Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 7 năm 2018 | 15:15

Nguồn sinh khí mới từ NTM trên quê hương Đông Giang

Về Đông Giang (Đông Hưng), một trong những xã được tỉnh Thái Bình công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017 những ngày này, mới thấy rõ sự đổi thay của vùng quê nghèo xưa.

tr5d.JPG
Con đường nông thôn mới xã Đông Giang.

Xã đã thực sự khởi sắc với nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, mang lại nguồn sinh khí mới cho cuộc sống của người dân nơi đây.


Khởi sắc từ vùng quê nghèo

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Yêm, Bí thư xã Đông Giang, phấn khởi nói: Thực hiện XDNTM là chặng đường đầy khó khăn và cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với vùng quê nghèo thuần nông như Đông Giang. Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, hiệu quả của tỉnh và huyện, Ban chỉ đạo NTM xã đã tập trung tăng cường sự lãnh đạo, đoàn kết thống nhất, tìm ra giải pháp, hướng đi đúng để chỉ đạo, tổ chức  thực hiện XDNTM.

Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là nhân dân trong xã, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Các công trình kết cấu hạ tầng được xây dựng theo quy chuẩn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định; kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng cao. Cuối năm 2016, xã Đông Giang hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Ngay từ năm 2012, xã đã thành công trong công tác dồn điền đổi thửa, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, xây dựng vùng sản xuất luân canh 3-4 vụ/năm. 100% kênh mương và đường giao thông, thủy lợi nội đồng được “cứng hóa”, tạo điều kiện để nhân dân đầu tư phương tiện cơ giới lớn phục vụ sản xuất. Toàn xã có 5 máy gặt đập liên hoàn, 3 máy làm đất cỡ lớn, 7 máy cỡ trung. Vai trò của hợp tác xã được phát huy, thực hiện có hiệu quả từ khâu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, trích quỹ hỗ trợ đầu tư cho sản xuất, cho đến khâu làm cầu nối bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất từ nông nghiệp ước đạt 38,9 tỷ đồng.

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở Đông Giang cũng có bước phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế ở địa phương. Các cơ sở sản xuất, hộ gia đình trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, mở rộng quy mô, du nhập một số nghề mới như: sản xuất đồ gỗ,  may gia công... Tính đến thời điểm này, xã có 9 cơ sở  may nhỏ, 27 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Năm 2017, bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn ước đạt 34,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo  ở mức 4,35 %.

Khơi dậy sức dân

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đông Giang, cho biết thêm: Chương trình XDNTM đã khơi dậy được sức dân, phát huy được quy chế dân chủ cơ sở. Xã được tiếp nhận 3.463 tấn xi măng của tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM đạt 45,8 tỷ đồng; trong đó vốn tỉnh hỗ trợ 4,35 tỷ đồng, ngân sách huyện 1,65 tỷ đồng, ngân sách xã 17,5 tỷ đồng... Các công trình nhóm I được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, hiến đất làm đường giao thông nội đồng (11,2ha); đóng góp tiền mặt xây dựng trục thôn, ngõ xóm, giao thông thủy lợi nội đồng  21,2 tỷ đồng; tổ chức cá nhân tài trợ 1,3 tỷ đồng.

“Chương trình XDNTM đã đáp ứng được mục tiêu: “Sản xuất phát triển - Đời sống sung túc - Diện mạo sạch đẹp - Thôn làng văn minh - Quản lý dân chủ”. Về đích XDNTM mới chỉ là điểm khởi đầu, xã còn nhiều việc phải làm.

Để tiếp tục hoàn thiện, giữ vững và nâng cao các tiêu chí, việc đầu tiên hiện này là trụ sở làm việc của UBND xã xây dựng từ năm 1985, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, một số vị trí kết cấu đã bong tróc, trơ cốt thép, nguy cơ đe dọa mất an toàn xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Xã rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để dự án xây mới trụ sở sớm được triển khai, đảm bảo  thực hiện công tác hành chính cấp xã”, ông Trường tâm sự.

 

 

 

Kiều Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top