Hiệu quả từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã thấy rõ, OCOP được xem là chìa khóa thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
Vậy điều kiện cần và đủ để phát triển OCOP là gì?
Điều kiện phát triển OCOP
Chương trình OCOP được tổ chức nhằm khai thác lợi thế từ sản phẩm truyền thống địa phương để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đồng thời thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng thu nhập. Thực hiện chương trình có hệ thống tổ chức từ trung ương đến cơ sở, bộ phận tư vấn hỗ trợ và bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng.
Theo đó, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phải đáp ứng đủ các điều kiện: sản phẩm là đặc sản, thế mạnh của địa phương; sản phẩm được chế biến sâu nhằm nâng cao gia tăng giá trị (trừ sản phẩm du lịch); sản phẩm phải do chủ thể theo quy định của Quyết định số 490/QĐ-TTg sản xuất ra; sản phẩm phải được chuẩn hóa theo các tiêu chí sản phẩm OCOP; sản phẩm phải được đánh giá, xếp hạng và cấp giấy chứng nhận ở cấp tỉnh và cấp Quốc gia.
Các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP sẽ trải qua 3 vòng chấm ứng với 3 cấp huyện, tỉnh, trung ương. Các sản phẩm tiềm năng 3 sao ở cấp huyện sẽ được đi tiếp lên chấm cấp tỉnh. Tại hội đồng đánh giá cấp tỉnh, các sản phẩm đạt từ 4 đến 5 sao sẽ được đăng ký dự thi cấp quốc gia.
Các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP được áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tùy điều kiện thực tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực.
Hiệu quả từ Chương trình OCOP đã thấy rõ, song cũng khó tránh khỏi việc, nhiều chủ thể tham gia nhưng chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình. Điều này dễ khiến Chương trình OCOP triển khai như một hình thức thi đua, phong trào chưa dựa vào đặc trưng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm; nhiều sản phẩm mới chú ý đến mẫu mã, bao bì, chưa chú ý đến chất lượng; công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, nguồn vốn cho Chương trình OCOP còn khó khăn...
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, nguyên Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, nguyên nhân là do nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến,... dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác.
Hiện nay, các tỉnh vẫn chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, tính cộng đồng chưa cao để đưa vào tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, không nên để tình trạng cùng một sản phẩm vừa cấp Giấy công nhận sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, vừa cấp giấy công nhận sản phẩm OCOP (tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận của 2 loại này gần như có tính tương đồng).
Ngoài ra, các bộ, ngành cũng cần bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó cần tăng điểm tiêu chí chất chượng sản phẩm; xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng, lưu hồ sơ phân hạng..., bởi đây sẽ là yếu tố giúp cho chương trình tập trung cho phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng.
Chìa khóa thành công từ phong trào OVOP của Nhật Bản
Trong quá trình công nghiệp hóa, không ít làng nghề nổi tiếng ở nhiều quốc gia đang dần mai một hoặc biến mất trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, điều đó lại không xảy ra ở Nhật Bản cho dù đây là một trong bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Ở nước này, nhiều làng nghề với các nghề thủ công truyền thống vẫn tồn tại và hoạt động rất hiệu quả. Điều này một phần là nhờ phong trào “mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) – một mô hình hợp tác có xuất xứ từ tỉnh Oita, phía Nam Nhật Bản, cách đây hơn 40 năm.
Tiến sĩ Morihiko Hiramatsu, cựu Thống đốc tỉnh Oita, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Giao lưu Quốc tế Oita OVOP được coi là “cha đẻ” của phong trào này đã từng chia sẻ ở một diễn đàn về OVOP rằng, trong những ngày đầu mới nhậm chức Thống đốc, ông không biết nhiều về quản lý địa phương. Tuy nhiên, ngay từ đầu, ông đã đề xuất triển khai phong trào OVOP nhằm xây dựng quê hương thành một nơi mà mọi người có thể tự hào. Ông nói: “Mục tiêu đầu tiên của tôi là tăng thu nhập bình quân đầu người, vì thu nhập của người dân khi đó rất thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa Thủ đô Tokyo và nông thôn là rất lớn”.
Tham gia OVOP, mỗi làng, xã sẽ lựa chọn và sản xuất một hoặc một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Sự tập trung sản xuất đi kèm với tập trung tài chính và nhân lực sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng và có tính cạnh tranh cao, qua đó góp phần tăng doanh thu và cải thiện cuộc sống của người dân.
Theo ông Hiramatsu, phong trào này được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cơ bản, gồm: mang lại sức sống mới cho mỗi làng, xã bằng cách tận dụng các nguồn lực tại chỗ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tự lực và sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực địa phương.
Lý giải về nguyên tắc thứ nhất, ông Hiramatsu nói: “Chúng tôi có thể khuyến khích một công ty chuyển tới Oita và xây dựng nhà máy sản xuất ô tô. Đó là một cách để thúc đẩy sự phát triển của địa phương bằng cách sử dụng nguồn lực bên ngoài. Tuy nhiên, thay vào đó, chúng tôi đã quyết định tận dụng triệt để tiềm năng của các nguồn lực địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc biệt có giá trị gia tăng cao”.
