Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 3 năm 2020 | 8:43

Nhiều dấu hiệu sai phạm tại Chợ đầu mối Hóc Môn

Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn do Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn (14/7A Nguyễn Thị Sóc, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) kinh doanh, quản lý đã để xảy ra nhiều dấu hiệu sai phạm.

Các kiến nghị, phản ánh của bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ suốt nhiều năm qua nhưng không được đơn vị quản lý chợ và các cấp chính quyền của thành phố quan tâm đúng mức khiến dư luận và người dân đặt dấu hỏi phải chăng có lợi ích nhóm ở đây.
 
Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: qdnd.vn

 

Các khiếu nại, khiếu kiện của bà con tiểu thương Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn bắt đầu từ năm 2014, 2015 khi Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn (Công ty chợ) thay đổi quy hoạch khiến phát sinh thêm nhiều ô vựa (nơi kinh doanh) khiến công việc kinh doanh, buôn bán của một số tiểu thương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng hóa ế ẩm buộc phải đổ bỏ, gây thiệt hại nặng nề cho bà con.

Theo ông, T.V.L - một hộ kinh doanh tại chợ cho biết, thời điểm này có 49 tiểu thương làm đơn yêu cầu Công ty chợ dẹp bỏ những ô vựa phát sinh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các hộ kinh doanh, buôn bán. Sau khi có phản ánh, Công ty chợ tổ chức một cuộc họp có sự tham gia dự của ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và ông Tô Văn Liêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn (Công ty mẹ) và ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty chợ vào ngày 20/10/2015.

Tại buổi họp, ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn cho rằng những kiến nghị của bà con là có cơ sở và cần lắng nghe, đồng thời yêu cầu ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty chợ phải giải quyết, thanh lý hợp đồng với các hộ đang kinh doanh ô vựa phát sinh ngoài quy hoạch trước thời hạn.

Ngoài ra, ông Lê Văn Mỵ còn yêu cầu dẹp bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm phía đầu chợ để giải tỏa ách tắc giao thông trong giờ cao điểm; giao Giám đốc chợ có văn bản kiến nghị với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết dứt kiểm các hộ kinh doanh ngoài chợ theo đúng quy định. Thậm chí, ông Mỵ còn mạnh miệng tuyên bố, đối với kiến nghị xử lý cán bộ tiêu cực, Đảng ủy, Ban Giám đốc sẽ tiến hành xác minh, nếu có cơ sở sẽ xử lý trách nhiệm đối với cán bộ sai phạm.

Sau cuộc họp trên tình hình có cải thiện, nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang” bởi tình trạng kinh doanh lộn xộn, bát nháo tiếp tục tái diễn tại khu chợ đầu mối.

Theo tiểu thương Trần M.L khu F cho biết, ban đầu chợ chỉ có 207 ô vựa; tuy nhiên đến nay tại các vị trí được quy hoạch cho bãi đỗ xe, cây xanh, căng tin… đều mọc lên những ki-ốt để kinh doanh buôn bán. Không gian kinh doanh đã ngổn ngang, chật hẹp thì tại chợ xuất hiện cả một đội ngũ xe lôi, hai chiếc xe ô tô bán bún chạy ngược xuôi để kinh doanh di động trong chợ. Sự việc bức xúc lên đến đỉnh điểm khi Công ty chợ cho phép xây dựng và cho thuê kinh doanh 8 ô kiến cố đấu lưng vào 8 ô căng tin vào tháng 4/2019.

“Bên trong chợ đã thế, ngoài chợ cũng không khá hơn, các hộ kinh doanh tràn lan tại các đường bao xung quanh chợ. Việc kinh doanh tấp nập, tràn lan ở lòng lề đường làm cho giao giao lô Quốc lộ 22 và Nguyễn Thị Sóc trở thành điểm đen giao thông vì tình trạng tắc đường, kẹt xe diễn ra liên tục” - chị Trần M.L nói.

Theo các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cho biết, công việc kinh doanh buôn bán đã ế ẩm, hàng hóa hư hỏng phải đổ bỏ đi rất nhiều nhưng hàng tháng họ phải khoản phí “giời ơi, đất hỡi” khiến bà con càng thêm bức xúc.

 Phiếu thu tiền cho thuê mặt bằng trước vựa và phí quản lý tháng của một sạp kinh doanh là gần 5 triệu đồng.

Tiểu thương Đ.T.T.L cho biết, Công ty xuất cho tôi phiếu thu nội dung theo mẫu của Bộ Tài chính hẳn hoi những không hề có ngày tháng gì cả. Lý do nộp tiền là thu tiền cho thuê mặt bằng trước vựa và phí quản lý tháng lên đến gần 5 triệu đồng. “Nguồn cung thì tăng thì tăng chóng mặt, lượng cầu thì vẫn vậy, trăm người bán, một người mua. Ki-ốt xây dựng tràn lan, không theo quy hoạch, ra cả các đường bao thì chúng tôi cạnh tranh với các hộ đó, rất nhiều tiểu giống như tôi đã phải bỏ cuộc” - Đ.T.T.L nói.

