Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 12 năm 2020 | 11:25

Mở rộng và nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản: Thương mại điện tử, giải pháp không ngờ

Ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay...

Với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, nhiều hoạt động sản xuất như: quảng bá thương hiệu, sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế được thực hiện bằng thương mại điện tử (TMĐT) với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống. Do vậy, ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay... 

 

t9.JPG
Chợ thương mại điện tử, cần thiết cho việc thay đổi tư duy mua sắm.
 

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Khi TMĐT vẫn là một khái niệm mới trong kinh doanh của một làng nghề truyền thống, anh Trần Dương Quý (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) là người đầu tiên đưa sản phẩm gốm Bát Tràng lên Internet thông qua website Bát Tràng online vào năm 2015. Anh cho biết, phải mất hai năm mới cơ bản xây dựng được thương hiệu của làng gốm, để những người làm nghề hiểu được hiệu quả mà Internet mang lại, vượt qua tâm lý ngại đổi mới. Đến bây giờ, TMĐT đã rất phát triển tại Bát Tràng, nhà nhà đều kinh doanh online. Rất nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội Facebook.

“Khi chưa có truyền thông thì số lượng bán sản phẩm rất ít, sau khi truyền thông, nhiều lúc các xưởng sản xuất không kịp để bán. Vì thế ban đầu nhiều xưởng rất dè chừng việc đăng hình ảnh sản phẩm lên website, nhưng khi bắt tay vào làm họ mới thấy “không ngờ rằng bán được nhiều như thế”. Có những xưởng ban đầu hợp tác với chúng tôi có quy mô rất nhỏ, khoảng 200m2 với quân số 6 - 8 người; sau một năm phát triển lên 60 nhân sự”, anh Trần Dương Quý chia sẻ.

Việc quảng bá sản phẩm qua TMĐT đã nâng lượng tiêu thụ của cơ sở gốm sứ Hoàn Trang (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) tăng khoảng 30% mỗi năm. Chủ cơ sở, Nghệ nhân Phùng Văn Hoàn rất ủng hộ phổ biến TMĐT trong làng nghề: “Người sản xuất như chúng tôi cũng không thể đem từng sản phẩm đến từng nhà để giới thiệu, vậy thì có thể thông qua TMĐT giới thiệu với người tiêu dùng là chất lượng ra sao, giá cả như thế nào. Người tiêu dùng hoàn toàn được hưởng lợi từ đấy”. Theo nghệ nhân, hiện nay cả một làng nghề sản xuất với tốc độ rất cao, nếu người làm nghề không tiếp cận với những kênh thông tin điện tử để đến với người tiêu dùng thì đó là thiệt thòi.

Thời điểm làng nghề Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) ra mắt sàn TMĐT mới được xem là bước đột phá giúp các sản phẩm vươn xa trên thị trường thế giới. Sàn giao dịch này đã cung cấp một kênh mua sắm an toàn, uy tín, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm Đồng Kỵ. Tất cả sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu “Gỗ Đồng Kỵ” và được bảo hộ độc quyền tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế. Từ đó, các sản phẩm mang thương hiệu “Gỗ Đồng Kỵ” ngày càng được quan tâm trên cả thị trường trong và ngoài nước.

Gốm sứ Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ và nhiều sản phẩm làng nghề khác đã được biết đến theo cách như thế. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc gia nhập nền tảng thương mại điện tử B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) đã giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kênh bán hàng trực tuyến đem đến cơ hội cho họ bán được bán hàng trực tiếp ra nước ngoài mà không phải thông qua thương nhân nước ngoài.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đang giúp cho thị trường sản phẩm làng nghề mở rộng hơn. Nếu như trước đây hầu hết làng nghề phải trông chờ vào các hội chợ, chương trình kết nối của cơ quan chức năng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, đối tác, thì bây giờ những sản phẩm này có thể dễ dàng tìm kiếm bằng công cụ trên mạng Internet.

Bên cạnh đó, TMĐT vừa mở rộng thị trường, vừa tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho người làm nghề không ngừng sáng tạo để khẳng định giá trị sản phẩm. Không chỉ là chuyện làm ăn của làng nghề, việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cùng nhau lên sàn TMĐT còn góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống, đưa thương hiệu làng nghề tiến xa hơn trên thị trường.

