân hữu cơ mới đảm bảo không có tồn dư hóa chất. 

Hội tụ tinh túy từ đất, nước và con người

Miến làng So đã có từ hàng nghìn năm nay gắn liền với Tam vị Nguyên soái Đại Vương đã có công đánh giặc giúp nước, được người dân làng So mở tiệc khao quân bằng món ăn dân dã, truyền thống. Nhưng có lẽ miến làng So ngon bởi nó hội tụ tinh hoa từ đất, nước đá ong và những người nông dân “một nắng hai sương” để làm ra đặc sản của vùng đất xứ Đoài, chả thế mà dân gian mới có câu “Tiệc yến, Miến So” để nói về sản phẩm ngon nổi tiếng ở đây.

Giám đốc Dương Đình Khôi chia sẻ, trước đây các cụ làm miến đơn giản và  thủ công, vì thế, sản lượng miến không nhiều, nhưng chất lượng của miến thì phải nói cực kỳ là ngon. “Tôi và người dân làng So cũng không biết có phải vì nguồn nước đá ong ở đây khi ngâm củ dong để lấy tinh bột làm ra miến, lại có thêm cái nắng, gió của vùng quê Xứ Đoài đã ngấm vào từng sợi miến tạo ra được độ giòn, dai, không mất đi hương vị dong riềng, làm nên giá trị riêng của miến làng So hay không? Nhưng, vị ngon của Miến Làng So ngày nay vẫn khác so với miến làm ở các địa phương khác”, anh Khôi nói.

 

1.jpg
Miến Làng So có độ ngon, giòn do được phơi dưới nắng.

 

Anh Khôi cho biết thêm, hiện, hầu hết các cơ sở sản xuất miến ở làng So này đều đã có máy móc để thay thế con người làm những công đoạn thủ công xưa, bắt đầu từ công đoạn đánh bột, quấy, tráng bánh, sấy và cắt, nhưng vẫn chưa ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào thay thế cho việc phơi miến. Mặc dù đã có máy sấy miến ở trong một chu trình khép kín, nhưng việc sấy miến bằng công nghệ lại không giữ được hương vị của dong riềng. Để giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên, chúng tôi vẫn phải đem miến sau khi đã cắt sấy mang ra ngoài để phơi, dưới ánh nắng mặt trời miến mới giữ được hương vị của dong riềng, độ giòn, dai mà không miến ở đâu có được.

“Vì không thể thiếu được cái nắng, cái gió ở nơi đây mà Miến Làng So trở nên nổi tiếng, bởi đặc sản miến đã hội tụ những tinh túy từ đất, từ nước và con người làng So”, anh Khôi nhấn mạnh.

Đánh giá về chất lượng đặc sản Miến Làng So, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, cho biết: “Những năm qua, chính quyền và các ban ngành địa phương thường xuyên hướng dẫn người dân phát triển thương hiệu miến sạch làng So. Các cơ quan chức năng định kỳ kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đề xuất thành lập khu công nghiệp Tân Hòa để nhân dân sản xuất tập trung. Qua đó, nâng cao việc quản lý chất lượng, xử lý chất thải ổn định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; thường xuyên đổi mới quy trình sản xuất hiện đại an toàn và thân thiện môi trường; quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã bao bì sản phẩm; chú trọng xây dựng hình ảnh, uy tín và thương hiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, thúc đẩy xúc tiến thương mại; bước đầu hình thành văn hóa tổ chức sản xuất kinh doanh kịp thời theo những yêu cầu ngày càng cao của thị trường…Nhờ đó, đặc sản Miến So ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng...”.

Miến Làng So đã đi khắp muôn nơi, đem những tinh hoa của đất, nước và con người của vùng quê xứ Đoài giới thiệu với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tương lai, cuộc sống của những người nông dân ở đây sẽ rộng mở, có thu nhập ổn định, làm giàu cho chính mình và quê hương bằng đặc sản quê mình.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top