Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 9 năm 2020 | 10:50

Nhìn lại 8 năm thực thi Luật Bảo hiểm tiền gửi

Năm 2012 đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khi lần đầu tiên có một văn bản luật điều chỉnh về hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG).

Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.  Đây là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất về BHTG, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động BHTG ở Việt Nam. Sau gần 8 năm thực thi Luật BHTG, hoạt động của BHTGVN có nhiều thay đổi, chứng minh được vai trò trong việc bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và khẳng định vị thế của mình trong hệ thống tài chính quốc gia.

bhtg.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Xác định rõ ràng tôn chỉ hoạt động thông qua Luật BHTG

Mục tiêu hoạt động của BHTGVN đã được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật trước Luật BHTG. Tuy nhiên, từ sau khi có Luật BHTG – khung pháp lý cao nhất cho hoạt động BHTG thì mục tiêu hoạt động của BHTGVN được nêu bật. Luật BHTG xác định rõ vị trí của BHTGVN nhằm tránh chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan khác, xác định rõ cơ quan quản lý và cơ chế quản lý của Nhà nước để hoạt động BHTG đạt hiệu quả cao hơn.

Theo đó, BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Mục tiêu thống nhất của hệ thống BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Trong đó, mục tiêu “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền” là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất và là mục tiêu cốt lõi của chính sách BHTG. Đây là những mục tiêu khái quát, tiến bộ và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Hành lang pháp lý giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của BHTGVN

Luật BHTG quy định BHTG là loại hình bảo hiểm bắt buộc, theo đó trừ ngân hàng chính sách, còn lại tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận tiền gửi của cá nhân đều phải tham gia BHTG. Quy định tại Luật đã bảo đảm quyền và lợi ích cho người gửi tiền, tạo niềm tin cho người dân khi gửi tiền tại TCTD.

Hiện nay, theo thông tin từ BHTGVN, 100% các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi đều chấp hành quy định tại Luật BHTG. Đến tháng 6/2020, số tổ chức tham gia BHTG là 1.282 tổ chức, gồm 95 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 04 tổ chức tài chính vi mô. Thông qua đó, BHTGVN hiện đang bảo vệ cho hơn 70,8 triệu người gửi tiền, tăng 133,29% so với thời điểm mới ban hành Luật.

Nhìn chung các tổ chức tham gia BHTG đã phối hợp tốt với BHTGVN trong việc tính và nộp phí BHTG, xử lý thừa, thiếu, nộp chậm phí BHTG trong kỳ thu phí. Đây là nguồn hình thành chủ yếu của Quỹ dự phòng nghiệp vụ BHTGVN và là nguồn để thực hiện chi trả cho người gửi tiền khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Luật BHTG quy định tương đối đầy đủ về việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm đều được quy định rõ ràng trong Luật. Đơn cử, năm 2013, BHTGVN đã phát huy vai trò của mình khi thực hiện chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho 171 người gửi tiền tại quỹ tín dụng nhân dân Trần Cao, tỉnh Hưng Yên, với tổng số tiền là 4,94 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của BHTGVN được phát huy và mở rộng với nhiều quyền hạn mới thông qua Luật BHTG. Các hoạt động nghiệp vụ khác như cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, giám sát, kiểm tra, thông tin tuyên truyền, tham gia kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Ngân hàng nhà nước… được thực hiện kịp thời, sát sao, có kế hoạch và đạt được nhiều hiệu quả thực tiễn. Từ đó, khẳng định vị thế của BHTGVN trong hệ thống tài chính – ngân hàng, góp phần tăng niềm tin của công chúng, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào hệ thống các TCTD, tạo động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

agri.jpg
Khách hàng gửi tiết kiệm tại Agribank.

 

Hoàn thiện Luật BHTG để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Tuy nhiên, trước xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống tài chính – ngân hàng, Luật BHTG cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành. Qua quá trình triển khai Luật BHTG, còn phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG, để chính sách BHTG thực sự đi vào cuộc sống. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo một hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính hoạt động hiệu quả là một yêu cầu khách quan. BHTGVN cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Vụ, Cục của Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHTG để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu TCTD, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mới theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Dự thảo Đề án Phí BHTG phân biệt; hoàn thiện thủ tục về việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để Thủ tướng Chính phủ ban hành.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top