Đơn cử, tại Quảng Nam, tính đến đến cuối tháng 4/2020 đã có hơn 62 sản phẩm nông nghiệp ký kết đưa lên sàn giao dịch Postmart, trong đó, chủ yếu các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận hoặc các sản phẩm nằm trong chuỗi nông sản an toàn đã được chứng nhận.

Cụ thể, như: Tinh dầu quế, dầu sả (HTX Nông dược Xanh Tiên Phước), bánh tráng Đại Lộc (HTX Ái Nghĩa), trà khổ qua rừng (hộ sản xuất kinh doanh Hà Vy), sản phẩm Giảo cổ lam (Cơ sở Sản xuất - kinh doanh Mười Cường), chè dây Razéh (HTX Nông nghiệp xã Tư), phở sắn (Cơ sở sản xuất phở sắn Xinh Hợi - Quế Sơn), bưởi trụ Đại Bình (HTX Nông nghiệp Đại Bình), gạo Phong Thử (Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn),...

Người tiêu dùng ở mọi miền đất nước dễ dàng mua các nông sản đặc trưng của xứ Quảng chỉ bằng một click chuột, sản phẩm sẽ được vận chuyển đến đúng địa chỉ nhận hàng của khách hàng và thanh toán sau khi nhận hàng.

Theo anh Võ Như Nghĩa - Giám đốc HTX Nông dược xanh Tiên Phước: “Khi được trở thành nhà cung cấp bán hàng trên sàn Postmart, HTX đã có thêm kênh phân phối hàng hóa hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả bởi lượng khách hàng phủ rộng. Sàn Postmart của VNPost có lợi thế về mạng lưới trải rộng đến từng thôn, xã, hàng hóa được vận chuyển nhanh lại bảo đảm an toàn. Sử dụng dịch vụ của VNPost, HTX không mất nhiều thời gian để đem hàng đi gửi mà nhân viên của VNPost đến tận nơi để lấy hàng, sau đó giao tận tay cho khách”.

Quảng Nam là vùng đất có nhiều đặc sản nông sản phong phú và đa dạng. Lâu nay, sản phẩm OCOP là một trong những nguồn hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ rất cao, có thị trường trong cả nước nhưng vẫn chủ yếu phân phối theo phương thức truyền thống, chưa tận dụng được kênh phân phối online để đẩy mạnh hơn khả năng tiếp cận khách hàng.

“Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bưu điện Quảng Nam sẽ đẩy mạnh mở rộng số lượng các sản phẩm OCOP của xứ Quảng tham gia lên sàn Postmart, với mục tiêu mang những đặc sản địa phương đến với người tiêu dùng trong cả nước thông qua hình thức mua sắm trực tuyến trên sàn Postmart. Hiện nay, VNPost có mạng lưới chuyển phát với hơn 13.000 điểm, trải rộng đến tận cấp xã, hệ thống phương tiện vận tải chuyên dùng, cùng lực lượng phát hàng chuyên nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm chuyển phát, thanh toán, thu tiền. Sàn thương mại điện tử Postmart không chỉ là cầu nối giữa người bán và người mua mà đang dần trở thành thói quen mua hàng online, là niềm tin của người tiêu dùng Việt với những sản phẩm thuần Việt”, ông Trần Thanh  Bình, Phó giám đốc Bưu điện Quảng Nam nhấn mạnh.

 

t10.jpg

Giới thiệu sản phẩm qua mạng điện tử, kể cả bán hàng, thanh toán qua hệ thống TMĐT đang dần trở thành xu thế tất yếu. Do đó việc ứng dụng TMĐT cho các sản phẩm làng nghề sẽ trở thành kênh quảng bá hiệu quả cao. Nhiều người làm nghề nhạy bén nhận định: Khi công nghệ tràn vào mà không nắm bắt thì sẽ tụt hậu. Điểm mấu chốt của TMĐT là người bán hàng phải tạo dựng niềm tin cho khách hàng, chất lượng sản phẩm phải đạt được như quảng cáo.

