Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 10 năm 2017 | 2:32

Nan giải “bài toán” chợ nông thôn mới ở Lục Yên

Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 7 về chợ đóng vai trò quan trọng. Những năm qua, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã nỗ lực tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cho các địa phương, trong đó có hệ thống chợ, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Việc thực hiện tiêu chí chợ trong chương trình XDNTM ở Lục Yên còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo của huyện, sự hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư và quá trình thẩm định, xét công nhận các địa phương hoàn thành tiêu chí này.

Chợ xã Lâm Thượng được xây dựng từ năm 2006 theo nguồn vốn Chương trình 135 với diện tích trên 1.400m2. Chợ hiện có trên 40 hộ tham gia kinh doanh các mặt hàng may mặc, gia dụng, thực phẩm... Tuy nhiên, đến nay, chỉ có  14 hộ kinh doanh trong chợ, còn lại các hoạt động mua bán diễn ra ven trục đường liên xã, không chỉ gây khó khăn cho người mua, bán mà còn ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của người dân.

Chợ xã Lâm Thượng họp theo phiên vào thứ 5 hàng tuần, qua hơn 10 năm đưa vào sử dụng, nhiều thiết bị cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp, gây ra nhiều khó khăn trong việc buôn bán, kinh doanh của các tiểu thương.

Do thiếu diện tích nên các hộ buôn bán phải lấn chiếm ra hành lang lề đường, đặc biệt, do nằm sát với trạm biến áp của đường điện cao thế nên việc quy hoạch, mở rộng diện tích chợ càng trở nên khó khăn. Đây cũng là lý do khiến tiêu chí số 7 về chợ theo chương trình xây dựng nông thôn mới của xã vẫn chưa đạt. Ông Trần Thanh Trúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, cho biết: “Vấn đề khó khăn nhất của chúng tôi là làm sao quy hoạch được diện tích để mở rộng chợ, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân”.

Mặc dù đã sớm đạt tiêu chí chợ, song để duy trì và giữ vững danh hiệu này, xã Tân Lĩnh còn gặp không ít khó khăn. Được xây dựng từ năm 2000 thuộc loại 3, chợ xã Tân Lĩnh có tổng diện tích trên 5.200m2 với gần 200 hộ tham gia buôn bán, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân các xã Khai Trung, Minh Chuẩn, Tân Lập, Tô Mậu và Tân Lĩnh với đa dạng các loại mặt hàng và được đánh giá là một trong những chợ xã có quy mô, diện tích lớn ở Lục Yên. Qua gần 20 năm đưa vào sử dụng, hiện chợ đã xuống cấp, vào mùa mưa thường xuyên bị ngập lụt, việc quy hoạch tập trung và xử lý rác thải chưa đồng bộ...,  ảnh hưởng tới việc trao đổi hàng hóa của người dân. Anh Nguyễn Văn Toản, tiểu thương chợ xã Tân Lĩnh, bày tỏ: “Chúng tôi buôn bán ở đây đã gần 10 năm, cơ sở hạ tầng tốt nhưng vấn đề rác thải thường xuyên gây ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh”.

Nhận thức được vai trò, vị trí của chợ nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Lục Yên đã quan tâm đến đầu tư phát triển hạ tầng chợ nông thôn, thông qua việc dành quỹ đất để đầu tư chợ. Hiện, huyện Lục Yên có 16 xã có chợ nhưng chỉ 13 chợ đạt tiêu chí nông thôn mới với trên 2.000 hộ kinh doanh thường xuyên, các mặt hàng chủ yếu là hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, thực phẩm…Từ năm 2012 đến nay,  Lục Yên đã  đầu tư xây mới 2 chợ xã Động Quan và Mường Lai, ngoài ra các chợ khác cũng được tu sửa, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua đánh giá, hệ thống chợ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân, giao thông tương đối thuận lợi giúp lưu thông, trao đổi hàng hóa ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tiêu chí chợ nông thôn, huyện Lục Yên đang gặp nhiều khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, diện tích chợ ở các xã Lâm Thượng, Khánh Thiện không đạt yêu cầu, nhiều chợ bỏ không gây lãng phí, nhiều xã có quy hoạch nhưng khó hình thành được chợ như: Tân Phượng, Tân Lập, Phan Thanh, Khánh Hòa...

Để từng bước giải quyết những tồn tại, khó khăn trong phát triển chợ nông thôn, Lục Yên đã triển khai nhiều giải pháp, tiến hành quy hoạch,  xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ, đồng thời tiếp tục nâng cấp hệ thống các chợ xã nhằm đảm bảo nhu cầu buôn bán, kinh doanh cũng như việc trao đổi hàng hóa, mua sắm của người dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế- hạ tầng huyện Lục Yên, cho biết: “Chợ được hình thành từ nhu cầu, nguyện vọng của dân, song một số chợ do đầu tư không đúng nên không phát huy hiệu quả, gây lãng phí. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước hoàn thiện tiêu chí này ở các xã”.

Chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới đang là mục tiêu phấn đấu của các xã trên địa bàn huyện Lục Yên. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện. Vì vậy, để chợ phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, các ngành chức năng cần tập trung xây dựng, quy hoạch chợ nông thôn sao cho phù hợp, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Khắc Điệp- Tuấn Viên

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top