Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 6 năm 2019 | 14:35

Muốn nâng cao giá trị nông sản, nhất thiết phải kiểm soát tốt ATTP

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nói chung và trong nông sản nói riêng rất quan trọng, nhất là khâu sản xuất và chế biến thực phẩm.

Để sản phẩm nông sản có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, rất cần chú trọng bảo đảm ATTP.

htx.jpg
Thành viên HTX hoa quả Thành Đạt, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thu hái xoài xuất khẩu. Ảnh Nguyễn Cường

 

Chưa chú trọng ATTP

PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: Theo số liệu  công bố năm 2018 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây ra trên 200 loại bệnh cho con người, ước tính mỗi năm có khoảng 600 triệu người bị nhiễm bệnh; 420.000 người bị tử vong do thực phẩm; trẻ dưới 5 tuổi chiếm 40% số ca mắc bệnh và 125.000 ca tử vong hàng năm.

Đối với Việt Nam, trong giai đoạn từ 2011 – 2016, toàn quốc ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người bị ngộ độc, 164 người chết. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết/năm. Nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), tiếp đến là ngộ độc tự nhiên (27,9%), do hóa chất (4,3%) và 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (26,6%). Mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư, ước tính 35% số ca mắc bệnh là do sử dụng thực phẩm không an toàn.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, nguyên nhân chính gây mất ATTP tại Việt Nam là từ  thực phẩm nhiễm vi sinh vật độc hại; lạm dụng hóa chất trong chế biến, bảo quản thực phẩm; lạm dụng thuốc bảo vệ thực phẩm, phân bón hóa học để lại dư lượng hóa chất độc hại trong nông sản; chất độc gốc tự nhiên có trong sản phẩm; chất độc sinh ra do quá trình bảo quản không tốt; sử dụng các chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi thủy sản; kim loại nặng có trong đất, nước do ô nhiễm môi trường..

Bà Mai Thị Lan Hương (Trường Cao đẳng Nông nghiệp và PTNT Bắc Bộ) cho biết, trình độ, quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta có đến 90% là chế biến thủ công, hộ gia đình, cá thể. Vì vậy, điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm hầu như không đạt yêu cầu, nhiều cơ sở sản xuất chưa có ý thức trách nhiệm trong chế biến thực phẩm, vì lợi nhuận vẫn cố tình đưa ra thị trường một số loại thực phẩm không an toàn.

Hiện nay, việc sử dụng hóa chất chăm bón cho cây trồng đang được người nông dân sử dụng một cách tràn lan, bừa bãi, các cơ quan chức năng không kiểm soát nổi, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các vùng trồng, sản xuất nông sản.

Tại vùng trồng hoa màu huyện Mê Linh (Hà Nội), khi đoàn chúng tôi đến thực tế tại đây, phát hiện nhiều chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật đã sử dụng vứt đầy ruộng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và hậu quả là mất ATTP. Ai có thể khẳng định hóa chất bảo vệ thực vật không sử dụng hết ngấm vào trong đất lại không ảnh hưởng hay liên quan đến những sản phẩm nông nghiệp đang được trồng tại đây.

Ông Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh, cho biết, sản xuất nông nghiệp hiện nay  gặp nhiều khó khăn, do tập quán canh tác lạc hậu, quy mô hầu hết là nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp lớn, nếu không giám sát được sản xuất bảo đảm ATTP thì sản phẩm nông nghiệp sẽ không tiêu thụ được trong nước chứ đừng nói để xuất khẩu.

Hiện nay, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp trong trồng trọt và cung cấp sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân chưa tiếp cận được nhiều, do vậy, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Ông Tình đề nghị được sự giúp đỡ của Hội Làm vườn Việt Nam để thực hiện việc tuyên truyền và hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt để bảo đảm ATTP.

Nâng cao giám sát của cộng đồng

Bà Mai Thị Lan Hương cho biết, hiện nay, việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, cá nhân, đoàn thể giám sát việc bảo đảm ATTP cho các sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết. Có sự giám sát của các tổ chức này trong quá trình trồng trọt và thu hoạch sản phẩm, các nông hộ sẽ không dám sử dụng các chất hóa học, chất kích thích cho sản phẩm nông sản của mình trước khi đem ra thị trường tiêu thụ.

Theo bà Hương, vai trò của HTX ở những nơi đã xây dựng HTX trong trồng trọt đã được thể hiện. Mô hình HTX là mô hình doanh nghiệp nhỏ, các thành viên phải có trách nhiệm trong quá trình trồng trọt, chế biến và tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra. Nếu họ không tự sản xuất ra những nông sản sạch, an toàn thì sản phẩm của họ sẽ không có chỗ đứng trên thị trường, đồng nghĩa HTX đó sẽ bị triệt tiêu.

