Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 3 năm 2016 | 12:20

Nếu thanh tra theo kế hoạch thì tốt nhất là ở nhà

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thanh, kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế sau hơn 4 tháng triển khai đợt cao điểm hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp (từ ngày 19/10/2015) cho thấy, đã phát hiện nhiều sai phạm sau các cuộc thanh tra đột xuất.

Từng bước khống chế được chất cấm

Theo ông Nguyễn Văn Việt, việc từng bước khống chế được chất cấm có thể coi là một thành công lớn của đợt cao điểm này. Thực tế, việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (chủ yếu là Salbutamol và VAT Yellow – Vàng ô) đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Nhưng chỉ trong hơn 3 tháng (bắt đầu từ ngày 3/11/2015), với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ, việc sử dụng chất cấm từng bước được ngăn chặn. Sở dĩ đạt được kết quả này là vì chúng ta đã có cách làm đúng, phù hợp. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là thông qua các đợt thanh - kiểm tra đột xuất. Những cơ sở vi phạm đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Việc chỉnh sửa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng có đóng góp quan trọng (ngay khi phát hiện chất Vàng ô, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã sửa đổi Thông tư 48, đưa Vàng ô vào danh mục chất cấm). “Điều quan trọng hơn là, thông qua những đợt thanh tra đột xuất và phát hiện sai phạm, tạo một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận, Bộ luật Hình sự 2015 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, quy định chỉ cần sử dụng chất cấm là có thể cấu thành tội phạm”, ông Việt nói.

Nhân viên Chi cục Thú y tỉnh lấy mẫu xét nghiệm chất cấm tại trang trại heo ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa. (Ảnh: Kim Vũ).

Được biết, qua các đợt thanh tra đột xuất, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT và C49, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 13 công ty; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử phạt bổ sung (thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm) với 11 công ty. Đặc biệt đã phát hiện một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm là: Công ty TNHH Trường Phú (Hải Dương), Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang) có sử dụng Salbutamol và Auramine. Công ty CP Đầu tư phát triển Tiên Phong (Hưng Yên) có sử dụng Salbutamol. Công ty TNHH Hà Hưng (Hưng Yên) có sử dụng Auramine...

Thanh tra Bộ cũng đã đề nghị C49 tiến hành cử trinh sát thường xuyên bám sát địa bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Kết quả đã phát hiện nhiều vi phạm ở nhiều tỉnh/thành phố như PC49 tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, bắt giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi của Công ty Thiên Nam (Bắc Ninh), được gia công tại Công ty TNHH Hải Thăng, có chứa Salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần.

Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng đã chỉ đạo các chi cục địa phương lấy 1457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, phát hiện 3 mẫu thịt (chiếm 0,77%), 157 mẫu nước tiểu (chiếm 10,7%) dương tính với Salbutamol. Đã có 46/63 tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,1%)và xử lý theo quy định; phát hiện 12/649 (chiếm 1,8%) mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm Salbutamol, 69/1.026 mẫu nước tiểu (chiếm 6,7%), 1/172 mẫu thịt (chiếm 0,6%) có sử dụng chất cấm Salbutamol.

Cũng trong đợt cao điểm này, đã có 2.781 cơ sở được hướng dẫn áp dụng GAP và đã có 2.225 cơ sở (chiếm 80%) được chứng nhận áp dụng GAP; 3.393 cơ sở trong số 4.898 cơ sở loại C (chiếm 69,3%) đã nâng cấp và được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lũy kế từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2016 đã phát hiện 326/6.166 mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) vượt giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép

 Cục BVTV đã tổ chức thanh tra 17 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, lấy 46 mẫu thuốc BVTV để kiểm tra chất lượng, phát hiện 7/46 mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng. Cục Trồng trọt tiến hành kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất rau của 44 cơ sở sản xuất tại 18 tỉnh/thành phố, đã phát hiện 08/50 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép.

Sau chất cấm là kháng sinh thủy sản

Theo ông Việt, mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ diễn ra ở 35 tỉnh, thành phố, quá trình phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm tại các địa phương còn rất hạn chế. Việc ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc BVTV, thuốc thú y thủy sản trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại tất cả các địa phương. Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi tăng so với 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh trong xuất khẩu. Có rất ít điểm bán nông thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và được xác nhận sản phẩm an toàn cho thấy các địa phương chưa tích cực vào cuộc triển khai phương thức mới nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và y tế, công thương chưa nhiều, các ngành vẫn hoạt động độc lập, chưa chủ động đề xuất các hình thức phối hợp chặt chẽ hơn.

Ông Việt cho rằng, dù chất cấm đã từng bước được khống chế nhưng các địa phương không được lơ là, chủ quan vì tình hình sử dụng chất cấm vẫn diễn biến phức tạp trong các lò mổ, trang trại. ”Thực tế, việc sử dụng, buôn bán chất cấm mang lại siêu lợi nhuận, giá nhập Salbutamol rất rẻ, chỉ 1,5 – 1,6 triệu đồng/kg nhưng qua nhiều khâu trung gian, giá có thể lên đến 15 – 16 triệu đồng/kg, một con lợn sử dụng chất cấm có thể mang lại lợi nhuận 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nên nhiều người hám lợi”, ông Việt thông tin thêm.

Theo kế hoạch, để tiếp tục giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là vẫn tồn tại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong thủy sản nuôi, thuốc BVTV trong rau, quả, chè để tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thuỷ sản sản xuất trong nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phát động Kế hoạch hành động năm cao điểm VSATTP 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện tốt kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, năm 2016, ngoài việc kiểm soát tốt vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phải làm triệt để, xử lý căn bản vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau và ô nhiễm vi sinh trong thịt. Bên cạnh việc ngăn chặn, xử lý vi phạm, phải cung cấp cho người dân những địa điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.

Anh Thơ  

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top