Làm sao để nông sản “sống khỏe” trên sàn TMĐT?

Một trong những lý do lớn nhất khiến cho nông sản sạch hiện khó tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử là do chu kỳ “sống” của sản phẩm. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê chia sẻ: “Tôi có vào một số sàn thương mại điện tử thì thấy số lượng hàng hóa, cửa hàng của các doanh nghiệp rất hạn chế. Trong khi đó hoạt động mua bán nông sản trên Facebook lại rất sôi động, với người tham gia chủ yếu là người trồng và người mua nhỏ lẻ. Đặc biệt, thị trường này rất sôi động khi dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến phải giãn cách xã hội tại Việt Nam đợt đầu năm và tại Đà Nẵng hồi giữa năm. Điều này cho thấy đã có sự khác biệt giữa các kênh thương mại điện tử chính thống và trên Facebook. Vậy đâu là rào cản?”.

Chilica là thương hiệu tương ớt, ớt xay lên men được ấp ủ đã nhiều năm của anh Nguyễn Thanh Hiền, dự định ra mắt năm 2020. Tuy nhiên, hai đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm và tháng 7 đã làm “đổ bể” hết kế hoạch ra mắt sản phẩm tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. “Cái khó ló cái khôn”, anh Hiền đã tìm đến với Tiki, Sendo cùng một số sàn thương mại điện tử nước ngoài khác để quảng bá và bán sản phẩm của mình.

Chilica chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác tìm đến các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Điểm khác lớn nhất, Chilica là một trong số ít doanh nghiệp chế biến nông sản sạch tìm kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử, trong số mênh mông các doanh nghiệp bán hàng tiêu dùng, mỹ phẩm… những mặt hàng không liên quan đến nông sản sạch.

Bà Vũ Kim Hạnh (Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao) cho biết, bà là người theo đuổi việc làm nông sản sạch khá nhiều năm. Bà Kim Hạnh cho rằng, nông sản tươi khó bán trên sàn vì chu kỳ sống của sản phẩm không dài. Các loại nông sản được tiêu chuẩn hóa cũng chưa nhiều, cho nên thực tế chủ yếu các sàn thương mại điện tử cũng không biết nên định giá và sắp xếp thứ hạng sản phẩm như thế nào cho phù hợp.

Một “người trong cuộc”, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Đỏ) cho biết, nông sản bao giờ cũng là loại hàng hóa khó khăn hơn khi lên sàn thương mại điện tử. Thông thường, khách hàng chỉ mua các loại hàng hóa giá rẻ, bán dễ, các loại hàng hóa có cấu trúc sẵn (hàng điện máy, điện tử…). Nông sản và thực phẩm khó bán hơn do phải có niềm tin. “Người tiêu dùng hiện nay thường mua thông qua những kênh đã quen thuộc như người quen, bạn bè… Tuy nhiên, hạn chế của các kênh này là chỉ một cộng đồng nhỏ. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử lại có bảo chứng về chất lượng, uy tín cho các gian hàng” - ông Nguyễn Đắc Việt Dũng nói.

Một lý do khác, cũng như bà Vũ Kim Hạnh, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng cho rằng, nếu kéo dài được vòng đời của nông sản, người mua cũng yên tâm hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, hiện nay sàn thương mại điện tử có khoảng 35.000 shop, trong đó khoảng 10.000 shop là bán nông sản, số lượng này tuy lớn nhưng không nhiều như các loại hàng dễ bán khác, phổ biến là thời trang. Các sản thương mại điện tử cũng thường có những bảo đảm đối với người mua, như các dấu bảo đảm, cam kết cho người mua yên tâm.