Tuy nhiên, ông Hiramatsu cho biết, mục tiêu của phong trào không chỉ đơn thuần là sản xuất đồ lưu niệm cho các du khách mà còn tạo ra các sản phẩm đặc biệt của địa phương có thể bán tại không chỉ Tokyo mà còn thị trường quốc tế. Nói cách khác, mục tiêu của OVOP là sản xuất và bán các sản phẩm có thể có danh tiếng toàn cầu. Sản phẩm nấm shiitake trồng ở Oita là một ví dụ điển hình. Nhờ OVOP, hiện nay, nấm shiitake của Oita chiếm 29% thị phần nấm shiitake ở Nhật Bản. Đáng chú ý, nấm donko shiitake do tỉnh này sản xuất có giá tới 3.000 yen (gần 28 USD)/lạng.
Đối với nguyên tắc thứ hai, ông Hiramatsu giải thích, OVOP là phong trào tạo điều kiện cho sự phát triển địa phương thông qua việc giúp người dân ở đó nhận thức rõ tiềm năng và tối đa hóa tiềm năng đó bằng tinh thần tự lực. Ông nhấn mạnh: “Chính người dân địa phương chứ không phải các quan chức chính phủ là người quyết định sản xuất sản phẩm gì… Người dân chính là động lực của OVOP”.
Thị trấn Oyama (thành phố Hita, tỉnh Oita) là một ví dụ như vậy. Sau Thế chiến Thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi nông dân nước này đẩy mạnh trồng lúa và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, Oyama là một thị trấn nhỏ, với 3.800 dân, nằm sâu trong những dãy núi, hầu như không có đất để canh tác và không có đồng cỏ để chăn nuôi bò. Vì vậy, người dân ở đây đã quyết định không tuân theo định hướng của Chính phủ mà chuyển sang trồng cây hạt dẻ và mơ. Với khẩu hiệu “Hãy trồng hạt dẻ và mơ và đi du lịch ở Hawaii”, hợp tác xã nông nghiệp Oyama đã khởi động chiến dịch vực dậy kinh tế thị trấn này.
Họ đã chế biến nhiều sản phẩm từ mơ và bán sản phẩm này thông qua các kênh tiêu thụ trên khắp toàn quốc. Nhờ việc sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu nhập của người dân ở đây đã liên tục tăng. Bên cạnh đó, lợi tức nông nghiệp ở Oyama vẫn liên tục tăng trong lúc lợi tức nông nghiệp ở Nhật Bản giảm. Năm 2004, tổng sản lượng nông nghiệp của tỉnh Oita tăng 0,91 lần so với năm 1980, nhưng ở Oyama lại tăng gấp 1,76 lần, cao nhất tỉnh Oita.
Bên cạnh đó, ông Hiramatsu lưu ý chính quyền không nên hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân bởi vì, nếu bạn trợ cấp cho họ thì nhiều khả năng họ sẽ không thực hiện OVOP khi không còn các khoản trợ cấp đó. Tuy nhiên, theo ông Hiramatsu, chính quyền có thể cung cấp, tư vấn kỹ thuật cho người dân, đồng thời hỗ trợ họ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn, chính quyền tỉnh Oita đã hướng dẫn người dân làm thế nào để trồng nấm shiitake hay chế biến đồ uống từ chanh kabosu và quảng bá sản phẩm ở Tokyo.
Đối với nguyên tắc thứ ba, ông Hiramatsu nhấn mạnh: “Việc phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng nhất của OVOP. Cần phải nuôi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo, có thể thách thức những thứ mới mẻ trong nông nghiệp, thương mại, du lịch và nhiều lĩnh vực khác”.
Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền Oita đã xây dựng trường đào tạo ‘Toyo-no-kuni’ cho người dân địa phương và ông Hiramatsu chính là hiệu trưởng đầu tiên của trường này. Học sinh của trường là những người nông dân, nhân viên các hợp tác xã nông nghiệp, nhân viên văn phòng và thậm chí cả giáo viên của các trường phổ thông. Họ chỉ đến đây học vào buổi tối trong khi ban ngày vẫn đi làm.
Họ không học theo các giáo trình được viết sẵn. Thay vào đó, các điển hình thành công trong phong trào OVOP sẽ được mời tới để trình bày kinh nghiệm của mình. Mỗi khóa học như vậy kéo dài 2 năm. Cho đến nay, có hàng ngàn người đã tốt nghiệp từ trường này, trong đó không ít người đã trở thành ủy viên hội đồng tỉnh hay thị trưởng.
Với sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Oita, từ một vài sản phẩm tham gia OVOP ban đầu, đến năm 2001, tổng số sản phẩm tham gia OVOP ở 11 thành phố và 47 đô thị của tỉnh Oita lên tới 336. Tổng giá trị sản xuất tăng từ 36 tỷ yen (năm 1979) lên 141 tỷ yen.
