Giờ đây, về các vùng quê, đi trên những con đường bê tông rộng rãi, thẳng tắp, qua các miệt vườn tốt tươi, thảm vàng đồng lúa, cảm nhận thấy rõ sự trù phú, yên bình với những ngôi nhà mới cao tầng kiên cố. Một bức tranh quê đẹp và bình yên.
Tất cả thành quả trên đều nhờ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và Chương trình mỗi xã một sản (OCOP).
Bài 1: OCOP - Những điểm sáng và trở ngại
Năm 2018, Chính phủ phê duyệt, triển khai Chương trình mỗi xã một sản (OCOP). Đến hết năm 2021, cả nước có 5401 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Chương trình đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, hoàn thành mục tiêu chung của quốc gia trong XDNTM, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục, quy trình xét duyệt…, cần sớm tháo gỡ, thay đổi để người dân tham gia nhiệt tình hơn vào chương trình này.
Mục tiêu 6.500 sản phẩm OCOP trong năm 2022
Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP, với quan điểm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Theo đó, chương trình hướng tới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay, 62 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, công nhận 5.401 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 62,6% sản phẩm 3 sao, 35,8% sản phẩm 4 sao và 1,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Các sản phẩm này đến từ 2.944 chủ thể (38,8% là HTX, 27,4% là doanh nghiệp, còn lại là cơ sở sản xuất, tổ hợp tác).
Năm 2022, cả nước phấn đấu có khoảng 6.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.100 sản phẩm so với năm 2021).
Sau gần bốn năm thực hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao cũng như được lựa chọn sử dụng nhiều hơn.
OCOP trên khắp mọi miền
Ở miền Trung, sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, các địa phương gặt hái được nhiều kết quả tích cực, xây dựng hàng trăm sản phẩm được công nhận OCOP gắn với bản sắc văn hóa, truyền thống đặc trưng của mỗi vùng. Dọc dài “khúc ruột” đất nước, từ Thanh Hóa đến Nam Trung Bộ, bản đồ OCOP mang thương hiệu của biển, của đất và gió, cát, biển giã mặn mòi đang từng bước hoàn thiện với hàng trăm sản phẩm độc đáo, đạt hiệu quả kinh tế rất cao… Ví dụ như: mật ong Bình Sơn, trà xanh túi lọc Bình Sơn, rượu Sâm Báo Vĩnh Lộc, dưa vàng Viên Hương ở Thanh Hóa; Bưởi Phúc Trạch (Hương Khê - Hà Tĩnh); Dược liệu cà gai leo ở An Xuân (Cam Lộ- Quảng Trị); Đèn lồng Hội An, OCOP độc đáo làm nên thương hiệu du lịch TP Hội An (Quảng Nam); tỏi đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); cá ngừ đại dương Bình Định...
Tại siêu thị MM Mega Market (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), nhiều nông sản OCOP của các vùng miền đã đưa lên kệ, được người tiêu dùng lựa chọn, quan tâm hơn khi để cùng các quầy nông sản khác, như: mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa); gạo thơm của An Giang; trà, miến dong, mắm cá cơm, trà sen Tháp Mười; tắc sấy, vỏ bưởi sấy dẻo...
Theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại siêu thị MM Mega Market, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ngày càng được ưa chuộng nên siêu thị quyết định đưa vào bán trong toàn bộ hệ thống. Đặc biệt, trong Tết Nhâm Dần vừa qua, siêu thị đã bày bán đặc sản OCOP rất độc đáo để những khách hàng không về quê sum họp bên gia đình có thể mua sắm, thỏa nỗi nhớ quê nhà.
Nhiều sản phẩm OCOP cũng được ưa chuộng ở nhiều tỉnh, thành. Điển hình như rượu vang thanh long của HTX thanh long Hàm Đức (Bình Thuận) đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Bà Lê Nguyện, Giám đốc HTX Thanh long Hàm Đức, cho biết, HTX thành lập năm 2016 với 17 xã viên. Khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá bấp bênh. Trong bối cảnh ấy, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận đã hướng dẫn HTX tham gia Chương trình OCOP.
