Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 4 năm 2021 | 15:12

Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn: Cách làm cần nhân rộng

Việc vải thiều Lục Ngạn được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là bài học cần được các thủ phủ trái cây nghiên cứu, học tập, nhân rộng.

Việc Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã khẳng định: Chất lượng, thương hiệu của trái vải thiều Lục Ngạn, đồng thời mở cơ hội để quả vải “chinh phục” các thị trường mới, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào một thị trường.

Hiện, Bắc Giang đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, sản lượng xuất khẩu.

 

t5.jpg
Việc, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã khẳng định: Chất lượng, thương hiệu của vải thiều Lục Ngạn ở mức cao.

 

Cánh cửa xuất khẩu mở rộng

Nhật Bản được đánh giá là một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới, do vậy, việc nước này cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với Vải thiều Lục Ngạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm xuất khẩu vào nhiều thị trường khác. Đây là tin vui đối với người trồng vải ở Bắc Giang nói riêng, các hộ trồng cây ăn quả cả nước nói chung.

Trước đó, vải thiều đã được bảo hộ tại nhiều nước: Trung Quốc, Mỹ, EU, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia... và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, vải thiều là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ông Dương Văn Tiến (thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) tâm sự: Vải được Nhật bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhà vườn chúng tôi rất vui, tin tưởng vụ vải sẽ được mùa, được giá, tiêu thụ thuận lợi hơn. Hiện, gia đình đang tập trung sản xuất theo đúng quy trình an toàn, đảm bảo quả vải đạt chất lượng tốt nhất.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, việc vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại Nhật là tin vui đối với chính quyền và bà con nông dân. Qua đây cho thấy quả vải thiều đạt được tiêu chuẩn tốt nhất, có thể xuất khẩu đến tất cả các thị trường trên thế giới.

Năm 2020, Bắc Giang có 19 mã vùng trồng vải để xuất sang Nhật, sản lượng xuất khẩu khoảng 200 tấn, giá bán khoảng 500.000 đồng/kg. Năm 2021, Bắc Giang có 30 mã vùng trồng, với diện tích 220ha. Hy vọng năm nay sản lượng xuất khẩu sang Nhật có thể tăng 5-7 lần so với năm 2020.

Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Chợ Lách - Bến Tre), cho biết, việc Nhật cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều là tín hiệu vui, doanh nghiệp rất mừng. Đây là bước khởi đầu khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm để phát triển thương hiệu Made in Vietnam tại Nhật. Qua đây, các cơ quan Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng, các doanh nghiệp cũng tuân thủ để bảo vệ cho thương hiệu của Việt Nam.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, đây là tin rất vui đối với Bắc Giang, vì vải thiều là nông sản đầu tiên của tỉnh được bảo hộ tại Nhật. Đây là cơ hội để chúng ta mở rộng quảng bá, xúc tiến, xuất khẩu. Năm 2021, tỉnh đang tập trung chăm sóc để nâng cao chất lượng, xứng đáng với thương hiệu đã có.

“Ngoài Nhật Bản, vải thiều còn được bảo hộ ở 8 nước. Như vậy, uy tín, thương hiệu đã có, chúng ta phải tiếp tục nâng cao chất lượng để xuất khẩu nhiều hơn sang  Nhật Bản và các nước. Gốc rễ của vấn đề là chăm sóc tốt, chất lượng đảm bảo, để người tiêu dùng trong và ngoài nước không phải thất vọng về chất lượng quả vải”, ông Tùng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, Nhật là thị trường khó tính nên khi họ cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn, chứng tỏ chất lượng, độ tin cậy của quả vải đã được chấp nhận, khả năng quả vải xâm nhập vào Nhật và các nước khác sẽ nhiều hơn.

