Có thể nói, sự hình thành và phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã đánh dấu một bước phát triển ngày càng hoàn thiện hơn của thị trường tài chính Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập.
20 năm hoạt động là thời gian chưa dài, song đủ để khẳng định vị trí, vai trò và tác động thúc đẩy đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng, khẳng định và hội tụ sức mạnh của niềm tin: Niềm tin từ các tổ chức tín dụng, từ cá nhân, khách hàng gửi tiền tại các tổ chức tín dụng và niềm tin về sự phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong nền kinh tế hiện đại.
Vai trò của BHTGVN ngày càng được nâng cao
BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1999 với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Luật BHTG năm 2012 trao cho BHTGVN một số quyền hạn cơ bản như cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, tính và thu phí BHTG, thực hiện giám sát, kiểm tra tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia BHTG, quản lý và sử dụng nguồn vốn bảo hiểm, chi trả tiền bảo hiểm, tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với những TCTD yếu kém, tham gia vào quá trình thu hồi nợ và thanh lý tài sản.
Gần đây, vai trò của BHTGVN ngày càng được nâng cao thông qua việc tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Cụ thể, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và quy định tại Thông tư 01/2018/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN được trao thêm một số quyền hạn mới sau:
Thực hiện cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trong thời gian TCTD bị kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức đó nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt hoặc để hỗ trợ phục hồi theo phương án đã được phê duyệt.
BHTGVN được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ dựa trên quyết định của NHNN nhằm tăng cường khả năng tài chính cho TCTD lành mạnh tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt.
BHTGVN tham gia phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Hợp tác xã để đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi của QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét, quyết định.
Những thay đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD về chức năng, nhiệm vụ mới này vừa là cơ hội để BHTGVN thể hiện vai trò, năng lực của tổ chức, đồng thời cũng đặt ra những thách thức. Vì vậy, BHTGVN cần có chiến lược và lộ trình thích hợp để đạt được những yêu cầu cơ bản trên nhằm đáp ứng vai trò, nhiệm vụ mới được giao.
Hội tụ sức mạnh của niềm tin
Từ khi thành lập vào ngày 09/11/1999 tới nay, BHTGVN đã thực sự đồng hành, hỗ trợ các TCTD nói chung và các QTDND nói riêng – đó là nhận định chung của các QTDND cũng như ý kiến từ lãnh đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai, thừa nhận, với sự tham gia tích cực của cơ quan bảo hiểm tiền gửi, đến thời điểm hiện tại về cơ bản các QTDND thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt trên địa bàn Đồng Nai đã được hỗ trợ khá bài bản. “Đội ngũ cán bộ chuyên môn của BHTGVN tham gia Ban kiểm soát đặc biệt tại các QTDND khá chuyên nghiệp và rành rẽ các nghiệp vụ tài chính cũng như pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Việc hỗ trợ thông tin chính sách BHTG cho người gửi tiền tại các QTDND yếu kém đã phần nào tạo ra sự an tâm và lấy lại niềm tin từ người dân vào hoạt động của các QTDND nói riêng cũng như hệ thống TCTD tại địa phương nói chung”, ông Bảo khẳng định.
Ông Bùi Xuân Chỉnh, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận cũng chia sẻ, với nhân lực phụ trách mỏng, nhiều chi nhánh NHNN tại các địa phương gặp khó khăn trong việc thanh tra, giám sát đối với từng đơn vị tín dụng nhỏ lẻ. Vì vậy, việc chủ động phối hợp của BHTGVN trong việc cảnh báo, phát hiện các QTDND có vấn đề và tuyên truyền chính sách BHTG tới người gửi tiền là rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận.
Thực tiễn 20 năm triển khai chính sách BHTG, thông qua các nghiệp vụ của mình, BHTGVN đã tham gia vào tất cả các khâu trong quá trình hoạt động của các TCTD, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và duy trì an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. “BHTGVN đã khẳng định vai trò, vị thế là công cụ hữu hiệu của NHNN trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng đối với hoạt động của hệ thống các TCTD” – bà Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT QTDND Phú Thứ (Kinh Môn, Hải Dương), sự ra đời của BHTGVN có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của hệ thống QTDND nói chung và QTDND Phú Thứ nói riêng. Sự có mặt của BHTG đã đem một làn gió mới đến QTDND Phú Thứ, giúp người dân giảm bớt tâm lý e ngại khi gửi những khoản tiền mồ hôi xương máu của mình vào QTDND vì đã có BHTGVN bảo vệ cũng như sẵn sàng chi trả bảo hiểm nếu có đổ vỡ.
BHTGVN luôn đồng hành cùng các tổ chức tham gia BHTG. Theo đó, ngay từ khi mới thành lập, QTDND đã được BHTGVN cấp Chứng nhận tham gia BHTG với cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Ngoài ra, cán bộ nghiệp vụ của BHTGVN cũng thường xuyên liên hệ với Quỹ để trao đổi thông tin, cập nhật những thay đổi về cơ cấu tổ chức, tình hình hoạt động của Quỹ, hướng dẫn tính và nộp phí BHTG, truyền gửi thông tin báo cáo điện tử, chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ để QTDND ngày càng an toàn, hiệu quả và tạo được niềm tin của người dân địa phương.
Những năm qua, BHTGVN luôn theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với các QTDND. Trong đó, nghiệp vụ giám sát tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng của các Quỹ; việc chấp hành quy định về BHTG cũng như tuân thủ quy định an toàn hoạt động ngân hàng; qua đó cảnh báo rủi ro, sai phạm, yếu kém mà QTDND cần khắc phục; đồng thời kiến nghị NHNN xử lý kịp thời. Đặc biệt, với những QTDND có vấn đề, BHTGVN thực hiện giám sát chuyên sâu để theo dõi diễn biến, nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm, chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.
BHTGVN cũng thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại các QTDND nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, từ đó đề xuất biện pháp xử lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng như phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi BHTG.
Một lãnh đạo của BHTGVN cho biết, trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, BHTGVN đã thực hiện bảo vệ cho khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng tiền gửi tại gần 1.300 TCTD. Để giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD tham gia bảo hiểm tiền gửi, hàng năm BHTGVN thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tại nhiều ngân hàng thương mại và các QTDND, tổ chức tuyên truyền chính sách BHTG tới người gửi tiền. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tập trung cho hoạt động kiểm tra, giám sát các QTDND yếu kém, BHTGVN cũng sẽ tập trung mạnh vào việc truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi đến các tầng lớp nhân dân”.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.