Tín hiệu đáng mừng là, hiện nay cả các doanh nghiệp cũng như nông dân đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc tìm kiếm kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Bà Phạm Thị Lý (Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển) cho biết, Trung tâm hiện có những nhóm khoảng 1.000 nhà sản xuất vừa và nhỏ, hằng ngày đưa ra các thông tin để trao đổi với nhau và đều có kế hoạch sản xuất. Bà Phạm Thị Lý đưa ra thí dụ về một doanh nghiệp sản xuất phồng tôm nhỏ, nhờ có sự kết nối này mà đã đưa hàng hóa vào được nhiều hệ thống cung cấp lớn như Vinmart, Bác Tôm…

 

t11.JPG

Ngay cả cơ quan quản lý cũng đã có những động thái thúc đẩy đưa nông sản tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã có gian hàng Việt trên Sendo và Voso, có sự bảo trợ của Bộ Công Thương, để giải quyết một số vấn đề về nông sản. Ông Đặng Hoàng Hải cũng cho biết, hiện nay công việc chủ yếu liên quan đến đào tạo, khi đưa công nghệ mới vào sẽ dễ dàng hơn nhiều. 

Nếu không nhanh sẽ bị thâu tóm

Năm 2020, thế giới và Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức từ các chuyển động, biến động toàn cầu. Trong đó, phải kể đến tác động của cuộc cách mạng 4.0, đại dịch Covid-19 và sự bùng nổ của thương mại điện tử, nếu các doanh nghiệp trong nước không nhanh chân chiếm lĩnh thị trường, rất dễ bị thâu tóm bởi các tập đoàn lớn.

Cùng với lợi thế dân số, nền tảng công nghệ, thì khả năng chi tiêu và lựa chọn mua sắm trên kênh thương mại điện tử của người dân Việt Nam cũng đang tăng rất nhanh. Hành vi tiêu dùng theo xu hướng mới góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin của các thành phần thuộc nền kinh tế trên mọi lĩnh vực.

Nắm bắt được xu thế đó, Phúc Sinh Group xác định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn trong chiến lược đột phá kinh doanh để phù hợp với bối cảnh, xu thế mới. Hiện nay, Phúc Sinh Group là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam, hiện diện thành công tại hơn 130 quốc gia.

Giao diện website mới và Mobile App KPHUCSINH sẽ giúp hiện thực hóa chiến lược phát triển song song giữa vị thế của nhà xuất khẩu sản phẩm nông sản và thực phẩm số 1 Việt Nam, với tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ứng dụng KPHUCSINH hiện đã có mặt trên cả 2 hệ điều hành thông dụng iOS và Android, giúp khách hàng dễ dàng mua sắm, đặt hàng các sản phẩm chủ lực do Phúc Sinh trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, trong chiến lược bán lẻ thương mại điện tử, Phúc Sinh Consumer đã kết nối với hàng trăm nhà sản xuất, bán hàng, phân phối lớn và trực tiếp nhập khẩu để đa dạng hóa các mặt hàng trên cùng một app KPHUCSINH phục vụ đời sống, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng.

Chủ tịch Phúc Sinh Group Phan Minh Thông, người được mệnh danh là “Vua Xuất khẩu Hồ tiêu Việt Nam” chia sẻ: “Mục tiêu của Phúc Sinh Consumer nói riêng, Phúc Sinh Group nói chung khi thực hiện app KPHUCSINH, trước hết là để nhằm đón đầu cơ hội chuyển đổi số và tạo điều kiện để Phúc Sinh tiếp tục đi trước, tiên phong trong kinh doanh sáng tạo, phát triển với năng lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn nữa trên thị trường. Quan trọng hơn là tiếp tục mang đến các sản phẩm chất lượng cao, xứng đáng với đời sống đang ngày càng được cải thiện, cũng như là quyền lợi thiết thực của người tiêu dùng”.

Tập đoàn cũng sở hữu cơ sở hạ tầng hoàn thiện, hiện đại, khép kín 3F (Farm – Factory- From Farm to Cup) gồm 6 nhà máy tại phía Nam và phía Bắc, cùng mạng lưới đại lý, đối tác trong chuỗi cung ứng phân phối thực phẩm chế biến sâu, tập trung trong hai mặt hàng cà phê và hồ tiêu với hơn 50 nhãn hiệu sản phẩm thuộc nhãn hàng KCoffee và KPepper đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế UTZ, RFA, KOSHER, HALAL,…

Phát biểu tại buổi tọa đàm Cơ hội đột phá hệ thống phân phối từ Covid-19 hồi giữa tháng 5, Phó tổng Giám đốc quản lý sàn giao dịch thương mại Tiki Vũ Thị Nhật Linh cho biết Tiki đang thử nghiệm và “học” cách đưa nông sản, thực phẩm tươi sống lên sàn. “Những người làm trong ngành TMĐT thường nói với nhau rằng nông sản là phạm trù cao nhất của TMĐT,” bà Linh nói.