Sự chủ động của chính quyền

Nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2021,  Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, giữ nguyên diện tích sản xuất theo GlobalGAP ở những diện tích đã được cấp mã vùng, tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, sản xuất vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, coi đây là định hướng cho quả vải những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tiếp tục tìm các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho quả vải và các sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường. Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, các loại thuốc cấm không được sử dụng.

Đồng thời yêu cầu chính quyền huyện Lục Ngạn phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến nhằm phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường xa, khó tính và tiềm năng. Tham mưu với UBND tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm kéo dài thời vụ, nâng cao giá trị kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng giao Giám đốc Sở Công Thương đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ theo hướng kết hợp giữa hình thức trực tuyến và truyền thống, phù hợp với điều kiện, bối cảnh từng giai đoạn cụ thể. Tăng cường công tác xúc tiến theo hướng xã hội hóa, kết hợp giữa nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp, Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều, các doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện.

Bám sát các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực để tham mưu với UBND tỉnh chương trình xúc tiến thương mại cụ thể cho từng thời điểm, từng thị trường, nhóm khách hàng.

Tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng kênh tiêu thụ trong và ngoài nước. Đặc biệt là phát triển thị trường nội địa, tạo sức tiêu thụ ổn định, phấn đấu năm 2021 giữ ở mức tỷ trọng chiếm 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thúc đẩy tăng dần sản lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác.

Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, để chuẩn bị cho công tác tiêu thụ vải, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo để hợp tác với phía Nhật. Hy vọng, tất cả các sản phẩm của Bắc Giang cũng như thu hút đầu tư tại đây sẽ tốt hơn. Tỉnh đang rất tích cực trong phòng chống dịch Covid-19. Ở các huyện hay có người dân ra nước ngoài, tỉnh giao công an quản lý rất chặt lượng người ra vào huyện.

Nhiều giải pháp gỡ khó

Theo ông Nguyễn Thế Thi, diện tích vải năm 2021 của huyện đạt 15.450ha, tỷ lệ ra hoa trên 95%, sản lượng ước đạt 120.000 tấn. Để nâng cao chất lượng, ngay từ đầu năm, huyện thành lập các ban chỉ đạo, có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, để hướng dẫn, giám sát các xã, HTX, tổ HTX, doanh nghiệp, bà con chăm sóc vải thiều đạt đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật làm sao quả vải đạt chất lượng tốt nhất.

 

t5a.jpg
Vải thiều được bán tại siêu thị Nhật.

 

Ông Thi dự báo, mùa vải năm nay sẽ bội thu bởi tỷ lệ ra hoa nhiều, thời tiết thuận lợi. Năm 2021, huyện sẽ tập trung chỉ đạo sớm hơn việc xúc tiến tiêu thụ, đưa ra nhiều phương án có thể xảy ra giúp tiêu thụ được tốt nhất. Huyện cùng với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến thiêu thụ vải thiều trực tuyến như năm 2020, ngoài ra mở rộng thêm điểm cầu ở Nhật Bản và Australia, qua đây quảng bá hình ảnh, hướng tới thị trường cao cấp, khó tính hơn.

Ông Thi chia sẻ, hiện vải xuất sang Nhật Bản phải xông hơi, khử trùng, nhưng máy để xông hơi, khử trùng được phía Nhật đồng ý đạt tiêu chuẩn còn hạn chế. Huyện mong muốn có thêm doanh nghiệp đầu tư vào mua máy móc, tăng số lượng máy để tăng sản lượng vải được xông hơi khử trùng phục vụ xuất khẩu.

“Phía Nhật rất cẩn thận, họ cử chuyên gia sang kiểm tra, giám sát, kiểm tra từng quả, đóng từng hộp nên sản lượng xuất còn hạn chế. Năm 2021, nếu có nhiều chuyên gia Nhật sang hoặc có thể uỷ quyền cho phía Việt Nam kiểm tra, giám sát từ đó tăng sản lượng vải được xuất sang Nhật thì rất tốt”, ông Thi nói.