Theo các tiểu thương, để tự cứu lấy bản thân và cuộc sống mưu sinh vẫn phải từ kinh doanh buôn bán, kêu với Công ty mẹ và Công ty chợ thì không thấu, họ đã làm đơn gửi nhiều lá đơn phản ánh, kiến nghị đi rất nhiều nơi trong nhiều năm, nhưng kỳ lạ thay, mọi việc vẫn “chìm xuồng” trong im lặng.

Vậy, đối với các khoản thu từ việc cho thuê kinh doanh các ki-ốt nằm ngoài quy hoạch được Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn hạch toán thế nào? Các nguồn thu được hưởng lợi từ việc cho thuê ki-ốt như trên có được nộp vào ngân sách nhà nước không? Việc để phát sinh rất nhiều ki-ốt nằm ngoài quy hoạch nếu phát sinh cháy nổ gây hậu quả nghiêm trong thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Việc xây dựng ki-ốt tràn lan, kinh doanh bát nháo, lộn xộn tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn như hiện nay thì các đơn vị như UBND huyện Hóc Môn, Sở Công Thương TP.HCM biết hay không?

Rõ ràng, mặc dù đã có đơn thư của công dân nhưng tình trạng hoạt động bát nháo diễn ra tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn khiến dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi, liệu có sự “bảo kê”, “chống lưng” cho các dấu hiệu sai phạm ngang nhiên xảy ra, không có biện pháp kịp thời để ngăn chặn. Ngoài ra, có hay không “lợi ích nhóm” trong vụ việc này?

Biên bản tiếp dân của Thanh tra Bộ Công Thương ngày ngày 17/12/2019do Chánh Thanh tra Bộ Lê Việt Long chủ trì.

Ngày 17/12/2019, bà còn tiểu thương Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn đem bức xúc đến Thanh tra Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để phản ánh.

Tại buổi tiếp công dân do Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long chủ trì đã ghi nhận ý kiến của bà con bao gồm:

“- Các tiểu thương đã thuê lại các ô vựa kinh doanh trong chợ với thời gian 50 năm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước;

- Việc đội ngũ xe lôi, xe chở hàng gây mất trật tự, an ninh và mỹ quan chợ;

- Việc mất an toàn phòng cháy, chữa cháy, mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ;

- Việc các xe bán hàng rong, điểm bán tại 2 tiểu đảo;

- Các tiểu thương đã nhiều lần gửi đơn đến Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, Sở Công Thương và các cơ quan nhà nước tại địa phương nhưng chưa được giải quyết.

Ngoài ra, còn xảy ra việc một số đối tượng xã hội được sử dụng để gây sức ép với các hộ kinh doanh tại chợ”.

Trong khi sự việc đang chờ sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương để chỉ đạo, xử lý thì bất ngờ vào ngày 27/02/2020, nhà riêng của chị Trần M.L (một người dân có đơn phản ánh) tại Mỹ Hòa 4, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn bất ngờ bị hai đối tượng bịt mặt chạy xe máy không biển số ném sơn màu đỏ pha với mắm tôm, cà pháp vào cổng, cửa cuốn, bạt che trước sân.

Dù không thiệt hại về người, nhưng chị Trần M.L cho biết, đây là sự việc cho thấy sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng tham gia và đứng đằng sau.

Theo chị L., ngoài việc tham gia khiếu kiện đối với những dấu hiệu vi phạm tại chợ đầu mối Hóc Môn thì chị không hề có hiềm khích hay mẫu thuẫn với ai. Vụ việc sau đó đã được trình báo với cơ quan công an để xác minh, truy tìm nghi can.

Quay trở lại những dấu hiệu sai phạm tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, các bà con tiểu thương đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý, giải quyết, củng cố, lấy lại niềm tin của bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ. Cụ thể:

Một là, dẹp bỏ triệt để, tháo dỡ toàn bộ những ô phát sinh ngoài quy hoạch chợ theo thiết kế ban đầu.

Hai là, đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, kiên quyết rút Giấy phép đăng ký kinh doanh của những hộ kinh doanh tại các ô vựa bất hợp pháp.

Ba là, đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Công an Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ những khoản tiền bất hợp pháp từ việc xây dựng các ô vựa trái phép, lấn chiếm. Đây là những khoản tiền rất lớn, có nguy cơ thất thu cho ngân sách nhà nước;

Bốn là, tiến hành xử lý, kiểm tra các dấu hiệu sai phạm của một số cán bộ, đảng viên đã để xảy ra tình trạng lộn xộn, bát nháo trong hoạt động, kinh doanh tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn.

 

 

Phan Anh Tuấn
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top