Hoạt động từ cuối 2018 đến nay và quy mô cũng chưa lớn, nhưng FoodMap - một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến - đã được cả Tiki và Lazada chọn hợp tác khi ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi.

Website thương mại điện tử FoodMap chuyên cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông sản an toàn thuộc công ty cổ phần Công nghệ và Thương mại UFO (UFO Technology). Hiện FoodMap xây dựng 3 thương hiệu riêng là Đặc sản Ngon Lành (như đường, mật ong, rau củ quả...), Maloka (trà và cà phê) và HappyNut (các loại hạt dinh dưỡng).

Nhắm đến mục tiêu dùng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản Việt, FoodMap đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc lên sàn cho mọi nhà sản xuất hoặc nông dân, đồng thời làm thương hiệu riêng cho những nông sản bản địa độc đáo nhưng khó cạnh tranh ở các sàn lớn vì chưa có thế mạnh thương hiệu.

Hồi tháng 9/2019, FoodMap được tổ chức Ricebowl (Malaysia) bầu chọn là startup tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực agri-tech (nông nghiệp công nghệ). Năm 2020 này họ đại diện Việt Nam tham gia vòng bình chọn ở khu vực Đông Nam Á.

Cũng trong tháng 9 năm ngoái, FoodMap đã vượt qua gần 600 đội từ các quốc gia khác để giành giải Sáng kiến có tác động lớn nhất (Most Impactful Innovation) tại vòng chung kết Asia Innovates 2019 do Viện hàn lâm Kỹ thuật hoàng gia Anh và Quỹ Newton tổ chức. Giải thưởng dành cho các startup, tập thể nhà nghiên cứu, viện khoa học có những phát minh, những giải pháp đột phá trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội.

Để giải quyết bài toán khó trong chuỗi cung ứng nông nghiệp nằm ở khâu hậu thu hoạch, giảm thiểu hàng dư, hàng tồn, công ty chọn cách vận hành theo mô hình đặt hàng trước (pre-order), chiếm khoảng 30-35% sản phẩm bán ra, đồng thời cung cấp cho cả khách hàng B2B (70%) lẫn B2C (30%).

Nói về nhu cầu mua thực phẩm tươi trên kênh thương mại điện tử gia tăng tại Việt Nam gần đây, Phạm Ngọc Anh Tùng, thành viên sáng lập Food Map, cho rằng, một phần đến từ việc giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, nhưng cũng cho thấy thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên cho sự phát triển của mảng kinh doanh thực phẩm tươi trên kênh trực tuyến.

“Các nhà đầu tư và quỹ tại khu vực Đông Nam Á đang quan tâm đến lĩnh vực này. Đặc biệt thị trường Indonesia đang cực kỳ sôi động, nhiều startup đã gọi vốn vòng series A hàng chục triệu đô. Có nhiều điểm tương đồng với Indonesia, thị trường Việt Nam thường có độ trễ khoảng ba năm,” theo quan sát của nhà sáng lập FoodMap.

 

t12.jpg

Viện dẫn thực tế các startup mảng này ở Việt Nam mới hoạt động khoảng 1-2 năm trở lại đây và đều còn ở giai đoạn đầu đầu tư, Phạm Ngọc Anh Tùng cho rằng nếu startup Việt không “chạy nhanh”, nhiều khả năng vài năm nữa các công ty lớn tại các nước đi trước sau khi gọi vốn thêm vòng mới sẽ tiến vào thị trường mua lại các công ty Việt hoặc đầu tư riêng bằng tiềm lực tài chính mạnh và lợi thế về kinh nghiệm vận hành.