Bà Ngô Tường Vy cho biết: Vụ vải năm 2021 sẽ khó khăn về cạnh tranh. Tôi sợ các doanh nghiệp Việt Nam hay cạnh tranh lẫn nhau, nhất là về giá. Tôi hy vọng mọi người nên nhìn nhận thị trường Nhật không phải để chúng ta lấy lợi nhuận, mà là thị trường để chúng ta xây dựng thương hiệu. Do vậy, việc đầu tư, tuân thủ các quy định của Nhật Bản tôi quan tâm đầu tiên. Hy vọng các doanh nghiệp khác cũng như vậy.

Theo ông Dương Thanh Tùng, hiện Nhật Bản chưa chính thức uỷ quyền cho Việt Nam trong việc kiểm dịch, kiểm định, tỉnh mong muốn tới đây Bộ Nông nghiệp và PTNT đàm phán sớm xem phía Nhật có uỷ quyền không? Nếu không uỷ quyền thì đề nghị có chuyên gia sang sớm.

 

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, bộc bạch: Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào thị trường Nhật để xuất khẩu sản lượng lớn, tôi không mong muốn điều đó lắm. Tôi muốn người ta nhìn vào Việt Nam xuất khẩu sang Nhật là hình ảnh thương hiệu, làm một cách chuẩn chỉnh, làm sao hình ảnh quả vải tại Nhật Bản phải được thế giới nhìn vào đó để đánh giá nền nông nghiệp Việt Nam. Đó là kỳ vọng của tôi.

 

“Tuy là năm thứ hai xuất khẩu vải thiều sang Nhật nhưng người dân vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm. Năm 2020, chúng ta làm được 1 trà vải muộn, năm nay phấn đấu làm thêm trà vải sớm; năm ngoái mới làm ở huyện Lục Ngạn, năm nay mở rộng ra các huyện khác. Để mở rộng địa bàn, mở rộng trà vải xuất khẩu, người dân ở vùng mới chưa có kinh nghiệm, kể cả ở Lục Ngạn cũng chưa nhiều kinh nghiệm, do vậy, phải tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương để làm sao họ nắm được, cùng làm được, đáp ứng tốt yêu cầu của Nhật Bản”, ông Tùng cho biết.

Nhân rộng mô hình điểm

Câu chuyện đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản chỉ là một trong số các trường hợp thực tế cho thấy việc thiếu nghiên cứu khoa học đã ảnh hưởng tới cơ hội phát triển vải thiều nói riêng và các loại nông sản nói chung như thế nào. “Nhiều người đánh giá nông sản này nông sản kia của Việt Nam ngon hơn, hoặc thậm chí ngon nhất so với các nước xung quanh. Nhưng cái gì là căn cứ cho kết luận này? Nếu không có kết quả nghiên cứu định lượng để chứng minh thì những đánh giá sẽ mãi chỉ là cảm tính”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) nhận xét.

 

t6.jpg
Giờ đây, vải thiều Bắc Giang đã rộng đường sang nhiều nước trên thế giới.

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi cũng nêu ý kiến: “Chúng ta cần nghiên cứu một cách bài bản, từ sự thay đổi các thành phần chất dinh dưỡng theo thời điểm sinh trưởng, thời điểm thu hoạch, các hoạt chất trong quả,... Hiểu rõ bản chất khoa học của cây vải là nền tảng quan trọng để tìm ra phương pháp bảo quản, cách chế biến sâu hoặc những phương thức khác giúp gia tăng giá trị cho vải thiều. Bởi vậy, nếu không đầu tư nghiên cứu căn cơ và có chiều sâu cho cây vải thì “có lẽ chúng ta cứ mãi lúng túng loanh quanh như đèn cù”.