Không chỉ giúp HTX hoàn thiện chất lượng sản phẩm theo quy định, Sở Nông nghiệp và PTNT còn giúp làm bao bì, nhãn mác hấp dẫn hơn. Hơn thế nữa, khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP, còn được tỉnh giới thiệu tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. “Chính nhờ đạt chuẩn OCOP mà trung bình mỗi năm doanh thu của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng và sản phẩm cũng đã xuất khẩu qua một số nước”, bà Lê Nguyện nói.
Tại Long An, sản phẩm trà chùm ngây của Công ty Vườn Nhà Mình cũng đã được nhiều người tiêu dùng biết đến khi được công nhận đạt chuẩn OCOP. Ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Vườn Nhà Mình, phấn khởi cho hay, ban đầu, sản phẩm bán rất chậm, nhưng khi được công nhận OCOP, được tham gia vào nhiều chương trình quảng bá sản phẩm, trà chùm ngây đã trở nên thân quen với người tiêu dùng. Từ thành công này, công ty đã quyết định mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 5ha.
Với cơ cấu kinh tế 60% là nông - lâm nghiệp, Bắc Kạn được cho là có nhiều lợi thế khi thực hiện đề án OCOP. Nhất là khi tỉnh có nhiều loại nông sản đặc trưng để phát triển thành hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện, Bắc Kạn có 170 sản phẩm OCOP, đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh gia tăng số lượng, chất lượng, trong năm qua, Bắc Kạn đã hỗ trợ tốt người dân tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Tỉnh tập huấn cho 45 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng tham gia sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Sendo, Tiki, Voso…; kỹ năng làm phim để quảng bá sản phẩm... Qua đó, đã có 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Giữ vững lá cờ đầu
Từ khi triển khai năm 2019 đến nay, TP. Hà Nội hiện có 1.054 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và cấp từ 3 sao trở lên. Trong đó có 4 sản phẩm OCOP 5 sao, 13 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao đang chờ Hội đồng Trung ương thẩm định.
Với trên 1.500 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế lá cờ đầu của cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP. Không chỉ phát triển ấn tượng về số lượng, sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng được đánh giá là rất đa dạng, trong khi chất lượng được kiểm soát hết sức gắt gao.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội phấn đấu mỗi năm có thêm khoảng 400 sản phẩm OCOP; trong đó có khoảng 3% tổng số sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Hàng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển thêm hai điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
“Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP. Không chỉ ở khía cạnh số lượng, những sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng được đánh giá cao về chất lượng. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn thành phố tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ các chủ thể không chỉ của thành phố mà còn của các tỉnh, thành khác trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP “ghi sao” trong lòng người tiêu dùng", Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Kết hợp phát triển du lịch
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh, những sản phẩm đặc trưng của thành phố như cá dứa, xoài Cần Giờ đang được làm hồ sơ tham gia Chương trình OCOP. Là đô thị lớn nên các sản phẩm nông nghiệp của thành phố không đa dạng và cũng khó có thể mở rộng về số lượng như nhiều tỉnh, thành khác, nhưng TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng hướng đi riêng, đó là gắn OCOP với phát triển du lịch.
Các sản phẩm OCOP sẽ được giới thiệu với du khách như là một trong những món quà độc đáo của TP. Hồ Chí Minh. Thậm chí, có thể phối hợp với ngành du lịch, các công ty lữ hành để “biến” những nơi sản xuất, trồng trọt các đặc sản OCOP thành những điểm đến tham quan cho du khách.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, phân tích, sản phẩm OCOP không những là các sản vật địa phương, mà còn chứa đựng trong đó văn hóa của từng vùng miền. Do đó, nếu làm tốt, không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương ở khía cạnh sản xuất, kinh doanh, mà còn giúp phát triển du lịch.
Người dân chưa mặn mà
“Chỉ nuôi rồi bán thương phẩm cũng đã có lãi, thu tiền ngay. Nếu tham gia sản phẩm OCOP thì sẽ gặp phải thủ tục rườm rà, bao bì, kiểm định chất lượng, sản phẩm chế biến sau đó cũng chưa biết có bán được hay không, biết bao giờ thu lại được”, ông Nguyễn Quyết Chiến, người nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) cho biết.