Tập trung mạnh vào các giải pháp công nghệ

Ngành thương mại điện tử nước ta đang có mức tăng trưởng cao và được dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh và phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng, để tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới ở lĩnh vực này cần tập trung mở rộng thị trường với nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện, đặc biệt là các giải pháp công nghệ.

Cùng với đó, mỗi địa phương cần xây dựng cho mình một hoặc nhiều Chợ Thương mại điện tử với các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi là một hình thức tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mới, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận phương thức mua bán nông sản an toàn hiện đại dưới sự quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý.  Việc tổ chức các gian hàng thực tế tại các địa phương để giới thiệu, quảng bá về chợ Thương mại điện tử cũng như hướng dẫn trực tiếp về cách thức giao dịch, sử dụng  và tương tác trên môi trường mạng giữa các đơn vị, doanh nghiệp với người tiêu dùng là hết sức cần thiết.

Đây sẽ là một phương pháp mới tiếp cận thị trường, tạo niềm tin tới người tiêu dùng của các nhà phân phối, các doanh nghiệp sản xuất và từng bước thay đổi thói quen, tư duy mua sắm tiêu dùng.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của TMĐT cho người dân và DN trên địa bàn; cung cấp cho DN kiến thức pháp luật về TMĐT. Phát triển công nghệ thông tin gắn với hỗ trợ các DN đẩy mạnh ứng dụng TMĐT như thiết lập, sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng, hỗ trợ xây dựng website TMĐT, tham gia các sàn giao dịch TMĐT, sử dụng những công cụ kinh doanh điện tử (e-business)… Và khuyến khích DN tuyển dụng, bổ sung, kiện toàn đội ngũ nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin, cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về TMĐT.

Đặc biệt, cần bảo vệ quyền người tiêu dùng thông qua những ứng dụng công nghệ quét mã sản phẩm về truy xuất nguồn gốc nông sản cũng như giúp cơ quan quản lý nâng cao năng lực kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, phát triển thương mại điện tử. Xây dựng và hoàn thiện “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông - lâm - thủy sản thực phẩm toàn quốc”.

Ông Vũ Thế Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần iCheck- chia sẻ, chuyển đổi số là đòn bẩy quan trọng để DN phát triển trong thời đại công nghệ. Đặc biệt đối với DN sản xuất, chế biến nông sản, hợp tác xã và người nông dân, chuyển số sẽ đem lại cơ hội mang sản phẩm nông nghiệp Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Việc làm rõ nguồn gốc xuất xứ cũng là một cách làm marketing hiệu quả ngay trên sản phẩm, đem lại lợi ích không chỉ cho người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và yên tâm mua sắm.

Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Liên minh Chuyển đổi số cho các DN vừa và nhỏ (DTS) đã ký kết hợp tác chiến lược để triển khai các chương trình huấn luyện, đào tạo, hỗ trợ bán hàng và truyền thông, nhằm nâng cao năng lực kinh doanh TMĐT cho DN nhỏ và vừa.

Theo ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch DTS, DN vừa và nhỏ hiện nay chưa tìm được cách tiếp cận bán hàng online bài bản, đúng hướng nên DTS cố gắng tạo ra một chương trình khung để họ có thể hiểu được chuyển đổi số một cách đơn giản nhất. Trong đó, tập trung vào nghiệp vụ bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng online... để giúp DN cải thiện doanh thu.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Có thời điểm diện tích mía của Thanh Hóa lên tới 32,1 nghìn ha và được xem là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương trong tỉnh. Vì lý do khác nhau mà nhiều hộ dân đã phải chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Đâu là hướng đi cho cây mía xứ Thanh?

  • Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản

    Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản

    Sáng 18/3, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo Tham vấn hoàn thiện chính sách pháp luật về xây dựng thương hiệu nông sản.

  • Gỡ khó cho khuyến nông cộng đồng

    Gỡ khó cho khuyến nông cộng đồng

    Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định, lực lượng khuyến nông cộng đồng ở cơ sở là lực lượng chính để tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với nhiệm vụ chính là hỗ trợ xây dựng, củng cố các HTX ở địa phương; tập huấn quy trình canh tác bền vững; tập hợp các số liệu từ HTX để thực hiện đo đếm, chi trả tín chỉ carbon…

Top