Những gì diễn ra ở Bắc Giang cho thấy, mặc dù có cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ nông nghiệp huyện sâu sát công việc, thì vẫn chưa thể có được giải pháp tối ưu cho cây vải nếu không có nghiên cứu khoa học làm căn cứ. Không có “đường tắt” để minh chứng được giá trị, tính đặc sắc của nông sản, việc khoa học và công nghệ vào cuộc với sự hỗ trợ chuyên sâu về chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ để tìm giải pháp cho cây vải sẽ trở thành “mô hình điểm” cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi đã được định danh khác của Việt Nam học hỏi.

Đó cũng là mong đợi của Cục Sở hữu trí tuệ, nơi đồng hành cùng Bắc Giang trong kế hoạch đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản. “Chúng tôi hy vọng những kinh nghiệm rút ra từ quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn sẽ trở thành bài học để đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản khác của Việt Nam tại Nhật Bản và các quốc gia khác”, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) nói.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Theo bà Vy, vải thiều được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp có vai trò rất lớn. Doanh nghiệp giúp định hướng, phát triển, làm thay đổi mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao giá trị quả vải. Thời gian tới, doanh nghiệp phải tiếp tục quan tâm việc này.

“Không vì cạnh tranh, vì lợi nhuận mà làm giảm đi chất lượng sản phẩm. Thị trường Nhật rất khó tính, mang tầm rất cao, do vậy, không chỉ riêng doanh nghiệp mà kể cả người nông dân cũng phải tuân thủ mọi quy trình mà phía Nhật đưa ra”, bà Vy cho biết.

Theo ông Tùng, để được Nhật cấp bằng bảo hộ, trước hết chất lượng phải đảm bảo và nâng cao. Nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang tập trung rất cao trong việc tập huấn, hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc an toàn, nâng cao chất lượng, mẫu mã đẹp, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…, từ đó được các nước bảo hộ sản phẩm.

Đặc biệt, năm 2020, chúng ta đã xuất vải thiều sang Nhật, được người tiêu dùng tin dùng nên họ có thêm niềm tin cấp bảo hộ cho chúng ta. Đây là cố gắng của nhiều bên, người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cùng vào cuộc. Có thể nói, các sở, ngành, các huyện, doanh nghiệp, đặc biệt là người trồng vải, phối hợp rất nhịp nhàng.

Bà Vy cho biết thêm, trước giờ mọi người không quan tâm nhiều đến vấn đề bảo hộ, nhưng khi sản phẩm xây dựng được thương hiệu thì lại quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, sự quan tâm này không chỉ có riêng Nhà nước mà phải là của cả doanh nghiệp, phát triển ở thị trường nào thì cũng nên quan tâm bảo hộ thương hiệu của mình tại thị trường đó.

Về bài học kinh nghiệm, ông Tùng tâm sự: Thứ nhất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung đủ lớn để chúng ta đầu tư bài bản từ kỹ thuật, khoa học công nghệ đến truyền thông. Thứ hai, làm đồng bộ các khâu, sản xuất tốt, xúc tiến thương mại tốt, ứng dụng khoa học công nghệ tốt, làm chỉ dẫn địa lý tốt. Như vậy, làm đồng bộ các khâu tạo ra chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Thứ ba, sự vào cuộc tích cực của chính người trồng vải. Người dân trực tiếp tham gia sản xuất vải an toàn, đạt chất lượng, chính người dân được thụ hưởng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phương, bài học rút ra là, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của đối tác. Có như vậy, họ mới tin tưởng cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình.

 

Năm 2021, Bắc Giang có khoảng 28 nghìn hecta vải thiều. Trong đó, gần 7 nghìn hecta vải sớm, vải chính vụ hơn 21 nghìn hecta. Tỷ lệ ra hoa trà vải sớm đạt khoảng 90 - 95%; tỷ lệ ra hoa trà vải chính khoảng 85 - 90%. Thời tiết thuận lợi giúp cây vải thiều sinh trưởng, phát triển tốt, người dân đang tập trung các biện pháp chăm sóc để đậu quả đạt tỷ lệ cao.

 


 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top