Sau thành công của OVOP ở Oita, nhiều tỉnh, thành khác ở Nhật Bản đã tới đây học hỏi và phát động các phong trào tương tự như “Sản phẩm của làng” hay “Chương trình phát triển thành phố quê hương”. Số lượng sản phẩm bán ra tăng từ 143 loại, với thu nhập là 35,9 tỷ yen khi phong trào này bắt đầu, lên 336 loại với thu nhập 141 tỷ yen vào năm 2001. Nhiều làng nghề bị mai một được khôi phục, trong khi có 200 nghề mới được tạo dựng.
Hiện nay, phong trào này đã lan rộng ra nhiều quốc gia, khu vực như: Thượng Hải (Trung Quốc), Đông Java (Indonesia) hay Los Angeles (Mỹ) và trở thành mô hình hiệu quả cho việc mở rộng sản xuất, tăng tính cạnh tranh và phát triển kinh tế nhiều làng, xã trên khắp thế giới.
Cách làm của Hà Nội
Hà Nội được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những sản phẩm đó không chỉ chứa đựng tinh hoa văn hóa, mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Khi Chương trình OCOP của TP. Hà Nội khởi động, nhiều chủ thể, địa phương đã đầu tư sản xuất, làm mới những sản phẩm truyền thống để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp thành phố.
Cùng với đó, việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai kịp thời, thường xuyên, giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng; qua đó sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang được người tiêu dùng tin dùng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Chu Quyến Nguyễn Trung Dậu chia sẻ, thành lập năm 2017 và tham gia OCOP từ năm 2020, Chu Quyến đã có 4 loại rau củ đạt chứng nhận 3 sao gồm mướp, mướp đắng, bầu, mồng tơi và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận. Nhờ vào việc tham gia OCOP, các sản phẩm của HTX có cơ hội quảng bá đến với nhiều người tiêu dùng.
Ông Dậu chia sẻ thêm: “Từ năm 2019 trở về trước, rau sạch của chúng tôi bán tương đối ít, cho đến khi tham gia Chương trình OCOP thì kết nối được nhiều đối tác hơn. Vì thế, chúng tôi có đầu ra để kết nối với các thương hiệu mới, các siêu thị lớn nhằm tiêu thụ sản phẩm trong khu vực Ba Vì nói riêng và TP. Hà Nội nói chung. Hiện, HTX Chu Quyến có doanh thu khoảng 100 triệu đồng từ việc kinh doanh rau sạch mỗi tháng. Điều này cho thấy hiệu ứng tích cực từ OCOP”.
Tương tự như HTX nông nghiệp Chu Quyến, hộ kinh doanh của anh Phan Ngọc Tú tham gia OCOP từ năm 2020 với các sản phẩm giò đà điểu, thịt đà điểu, gà Ba Vì, đã đem lại lợi nhuận gần 200 triệu đồng mỗi tháng. Anh Tú hiện có 3 cửa hàng bán lẻ để phục vụ khách du lịch; mỗi ngày bán được 30kg thịt, doanh thu gần 8 triệu đồng. Anh Tú cho biết, tham gia OCOP giúp anh kết nối thêm được nhiều đối tác tiêu thụ sản phẩm và có cơ hội quảng bá đặc sản của địa phương.
Hay như sản phẩm bưởi đỏ của thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đã được TP. Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Ông Lương Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX bưởi đỏ Đông Cao, cho biết, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khẳng định được chất lượng của bưởi đỏ Đông Cao, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng. Sau khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm bưởi đỏ của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Chọn mua những túi củ cải trắng tại điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mê Linh, chị Đỗ Thị Nguyệt chia sẻ: “Nhiều khi được nghe đến các sản phẩm nông sản có chứng nhận OCOP nhưng việc mua ở đâu và cụ thể cơ sở nào thì tôi lại không rõ. Nay nhờ các hoạt động giới thiệu điểm bán như thế này, tôi dễ dàng tìm đến tham quan và mua hàng”.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, với 1.054 sản phẩm của 255 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.
Thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
“Các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP sẽ là điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, để chúng ta hội tụ sự liên kết, sự lan tỏa, đồng thời thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Hà nội và các tỉnh, thành phố”, bà Lan nhấn mạnh.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội, năm 2022.
Theo đó, thành phố sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố và tổ chức thành công lễ khai trương, quảng bá điểm OCOP. Đồng thời, triển khai xây dựng tối thiểu 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện, thị xã.
Thành phố cũng sẽ tổ chức 3 - 5 tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP với các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố (tuần lễ có quy mô khoảng 60 gian hàng, kết hợp khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm); phối hợp với các tỉnh, thành phố để giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Nội với các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, thành phố còn tổ chức 1 đoàn công tác liên kết, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP TP. Hà Nội tại các tỉnh, thành phố, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.
“Hà Nội hiện nay là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP. Không chỉ ở khía cạnh số lượng, những sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng được đánh giá cao về chất lượng. Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ các chủ thể không chỉ của thành phố mà còn của các tỉnh, thành khác trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP “ghi sao” trong lòng người tiêu dùng”, nguyên Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.