Ông Vũ An (Sơn La) cho biết, Sơn La đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, chủ yếu là cây ăn quả. Sản xuất thì tương đối thuận lợi nhưng tiêu thụ khó khăn. 

Sản phẩm nông sản của Sơn La khi xuất sang các nước, đều được các doanh nghiệp nhập khẩu sang giám sát tận nơi sản xuất, mặc dù có hơn 61.000ha cây ăn quả nhưng chỉ có khoảng 24.000ha là được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Những sản phẩm được trồng ở đây được các doanh nghiệp nước ngoài giám sát rất chặt chẽ trong suốt quá trình trồng trọt đến khi thu hoạch, bảo đảm sản phẩm nông sản không bị ảnh hưởng của dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu, tóm lại là phải bảo đảm ATTP

Tuy nhiên, muốn bảo đảm ATTP cho sản phẩm nông nghiệp đối với Sơn La là việc làm rất khó khăn và vất vả. Ở đây đồng bào dân tộc chỉ biết thu lợi nhuận mà không hiểu sâu xa về vấn đề ATTP cho sản phẩm nông nghiệp; đồng bào chỉ biết có sâu là phun thuốc, có cỏ thì mua thuốc diệt cỏ, không phải làm cỏ thì càng tốt. Chính vì vậy, nếu không có sự giám sát của cộng đồng thì không bảo đảm được ATTP đối với nông sản tại đây.

Việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện nay chưa được chặt chẽ, thuốc bảo vệ thực vật được bán tràn lan, thuốc thật và thuốc giả lẫn lộn, người dân chỉ biết sử dụng, không những hiệu quả không cao mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm nông nghiệp.

Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Bà Đặng Thị Cuối, chủ cơ sở sản xuất rau an toàn tại huyện Đan Phượng ( Hà Nội) cho biết, muốn sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhất thiết phải áp dụng công nghệ cao vào trong trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm.

Từ kinh nghiệm khi đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) chuyên chăm sóc và trồng rau sạch, sau khi về nước, bà đã mất 12 năm mày mò và tổ chức trồng rau sạch, đến nay cơ sở trồng rau của bà đã đem lại nguồn thu cao, sản phẩm rau sạch trồng bằng phương pháp hữu cơ của bà cung cấp chủ yếu cho các trường học và các cơ sở kinh doanh rau sạch trên địa bàn, thậm chí nguồn cung còn thiếu, không đủ cung cấp.

Phương pháp trồng rau sạch của bà được làm rất chặt chẽ. Trước hết đất phải được xử lý đốt và khử trùng bằng khí ga để diệt hạt cỏ; nguồn nước phải xử lý thô sơ sau khi xét nghiệm được thì mới sử dụng cho chăm bón rau. Các sản phẩm nông sản được trồng trong nhà kính, mục đích là để cách ly toàn bộ với môi trường khói, bụi bên ngoài; sau khi xử lý xong sẽ tiến hành gieo và đóng cửa tòan bộ nhà kính cho đến khi thu hoạch.  Bà Cuối cho biết, trồng bằng phương pháp này, năng suất cao hơn gấp 4 - 5 lần, chất lượng rau rất cao.

Nguồn giống cũng được cơ sở quan tâm, cơ sở của Bà Cuối luôn sử dụng giống nhập khẩu vì bảo đảm giống không hề bị nhiễm bệnh.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rau chất lượng cao, sản xuất nông sản an toàn có nhiều vấn đề và phải nhìn từ nhiều góc độ, nhưng quan trọng nhất đều phụ thuộc vào công nghệ. Công nghệ sẽ quyết định đến chất lượng sản phẩm. Nếu không có công  nghệ cao thì không thể có sản phẩm chất lượng để tiêu thụ ra thị trường. Nếu làm ăn nhỏ lẻ thì không thể giám sát được mọi vấn đề, trong đó có ATTP.

Đánh giá về tầm quan trọng của ATTP trong quá trình sản xuất nông nghiệp, GS. Bùi Quang Toản cho biết, chính sách của nhà nước đã có, cần làm rõ vai trò của các tổ  chức để bảo đảm ATTP cho sản phẩm nông sản và cuối cùng là hiệu quả kinh tế. Đây là vấn đề cần phải đặt ra và giải quyết triệt để.

Công tác đảm bảo ATTP cho sản phẩm nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách, các nước  khi nhập khẩu sản phẩm nông sản đều có những quy định về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chính vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp để bảo đảm rằng sản phẩm đó  trồng, chăm sóc và chế biến bảo đảm ATTP được các quốc gia đặt lên hàng đầu. Muốn sản phẩm nông sản có giá trị, nhất thiết phải làm tốt công tác ATTP.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top