Sáng 26/5, Viện Khoa học Xã hội đã về khảo sát, nghiên cứu sản xuất giống lúa năng suất cao có sử dụng phân bón Nano Silic trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Thị Thủy, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãnh đạo huyện Bình Lục.
Tại buổi làm việc, Đại diện Viện Khoa học Xã hội đã trao đổi về những hiệu quả thiết thực của việc sử dụng phân bón Nano Silic trên diện tích cấy lúa đã trồng khảo nghiệm tại Ninh Bình kết quả cho thấy: Giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường… Riêng trên lúa, nếu canh tác đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón Nano Silic sẽ giúp cây cứng, khỏe, năng suất lúa tăng từ 30-60%, chất lượng lúa được cải thiện, hạn chế sâu bệnh và giảm khoảng 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đoàn đã đi khảo sát trực tiếp tại cánh đồng thuộc HTX Tiêu Hạ, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam).
Cũng tại buổi làm việc, Đại diện Viện Khoa học Xã hội mong muốn tỉnh Hà Nam tạo điều kiện để khảo sát, triển khai dùng thử nghiệm phân bón Nano Silic trong sản xuất lúa tại Hà Nam, với quy mô ban đầu khoảng 20ha. Trong đó, Công ty Cổ phần Nano Farm Đăng Quang sẽ tài trợ toàn bộ phân bón Nano Silic và thuốc bảo vệ thực vật trong vụ đầu tiên. Người nông dân sẽ phụ trách về giống và toàn bộ khâu canh tác cũng như thu hoạch. Đại diện Viện Khoa học Xã hội cũng đề nghị tỉnh Hà Nam bố trí diện tích đối chứng không sử dụng phân bón Nano Silic, làm cơ sở đánh giá hiệu quả sau này.
Ngay sau buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãnh đạo huyện Bình Lục đã đưa Đại diện Viện Khoa học Xã hội đi khảo sát trực tiếp tại cánh đồng thuộc HTX Tiêu Hạ, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục.
Qua khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với Viện Khoa học Xã hội và doanh nghiệp để tiến hành thử nghiệm sử dụng phân bón Nano Silic ngay trong vụ mùa 2022 trên diện tích 20ha tại cánh đồng thuộc HTX Tiêu Hạ, xã Tiêu Động; với diện tích đối chứng để làm cơ sở so sánh, đánh giá kết quả sau này.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhấn mạnh: Sau khi sử dụng phân bón Nano Silic trong vụ mùa 2022, nếu đem lại kết quả tốt tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng diện tích. Bởi đây là giải pháp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất đầu vào, nâng cao năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp.
Hà Nam