Không chỉ ông Chiến mà nhiều chủ thể chưa mặn mà đến với Chương trình OCOP bởi nhiều trở ngại từ chính người dân, từ đặc thù của sản phẩm, sự hiểu biết về chương trình cũng như những bất cập trong quá trình triển khai.
Đơn cử như vấn đề thực trạng đang diễn ra tại xã Vĩnh Sơn với hơn 1.000 hộ dân thì có khoảng 700 hộ nuôi rắn thương phẩm hàng chục năm nay.
Mỗi năm, Vĩnh Sơn cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rắn thương phẩm và thêm một số sản phẩm như cao, nọc… Có thể sản xuất số lượng lớn, không lo về nguyên liệu, thậm chí sản phẩm có tính cạnh tranh cao khi đã được cấp phép nuôi của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quyết Chiến và một số hộ đã từng nghĩ đến các món ăn từ rắn được chế biến sẵn, người tiêu dùng chỉ việc chế biến lại nhưng việc này đành bỏ ngỏ vì không có đơn vị kiểm định chất lượng, y tế, dịch tễ…
“Với người nuôi, đôi khi họ cũng muốn hướng đến cái tốt hơn nhưng với nhiều rào cản, suy nghĩ đó có vẻ “viển vông” bởi không biết bao giờ cơ quan chức năng công nhận, rồi sản phẩm sẽ bán thế nào trong khi bán tươi, tiền có ngay, không phải lo nghĩ gì”, ông Chiến cho hay.
Ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết, sản phẩm từ rắn chưa có cơ quan thẩm định chất lượng vì sản phẩm có đặc thù riêng liên quan đến sức khỏe. Bên cạnh đó, sản phẩm cao rắn có tính chuyên môn cao, mỗi người có kinh nghiệm riêng và họ muốn giữ nghề của mình và không muốn truyền nghề ra ngoài nên khó thành lập được hợp tác xã để tạo ra sản phẩm có tính cộng đồng.
Còn tại làng mộc Bích Chu (xã An Tường, huyện Vĩnh Tường), hầu như mọi người đều chưa biết nhiều về sản phẩm OCOP. Ông Trương Văn Đại, chủ cơ sở mộc cho biết, ông làm nghề này bởi đây là nghề “cha truyền con nối”. Tuy rất mong muốn tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm nhưng đến nay ông cũng chưa nắm bắt được, chưa hiểu được OCOP có giá trị như thế nào, sẽ mang lại lợi ích gì với nghề mộc.
Nhận thấy xã An Tường có thế mạnh truyền thống là sản phẩm mộc có thể tham gia sản phẩm OCOP nhưng bà Đàm Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã mới chỉ ở bước 1 (bước đầu tiên trong 6 bước xây dựng sản phẩm OCOP) là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cũng như lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị.
Ngược lại, dù đã được nghe tuyền truyền và hiểu về sản phẩm OCOP, nhưng ông Lương Xuân Hưng, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trang trại sinh thái Hưng Thịnh (Đắk Lắk) đang sản xuất và chế biến cà phê đặc sản, cũng chưa mặn mà đến với OCOP. Bởi theo ông, sẽ phải mất thời gian và chi phí đầu tư cho sản phẩm này. Sản phẩm phải thiết kế lại nhãn mác, bao bì… và như vậy sẽ tăng thêm chi phí để hoàn thiện các tiêu chí.
Ông Hưng cho rằng, khi làm sản phẩm OCOP, chi phí sẽ cao hơn, như vậy giá sản phẩm sẽ tăng và điều này sẽ đặt ra bài toán kinh doanh trong việc cạnh tranh sản phẩm với các đơn vị khác. Bởi người tiêu dùng đôi khi vẫn chưa chấp nhận được mức giá cao hơn mức trung bình với sản phẩm cùng loại.
Vướng các tiêu chí chấm điểm
Một trong những yêu cầu quan trọng đạt OCOP là đáp ứng bộ tiêu chí chấm điểm sản phẩm này. Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP bộ tiêu chí được xây dựng khá toàn diện từ chất lượng, tiếp thị, tổ chức sản xuất, sức mạnh cộng đồng… với những thang điểm chuẩn, cụ thể. Nhưng cũng chính điều này đang gây khó cho nhiều chủ thể, nhiều sản phẩm đến với OCOP. Thậm chí có chủ thể đã tìm kiếm thêm điểm bằng cách “lách” các tiêu chí.
