Người dân thôn Yên Kiện, xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ - Hà Nội) phản ánh, tại khu vực Đồng Xa, đang tồn tại một nhà máy gạch không đủ hồ sơ pháp lý nhưng vẫn “vô tư” hoạt động bất chấp pháp luật hơn 10 năm nay.
Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Phan Ngọc Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên thừa nhận, nhà máy gạch nằm tại khu vực Đồng Xa tồn tại nhiều năm nay, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn. Khi được đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan, ông Huấn từ chối và đẩy cho ông Tiến với lý do: “Chủ tịch nắm toàn bộ hồ sơ và hiện đang đi học”.
Năng lực quản lý kém hay “bao che”?
Thời gian qua, nhiều người dân sống tại thôn Yên Kiện bày tỏ sự bất bình trước việc chính quyền địa phương có dấu hiệu “bao che” cho việc làm trái với quy định nhà nước của ông Nguyễn Tiến Liêm (chủ cơ sở nhà máy sản xuất gạch). Năm 2003, ông Liêm đã đứng ra kêu gọi một số người khác cùng góp vốn với mục đích “hô biến” hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp tại khu vực Đồng Xa thành nơi đặt nhà máy gạch sản xuất với số lượng lớn, và mọi khâu chuẩn bị cho nhà máy được đi vào hoạt động đều không vướng mắc hoặc động thái ngăn chặn xử lý nào từ phía chính quyền.
Người dân có quyền đặt ra những câu hỏi nghi vấn và phản ánh thực tế đang hiện hữu ở nơi đây. Việc “biến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp làm nơi sản xuất gạch, giao thông xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường khói, bụi, nguồn nước…, trong khi mọi sinh hoạt hằng ngày của bà con nơi đây chủ yếu là nước giếng khơi, khoan và tỷ lệ bị ung thư ở địa phương luôn đứng đầu, liệu đây có phải là nguyên nhân gây ra?… Nhà máy hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm nhưng không bị xử lý, phải chăng đang có sự bao che từ phía cơ quan chức năng!?”, một người dân bức xúc phản ánh.
Theo thông tin từ ông Phan Ngọc Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên cung cấp, nhà máy này xây dựng trên tổng diện tích 40.000m2, hoạt động với công suất 5 triệu viên/năm. Phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ liên quan thì ông Huấn từ chối cung cấp với lý do: “Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên nắm toàn bộ hồ sơ nhưng đang bận đi học…”.
Ông Huấn cho biết thêm: Nhà máy gạch này thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Tiến Liêm, hoạt động từ năm 2003 đến nay. Ban đầu nhà máy sản xuất thủ công, đến năm 2015, theo chỉ đạo chung của TP. Hà Nội, nhà máy chuyển sang công nghệ lò vòng, khu đất đặt nhà máy gạch thuộc đất công chứ không phải đất nông nghiệp, nhà máy này hiện chưa có giấy phép”. Mặc dù khẳng định là đất công (nằm giữa cánh đồng Đồng Xa) nhưng ông Huấn nhiều lần từ chối cung cấp giấy tờ văn bản quản lý.
Nỗi lo làng ung thư!
Do đang là thời kỳ nhu cầu sử dụng tăng cao nên nhà máy gạch hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhiều công nhân làm việc tại đây cho biết, họ không được cấp đầy đủ trang bị an toàn lao động. Nhiều người làm việc tại đây một thời gian ngắn đều có hiện tượng mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp…
Mặc dù nằm giữa cánh đồng, cách khá xa khu dân cư nhưng nhà máy gạch trái phép này lại được kết nối với duy nhất con đường trục chính của xã. Theo ông Huấn, đây là một trong những con đường chính, địa phương cũng từng bê tông hoá nhiều đoạn nhưng do ô tô chạy qua lại nhiều nên xuống cấp.
Chỉ cần vài phút đứng quan sát, phóng viên ghi nhận có hàng chục chiếc xe tải chạy ra vào. Một người dân địa phương cho biết, xe tải chạy qua lại con đường này chủ yếu phục vụ chở nguyên liệu và thành phẩm cho nhà máy gạch… “Những ngày mưa thì đường trơn trượt lầy lội, ngày nắng thì bụi mù mịt, xe chở gạch quá tải khiến con đường này ngày càng xuống cấp. Mỗi khi làm đồng, hít phải khí than khiến chúng tôi tức ngực, khó thở, đầu óc choáng váng khó chịu“, một người dân phàn nàn. Mặc dù người dân đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần tới chính quyền địa phương nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Người dân Đông Phương Yên xưa nay chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp, đời sống kinh tế khá khó khăn. Tuy nhiên, địa phương này lại được xem là vùng tâm điểm bệnh ung thư trong khu vực. Theo ông Phan Ngọc Huấn, xã có nhiều làng ung thư, trong đó nổi tiếng là làng Lũng Vị.
“Lũng Vị hiện có khoảng 50 trường hợp mắc bệnh ung thư. Trong khi làng này chỉ có 390 hộ với 1.800 khẩu. Việc số người mắc ung thư cao như vậy có liên quan đến nguồn nước hay khí thải do nhà máy gạch xả ra thì chưa thể kết luận được”, ông Huấn nói.
Thiết nghĩ, UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ cần vào cuộc làm rõ phản ánh của người dân thôn Yên Kiện, xã Đông Phương Yên và sớm có biện pháp xử lý lò gạch gây ô nhiễm, đảm bảo cuộc sống trong lành cho bà con địa phương và vùng lân cận.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.