Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 5 năm 2019 | 15:7

Nam Trạch chuyển mình

Từ vùng đất bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sau hơn 7 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Nam Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đang chuyển mình tích cực, trở thành vùng quê trù phú, an lành.

tr3d.jpg
Mô hình trồng ngô sinh khối xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (ảnh Đài TT-TH Bố Trạch).

 

Sự thống nhất và đồng bộ

Chúng tôi đến Nam Trạch vào những ngày cuối tháng 5, dưới cái nắng như đổ lửa và gió Lào khắc nghiệt. Dọc con đường bê tông liên thôn, liên xã phong quang, sạch sẽ là những ngôi nhà mái bằng kiên cố lấp ló trong những vườn cây ăn trái, bên cạnh là màu xanh bạt ngàn của mía, sắn và những bãi ngô non mơn mởn...

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch, hồ hởi nói: Nam Trạch là xã nghèo của huyện, xuất phát điểm thấp, năm 2011 chỉ đạt 6 tiêu chí, nhưng với sự hỗ trợ của cấp trên, nhất là sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền và người dân, đến nay, chúng tôi đã đạt 18/19 tiêu chí NTM. Kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, đóng góp từ nhân dân.

Khi nhận rõ XDNTM là cơ hội làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống, văn hóa, tinh thần cho người dân…, Đảng bộ, chính quyền và người dân Nam Trạch quyết tâm phấn đấu về đích vào cuối năm 2019 (trước 1 năm so với kế hoạch).

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh xã, xem những công trình giao thông, thuỷ lợi, trạm y tế khang trang đã đạt tiêu chí chuẩn…, trường học các cấp học đang được xây dựng, hoàn thiện cho khâu cuối thẩm định trường chuẩn Quốc gia để hoàn thành nốt tiêu chí cuối cùng của đích NTM, ông An cho hay: “Ngân sách địa phương hạn hẹp, đặc biệt là nguồn thu từ đấu giá đất thấp nên xã đã vận dụng kinh phí từ các nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và sự đóng góp của nhân dân một cách sáng tạo, làm đến đâu chắc đến đó, lấy dân làm chủ thể trong XDNTM”.

Đã có hàng ngàn ngày công lao động, 700m hàng rào các loại và 1.550 cây ăn quả các loại của nhân dân được huy động, được hiến cho chương trình. Nhờ vậy, tổng nguồn kinh phí thực hiện cho XDNTM đến thời điểm này đạt 34,7 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 8,7 tỷ đồng; huyện 9,5 tỷ đồng; xã 7,8 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 8,7 tỷ đồng).

Chú trọng đột phá tái cơ cấu nông nghiệp

Song song với việc đầu tư xây dựng hạ tầng, Nam Trạch đặc biệt chú trọng tới phát triển kinh tế - xã hội, tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nhờ thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, những cánh đồng mẫu lớn đã ra đời, phục vụ sản xuất tập trung cho 3 cây chủ lực chính của xã: cây ngô sinh khối đạt trên 70ha, cây mía 60ha, cây sắn 400ha. Bên cạnh đó, xã còn tích cực mở các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tìm thị trường đầu ra ổn định; có chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và gia trại. Nhờ vậy mà bà con yên tâm sản xuất, đời sống được nâng lên. Nếu như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/người thì năm 2018 đạt  42 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,65%; hộ cận nghèo còn 4,6%; phấn đấu đạt thu nhập 46 triệu đồng/người vào năm 2020.

Ông Nguyễn Quang Hải ở thôn Hòa Trạch cho biết: Cây mía đã và đang tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong xã. Qua các lớp đào tạo, người trồng mía  đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc đúng thời điểm, thời vụ, nên năng suất và chất lượng đạt khá cao. Gia đình trồng  0,5ha mía, theo giá bán 3.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi hơn 40 triệu đồng/năm.

“Cái được lớn nhất trong thực hiện Chương trình XDNTM là sự thay đổi toàn diện về bộ mặt nông thôn. Người dân đã thay đổi về nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước… Kinh tế hộ đi lên, người dân Nam Trạch tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho XDNTM. Đây cũng là nền tảng vững chắc để xã phấn đấu XDNTM cho những giai đoạn tiếp theo, trở thành vùng quê văn minh, hiện đại”, ông An nói.

 

 

Kiều Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top