Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 6 năm 2018 | 21:2

Ngành điều Việt Nam “điềm tĩnh” trước biến động thị trường

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành điều đã đạt kết quả tăng trưởng vượt bậc so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, cũng vì mức tăng trưởng này đã làm cho giá điều thô biến động mạnh, gây ảnh hưởng tới quá trình chế biến và xuất khẩu của ngành điều. 

 

Sản xuất điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy, Bình Dương. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
 


Do đó, để toàn ngành điều bước những bước đi vững chắc hơn trước biến động về nguyên liệu, cũng như chất lượng, Hiệp hội Điều Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều phải “điềm tĩnh” trước biến động của thế giới. 

Tính đến cuối tháng 5/2018, ngành điều đã xuất khẩu được 141.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD, tăng 24% về sản lượng và 25% về giá trị. Thế nhưng, trước dự báo nhu cầu thị trường chỉ tăng 3%-5%, mà sản lượng chế biến lại tăng 25% đã tạo ra "cơn sốt ảo" giá điều nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi. 

Theo ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, việc này làm cho các doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu chế biến trong 6 tháng cuối năm 2018 nên đã tăng cường thu mua nguyên liệu với giá cao trong tháng Ba và tháng Tư vừa qua. Nhưng trong tháng 5/2018, giá nhân điều chế biến lại rơi vào biến động giảm.

Lo sợ giá điều còn giảm nên nhiều nhà máy chế biến đã tăng công suất chế biến và bán ra, nhưng không lường trước được đến khi nguồn nguyên liệu trong nước không còn, các quốc gia nhập khẩu điều sẽ tăng giá thu mua nhân điều chế biến. Nếu vội vàng sẽ gây bất lợi cho ngành điều trong năm 2018. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu điều thô từ châu Phi sẽ đánh vào tâm lý thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu những tháng cuối năm nên tiếp tục làm giá, nâng cao giá điều nguyên liệu thay vì phải hạ nhiệt, làm cho doanh nghiệp chế biến điều nhỏ trong nước sẽ phải chịu thua lỗ.

Trước những biến động này, nhiều nhà máy chế biến điều đã thống nhất dừng chế biến để ổn định lại giá điều. 

Theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam, tính đến ngày 15/6, hầu hết các nhà máy chế biến điều đều “án binh,” dừng chế biến. Có đến 70%-80% doanh nghiệp điều cả nước ngưng hoạt động. 

Việc án binh này chính là để các doanh nghiệp chế biến điều ổn định lại sản xuất, tránh phụ thuộc vào thông tin làm giá của thị trường điều nguyên liệu. 

Bên cạnh đó, khi nguồn cung thế giới được dự báo tăng, các nhà cung ứng điều Ấn Độ cũng sẽ rơi vào khủng hoảng và dần từ bỏ “cuộc chơi” do không thể cạnh tranh với các sản phẩm điều chế biến của Việt Nam, không cạnh tranh nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi, sẽ giúp ổn định lại giá điều nguyên liệu trong thời gian tới. 

Ước tính, trong 5 tháng đầu năm, ngành điều đã nhập khẩu 283.000 tấn nguyên liệu, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng cuối năm, ngành điều Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm khoảng 900.000 tấn để phục vụ cho chế biến. 

Trong trường hợp giá điều nguyên liệu tăng cao thì sản lượng nguyên liệu cần nhập sẽ không tăng. 

Dự đoán trước những biến động về giá điều nguyên liệu nhập khẩu và ngành điều Việt Nam lại cần một nguồn nguyên liệu lớn cho chế biến sẽ tạo điều kiện cho các nhà cung ứng tung hoành giá bán trên thị trường thế giới, Hiệp hội Điều Việt Nam đã thay đổi chiến lược phát triển toàn ngành ngay từ đầu năm 2018. 

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất quy hoạch diện tích điều đến năm 2020-2025 là 300.000 ha; trong đó, thay vì chỉ chú trọng xuất khẩu điều nhân, ngành điều sẽ tăng tỷ trọng sản phẩm điều chế biến lên 30%, thay vì 10% như hiện nay. Đây là giải pháp giúp ngành điều tăng dần giá trị thay cho việc chạy theo số lượng hàng năm như thời gian qua. 

Khi đối diện với vấn đề giải quyết sự bất ổn định về giá, thì chiến lược tăng sản phẩm chế biến là giải pháp tối ưu nhất để phát triển ngành điều bền vững, đúng kế hoạch đã đề ra từ đầu năm 2018. Với chiến lược này, ngành điều sẽ không cần nguồn nguyên liệu lớn mà giá trị vẫn tăng, kéo theo kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng và không phụ thuộc nguyên liệu vào các nhà cung ứng nguyên liệu từ thị trường châu Phi. 

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho hay, song song với chiến lược tăng tỷ trọng sản phẩm điều chế biến, việc giảm lượng bán ra, cung cấp các sản phẩm điều nhân cho thị trường thế giới, gây cơn sốt thiếu sản phẩm điều trong người tiêu dùng nước ngoài cũng là một trong những giải pháp giúp cho giá điều nhân tăng trở lại bởi nhu cầu sử dụng hạt điều của người tiêu dùng thế giới không hề giảm. 

Đây là loại hạt chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, nên người tiêu dùng sẽ tự nguyện tìm kiếm và sẵn sàng mua với giá cao khi nguồn hàng hóa ít đi, 

Hiệp hội Điều Việt Nam dự báo, trong năm 2019, ngành điều Việt Nam sẽ bước qua giai đoạn phát triển mới, đó là, khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn nông dân sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tăng cường chất lượng và truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, phát triển mạnh thị trường nội địa, đưa kim ngạch ngành điều cán mốc 4 tỷ USD./.
 
 
 
 
 
Ý kiến bạn đọc
Top