Sau 20 năm tái lập, Bắc Ninh đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dịp này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh về những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mô hình nuôi cá lồng ở xã Trung Kênh (huyện Lương Tài)
Ông có thể đánh giá khái quát những thành tựu của ngành nông nghiệp sau 20 năm tái lập tỉnh?
Trong 20 năm qua, ngành nông nghiệp Bắc Ninh đã có sự tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng bình quân đạt 4,5%/năm; năng suất lúa tăng từ 39,3 tạ/ha lên 62 tạ/ha, gấp 1,6 lần năm 1997; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng từ 29.500 tấn lên 93.700 tấn, gấp 3,2 lần; năng suất thủy sản tăng từ 1,5 tấn/ha lên 6,6 tấn/ha, gấp 4,5 lần; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 107,6 triệu đồng, gấp 6,4 lần. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản; cơ cấu khu vực nông nghiệp năm 2015 là: trồng trọt 41,7%, chăn nuôi - thủy sản 53,4%, lâm nghiệp và dịch vụ 4,9%.
Về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), mức độ tiêu chí đạt chuẩn NTM tăng từ 8,84 tiêu chí/xã (năm 2010) lên 17,6 tiêu chí/xã (năm 2016), tăng 9,2 tiêu chí/xã (không còn xã nào đạt dưới 12 tiêu chí). 57/97 xã đạt 19/19 tiêu chí, bằng 60,8% tổng số xã, trong đó 58 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 1 xã đang xem xét công nhận. Đặc biệt, huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Bắc Ninh trong nỗ lực đạt được thành công trên?
Đạt được kết quả trên là do tỉnh Bắc Ninh luôn bám sát và nhận định đúng tình hình, đưa ra được những chủ trương, quyết sách phát triển nông nghiệp đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với từng thời kỳ và giai đoạn phát triển, cụ thể:
Ngay sau khi tái lập, Bắc Ninh đưa ra chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản (Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh). Năm 2003, đưa ra chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn nạc giai đoạn 2003 - 2010 (Nghị quyết số 14–NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh). Năm 2007, đưa ra chủ trương cải tạo cơ cấu giống lúa theo hướng mở rộng diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao. Năm 2011, chúng tôi thực hiện chương trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất; chương trình phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư; chương trình nuôi cá thâm canh trong ao đất. Năm 2015, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Song song với các chủ trương trên là các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành kịp thời, đã thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa.
Ông có thể khái quát mục tiêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Ninh trong thời gian tới?
Mục tiêu của ngành trong những năm tới là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với an toàn thực phẩm; tập trung XDNTM nhằm cải thiện môi trường sống và nâng cao thu nhập cho nông dân. Về sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất nông nghiệp tăng từ 0,5-1,5%/năm. Về XDNTM, phấn đấu đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 68 xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; đến năm 2020 có trên 80% số xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM.
Để đạt được các mục tiêu trên, các giải pháp ngành đưa ra là gì, thưa ông?
Thời gian tới, ngành sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở thực hiện tốt kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn và giá trị gia tăng cao; chỉ đạo xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn nhằm tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Từng bước xây dựng các chuỗi liên kết theo từng sản phẩm. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản nhằm kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn.
Phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, định hướng phát triển sản xuất của ngành, các chính sách của tỉnh để các tổ chức, cá nhân trong tỉnh biết và áp dụng thực hiện nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2017, ngành Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản 8.556 tỷ đồng; trong đó, trồng trọt 3.545 tỷ đồng, chăn nuôi 3.500 tỷ đồng, thuỷ sản 1.155 tỷ đồng, lâm nghiệp 21 tỷ đồng và dịch vụ 335 tỷ đồng. |
Đỗ Hùng - Sơn Loan (thực hiện)
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.