Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 12 năm 2016 | 1:4

Nhiều chính sách tiếp sức cho người dân làm giàu

Phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM. Trong hành trình này, người dân Hà Tĩnh luôn được “tiếp sức” bằng các cơ chế, chính sách có hiệu quả của tỉnh ban hành.

Những chính sách
 

Ông Phạm Văn Đức ở xã Hương Minh (Vũ Quang) là một trong những người đi đầu tiếp cận chính sách và phát huy hiệu quả chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định 24, 26 của tỉnh cho biết: “Tôi được hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô 500 con/lứa. 4 năm qua, trang trại chăn nuôi tổng hợp của tôi không ngừng được nâng cấp, mở rộng quy mô, phát huy hiệu quả mang lại thu nhập cao cho gia đình, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trong vùng”.

Nhiều nông dân giàu từ kinh tế trang trại nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh

Không chỉ ông Đức mà nhiều nông dân ở Hà Tĩnh đã thực sự đổi đời, trở thành những ông, bà chủ biết áp dụng tiến bộ KHKT trong điều hành quản lý, giao dịch với đối tác trong và ngoài nước. Sản phẩm nhung hươu, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, tôm, cá... đã được quảng bá, giao dịch mua bán online. Người dân không chỉ tổ chức sản xuất độc lập mà đã biết liên kết, hợp tác với nhau tạo thành tổ, hội, HTX, DN.

Trong vòng 5 năm (2011-2016), tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, trao quyền chủ động cho người dân nhằm huy động tối đa các nguồn lực theo khả năng của từng địa phương như: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất theo Quyết định 24, 11, 43, 90, 91,157...; chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh theo Nghị quyết 91; chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Quyết định 26, 23; Nghị quyết 114, chính sách hỗ trợ các xã đạt chuẩn sớm, xã dưới 7 tiêu chí; chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng... Nhiều địa phương đã ban hành chính sách riêng, phù hợp với khả năng, yêu cầu thực hiện Chương trình và ưu tiên ngân sách hàng năm. Tổng nguồn vốn huy động là 70.474 tỷ đồng…

Nếu những năm trước 2010, mỗi năm tỉnh chỉ dành 5-7 tỷ đồng cho chính sách nông nghiệp thì năm 2015, tỷ lệ giải ngân chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp  đạt trên 120 tỷ đồng và năm 2016 Hà Tĩnh tiếp tục dốc toàn lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn với  chủ trương đúng đắn, phương pháp triển khai khoa học, quyết liệt và hợp lòng dân.

Từ cơ chế, chính sách đó đã tạo "cú hích” đột phá phát triển sản xuất, làm tăng trưởng các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, đặc biệt với các sản phẩm có lợi thế lớn của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hình thức tổ chức vừa tập trung, vừa phân tán, đồng nhất về giống, công nghệ sản xuất để đồng nhất về sản phẩm liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh hình thành mới được 11.965 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, 3.106 THT, 1.163 HTX và 1.820 DN. Đồng thời, có thêm 4256,7km đường giao thông nông thôn, 1.450km kênh mương nội đồng được kiên cố hoá; xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn 157 nhà văn hóa và 131 khu thể thao xã; 1207 nhà văn hóa và 991 khu thể thao thôn; nhiều trạm y tế, nhiều trường học được xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn và nâng chuẩn...

Không dừng lại ở những con số ấn tượng, bằng ý chí vượt khó, những vùng đồi núi cằn cỗi, đất bạc màu ở Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn và vùng đất cát hoang hóa trải dài từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh đã được khai phá, xây dựng nên những cánh đồng trù phú, những mô hình sản xuất hiệu quả theo công nghệ cao với 13 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

Từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách

Trong quá trình triển khai Hà Tĩnh luôn nêu cao vai trò dân chủ trong việc góp ý, sửa đổi chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Lấy người nông dân đóng vai trò chủ thể, hoàn thiện hệ thống chính sách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của nông dân.

Thực hiện Kết luận số 27-KL/TU, ngày 12/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ trì phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành lập đoàn công tác, đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM; tổ chức ký quy chế phối hợp giữa khối dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh.

Đến nay, các cấp hội đã tổ chức 65 cuộc họp, hội nghị quán triệt, tham khảo và lấy ý kiến của 6.800 hội viên nông dân, 536 cán bộ thuộc các cấp ngành liên quan và thu thập hàng trăm ý kiến phản hồi về các chính sách.


Thông qua cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, hàng trăm km đường GTNT trên địa bàn Hà Tĩnh đã được xây dựng

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ Phạm Quang Thạnh cho biết: Thời gian qua, các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò rất lớn trong việc khuyến khích phát triển sản xuất, được người dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhiều chính sách ban hành chồng chéo, thiếu thống nhất và chưa đồng bộ, chậm ban hành hướng dẫn đi kèm, thủ tục hành chính của các chính sách còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân khi tiếp cận; một số chính sách có quy mô cao, khó hấp thụ; một số chính sách hỗ trợ nông dân nhưng đối tượng hưởng lợi chính là các doanh nghiệp…

Phản biện việc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn nhiều đại biểu ở các địa phương cũng đề nghị tỉnh tiếp tục có các chính sách hỗ trợ lãi suất để huy động tối đa nguồn vốn cho phát triển sản xuất; tăng số lượng đối tượng được hưởng chính sách; có các chính sách đặc thù đối với những địa bàn đặc biệt, có chính sách riêng đối với từng vùng miền; cần đề cao hơn nữa vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức liên kết sản xuất, đặc biệt khi xảy ra rủi ro…

“Hà Tĩnh đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KT-XH phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Điều đó thật sự có ý nghĩa về nhiều mặt, là chiến lược xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo.Tuy nhiên, qua thực tiễn sản xuất hiện một vài chính sách không còn phù hợp hoặc không phát huy hiệu quả. Vì vậy tỉnh đã có phản biện khách quan, khoa học, độc lập, từ đó sửa đổi, bổ sung kịp thời để có chính sách tốt hơn, đảm bảo đúng pháp luật, phát huy tối đa hiệu quả, phát triển bền vững nhằm giúp nhiều người dân được hưởng lợi làm giàu chính đáng....” Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh khẳng định.

Trà Giang

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top