Là doanh nghiệp chăn nuôi và kinh doanh, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) đánh giá, với sản phẩm rắn đặc thù, để đáp ứng các tiêu chí OCOP như: doanh số bán hàng, mạng lưới tiêu thụ sẽ rất khó khăn. Bởi đây là sản phẩm đông y, sản phẩm sức khỏe nên khó bán rộng rãi, thương mại như các sản phẩm nông nghiệp khác, nên tiêu chí doanh số bán hàng hay việc có những khách hàng vệ tinh sẽ không thể đạt được.
Về tiêu chí chấm điểm chất lượng, ông Lương Xuân Hưng cũng cho rằng, sản phẩm của ông đã được đánh giá, chứng nhận là cà phê đặc sản bởi các chuyên gia chuyên ngành. Nhưng tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP chưa có điểm vượt trội. Các sản phẩm chỉ cần đủ điểm từ các tiêu chí khác đã có thể đủ để sản phẩm đạt 3 hay 4 sao.
Bên cạnh đó, khi đánh giá, chấm điểm, tùy từng địa phương, sẽ có nhiều hay ít sản phẩm được đánh giá, có khi lên tới hàng chục, hàng trăm sản phẩm ở các lĩnh vực khác nhau. Như vậy, hội đồng đánh giá sẽ phải đa lĩnh vực, mà thiếu đi sự chuyên ngành trong đánh giá về chất lượng sản phẩm.
Ông Huỳnh Quang Thành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Khánh Hòa, cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm còn nhiều điểm chưa phù hợp với một số sản phẩm của các địa phương. Một số nội dung phân công hướng dẫn thuộc các lĩnh vực chuyên ngành của các sở, ban, ngành trong bộ tiêu chí còn chưa cụ thể, nhất là đối với các sản phẩm thuộc bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ trang trí và thủ công mỹ nghệ gia dụng, điển hình là đối với sản phẩm có chất liệu trầm hương – một sản phẩm đặc hữu, có thương hiệu của Khánh Hòa.
Theo ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Hà Tĩnh, trong bộ thang điểm OCOP thì điểm chất lượng chỉ có 40 điểm. Với sản phẩm đạt 3 sao không có quy định rõ là chất lượng phải đạt bao nhiêu điểm nên về chất lượng có thể chỉ đạt 5-10 điểm, cộng với điểm số khác thì vẫn có thể đạt.
Tuy đã được các cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc hoàn thiện hồ sơ khi đăng ký tham gia sản phẩm OCOP, nhưng từ quá trình thực hiện, bà Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty CP Curcumin Bắc Hà chỉ ra, do mới triển khai nên các thủ tục pháp lý vẫn rườm rà, chưa cụ thể. Các chủ thể làm OCOP phải làm đi làm lại. “Nhiều chủ thể hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện về hồ sơ tốt nhưng việc các hướng dẫn chưa rõ ràng, thậm chí còn thay đổi liên tục nên các chủ thể “chạy theo” rất mất thời gian, công sức”, bà Lê cho biết.
Theo bà Lê, chương trình chưa có sự nhìn nhận, phân định rõ ràng chất lượng những sản phẩm mang tính công nghệ cao. Điển hình như doanh nghiệp đã được công nhận kiểm soát chất lượng sản xuất dược phẩm (GMP), tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm) nhưng khi chấm điểm thì không được nhiều điểm ưu tiên.
Ông Trần Huy Oánh cho rằng, chương trình chưa đồng bộ hệ thống tổ chức nên cần làm thế nào để cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, với bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp. OCOP là chương trình tổng thể với nhiều sản phẩm đa ngành mà nội dung yêu cầu không chỉ là sản xuất mà quan trọng là chế biến, tiêu thụ, khoa học công nghệ… nên cần có bộ máy chuyên biệt.
Bài 2: Cần làm gì để OCOP thành sức bật?
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.