Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 6 năm 2021 | 17:49

Người dân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) bức xúc vì xưởng ván sàn gây ô nhiễm

Vì cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường từ một xưởng sản xuất ván, người dân ở xóm Bằng Gà, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) kiến nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm.

Nhiều năm qua, các hộ gia đình tại xóm Bằng Gà vẫn sử dụng nước từ dòng suối Canh chạy qua thôn để tắm giặt, sinh hoạt. Thế nhưng đến ngày 26/5/2021, người dân nơi đây bất ngờ chứng kiến dòng suối quê hương biến thành một màu đen kịt. Lo lắng về nguy cơ con suối bị ô nhiễm nặng, không còn nguồn nước sạch duy nhất đang sử dụng, bà con đã tìm cách “kêu” tới chính quyền.
 
Bà Bùi Thị Nguyện (người dân xóm Bằng Gà) cho biết, do khu vực này đào giếng không có nước nên để có nước sinh hoạt, cả nhà bà vẫn dùng máy bơm lấy nước từ suối Canh lên dùng. Ngày 26/5, chứng kiến dòng nước đen kịt, cũng là lần thứ hai nhìn thấy cảnh này, bà đã bảo con trai dùng điện thoại chụp lại và quay video để phản ánh lên chính quyền xã.
 
Không chỉ có vậy, gia đình bà Nguyện và một số hộ dân gần khu vực này còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi khói khét đến ngạt thở vào các buổi tối khi nhà máy hoạt động mạnh. Đặc biệt, thời điểm những ngày nắng nóng cuối tháng 5 vừa rồi, khói nhiều, thường xuyên hứng chịu mùi khói khét, khiến người dân nơi đây rất mệt mỏi và nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
dòng-suối-canh-nguồn-nước-sạch-duy-nhất-của-bà-con-bị-ô-nhiễm-nghiêm-trọng-không-thể-sử-dụng-được.jpg
Dòng suối Canh – nguồn nước sạch duy nhất của bà con bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể sử dụng được nữa.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Đức Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Cao Sơn thừa nhận, Công ty Ván sàn Vinh Vân chính thức đi vào sản xuất tại địa bàn xã Cao Sơn từ năm 2018. Thời gian qua, các hộ gia đình xóm Bằng Gà đã nhiều lần kiến nghị về việc công ty xả khói vào buổi tối, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
 
“Sau khi có phản ánh, xã đã tiến hành xác minh. Với quan điểm môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lâu dài của nhân dân, UBND xã sẽ xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, vào thời điểm chưa sáp nhập xã, Công ty Ván sàn Vinh Vân cũng đã bị UBND huyện Lương Sơn xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường”, ông Thuận nói thêm.
 
Được biết, xã Cao Sơn (Lương Sơn) được sáp nhập từ 3 xã Cao Răm, Hợp Hòa, Trường Sơn. Xã có gần 2.300 hộ, hơn 10 nghìn nhân khẩu, sinh sống tại 17 xóm. Ngoài Công ty Ván sàn Vinh Vân, trên địa bàn xã Cao Sơn có khoảng chục cơ sở sản xuất thường xuyên làm ảnh hưởng đến môi trường như nhà máy gạch, sản xuất thực phẩm công nghiệp đóng gói, trại lợn, cơ sở khai thác đá như mỏ Hồng Hà, mỏ Sơn Tùng…
người-dân-bất-lực-bởi-tình-trạng-ô-nhiễm-môi-trường-do-công-ty-ván-sàn-vinh-vân-gây-ra.jpg
Người dân bất lực bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty Ván sàn Vinh Vân gây ra.
Người dân đã nhiều lần bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh này. Gần đây là vụ ô nhiễm mùi của công ty sản xuất bim bim tại xóm Cột Bài, trước đó là các vụ việc gây ô nhiễm của trại lợn, trại gà công nghiệp. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất thuốc trừ sâu…
 
Với trường hợp xưởng ván sàn Vinh Vân đang hoạt động rầm rộ nhưng đã không tuân thủ đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân cần được xử lý nghiêm, dứt điểm. UBND tỉnh Hòa Bình cần giao cho các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những sai phạm nêu trên để trả lại cuộc sống an toàn và môi trường trong sạch cho người dân.
 
Tạp chí Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
Theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT):
- Thẩm quyền UBND huyện phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi không xây lắp công trình BVMT theo quy định;
- Phạt tiền từ 25 - 30 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký lại kế hoạch BVMT theo quy định.
Xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 1 - 3 tháng đối với trường hợp vi phạm các quy định về lắp đặt thiết bị, công trình BVMT.
Đối với Sở TN&MT: Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi không xây lắp công trình BVMT theo quy định;
Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký lại kế hoạch BVMT theo quy định.
Xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 3 - 6 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định về xây dựng thiết bị, công trình BVMT, hoặc đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 3 - 6 tháng đối với hành vi không đăng ký lại kế hoạch BVMT theo quy định.
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top