Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 6 năm 2021 | 15:28

Những sai phạm tại xã Kỳ Tây: Tạp chí Kinh tế nông thôn phản ánh đúng!

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hệ, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tây (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) tại buổi làm việc với PV Kinh tế nông thôn chiều 31/5/2021 sau loạt bài Tạp chí phản ánh.

1.jpgKhu vực chợ trời được cơi nới thêm nhiều ki-ốt để cho thuê trái quy định.

 

Làm việc với PV Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Hệ, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tây cho biết: “Chúng tôi thừa nhận những nội dung mà Tạp chí Kinh tế nông thôn phản ánh qua loạt bài vừa qua là hoàn toàn đúng. Đây cũng là bài học sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giám sát của những người làm công tác lãnh đạo chính quyền địa phương xã Kỳ Tây. Với quan điểm cầu thị, sai phải biết sửa nên sau khi đọc các bài báo, chúng tôi đã sơ bộ bàn bạc, thống nhất trong Thường vụ Đảng ủy xã là phải tìm biện pháp khắc phục, xử lý toàn bộ những khuyết điểm xảy ra, tuyệt đối không để tình trạng người dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương. Còn đối với những sai phạm ở chợ Kỳ Tây, quan điểm của chúng tôi là sẽ đánh giá lại các tiêu chí theo quy định và bắt buộc phải trả lại nguyên hiện trạng như thiết kế đã được các cấp phê duyệt ban đầu”.
2.jpg
3.jpgKhu vực nhà để xe đã được BQL cơi nới làm thành nhiều ki-ốt bán cho các tiểu thương nay đã thu lại nhưng rất ngổn ngang.

 

Trở lại câu chuyện “Nhiều sai phạm tại xã Kỳ Tây”. Trước yêu cầu đặt ra của dư luận, nhóm PV tiếp tục về địa phương này để làm rõ hơn câu chuyện. Cái nắng gay gắt như đổ lửa gần 40 độ C nơi đây không thể làm chúng tôi nản lòng. Biết được thông tin cách đây ít ngày nhà thầu đã ra khắc phục những sai sót tại Khu thể thao văn hóa, đây là công trình mong ước rất lớn của người dân toàn xã nhưng với sự thi công gian dối, chưa sử dụng được bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng bởi trong quá trình thi công nhiều hạng mục được thay đổi sai so với thiết kế ban đầu, thậm chí có nhiều sự gian dối trong thi công nhưng vẫn được chủ đầu tư bỏ qua… Sau khi Tạp chí Kinh tế nông thôn phản ánh, nay nghe tin nhà thầu ra khắc phục chúng tôi lấy làm vui mừng nhưng thật trớ trêu khi tận mắt chứng kiến kiểu khắc phục cũng chỉ là… làm cho có, khi cả sân khấu bong tróc, nứt nẻ như vậy nhưng cũng chỉ lấy hồ, vữa trám những chỗ sụt lún quá sâu mà thôi, khắc phục kiểu đối phó như vậy cũng chẳng được bao lâu hạng mục này lại trở lại hư hỏng như ban đầu.
4.jpgSân khấu Khu thể thao văn hóa đã được sửa nhưng cũng chỉ sửa cho có lệ.

 

Còn những sai phạm tại Chợ Kỳ Tây? Mục sở thị lần này đến đúng thời điểm hơn nên chúng tôi đã tác nghiệp khá kỹ. Theo quan sát, động thái mà BQL chợ thực hiện sau khi PV Kinh tế nông thôn phản ánh khu vực nhà xe đã được BQL chợ cho những hộ kinh doanh ở đây di dời đến chỗ khác để lấy lại làm nhà xe nhưng cũng đang ngổn ngang, nhếch nhác. Còn lại hiện trạng của sự cơi nới, xây dựng bừa bãi thêm các ki-ốt lấn chiếm các hạng mục khác như chợ trời, các lối đi trong chợ, khu vực trồng cây xanh… nhằm thu lợi một khoản tiền rất lớn vẫn chưa hề có chút động thái nào gọi là khắc phục để sửa sai.
5.jpg
6.jpgTiểu thương lo lắng việc BQL chợ tự ý cơi nới, xây dựng thêm nhiều ki-ốt để cho thuê như vậy sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quy hoạch và sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống cháy nổ khi gặp sự cố.

 

Cầm bản vẽ sơ đồ chợ trong tay, chúng tôi đếm kỹ những ki-ốt cơi nới và đặt phép tính sơ sơ mới thấy được vì sao BQL chợ dám liều lĩnh bất chấp mọi quy định để làm như vậy? Hóa ra món lợi nhuận mà BQL chợ thu về là quá lớn. Cụ thể: Khu vực nhà xe được phân ra thành 6 ki-ốt cho tiểu thương thuê, tính bình quân mỗi ki-ốt thu từ 40 – 50 triệu đồng cũng đã có gần 300 triệu đồng; khu vực chợ trời và cổng phụ đường liên xã được làm thành 12 ki-ốt, mỗi ki-ốt thu từ 45 – 70 triệu đồng, thu về khoảng 700 triệu đồng; nhà điều hành cho thuê với giá 160 triệu đồng… Chỉ tính sơ sơ phần cơi nới là 18 ki-ốt và cho thuê luôn nhà điều hành, BQL chợ đã thu về trên 1 tỷ đồng.
 
Chưa nói đến khu vực đình chợ BQL cũng cơi nới thêm diện tích phần chợ trời khoảng 30 - 40m2; khu vực đường đi xung quanh đình chợ theo thiết kế đường rộng 4m nay chỉ còn khoảng 3m; hay một số ki-ốt ở khu vực chợ trời cơi nới đường đi chỉ còn rộng hơn 1m tiểu thương không thể bán khi BQL cho tiểu thương khác thuê ngồi phía trước ở khu vực đình chợ buộc tiểu thương thuê ki-ốt phải thuê thêm phía trước để bán với diện tích khoảng 4 – 5m2, nộp 200 ngàn đồng/tháng x 12 tháng x 49 năm = 117,6 triệu đồng/tiểu thương… Đây cũng là một số tiền không nhỏ.
7.jpgKhu vực đường đi xung quanh đình chợ theo thiết kế đường rộng 4m nay chỉ còn khoảng 3m.

 

Ngoài ra, theo thiết kế cổng chính của chợ là phía Nam bên nhánh phụ của đường dân sinh sẽ bảo đảm an toàn giao thông nhưng BQL chợ lại cho mở cửa chính chợ sang phía Bắc, là trục chính của con đường liên xã, rất nguy hiểm cho an toàn giao thông. Hệ thống cây xanh trong chợ hầu như không hề có, hệ thống xử lý rác thải không bảo đảm làm ảnh hưởng đến người dân sống gần khu vực chứa rác thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chưa nói đến, theo quy định, chợ bắt buộc phải có khu ưu tiên trưng bày, bán hàng hóa nông sản sản xuất tại địa phương, có cân đối chứng, thiết bị đo lường đặt ở vị trí thuận lợi để người tiêu dùng tự kiểm tra… nhưng ở đây tất cả đều không có.
 
Như trước đó Kinh tế nông thôn đã thông tin, chợ Kỳ Tây khánh thành và đi vào hoạt động cuối năm 2016, được các cấp đánh giá cao với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc hoàn thành tiêu chí chợ trong chủ trương xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, BQL chợ đã tự ý cơi nới thêm nhiều ki-ốt để cho thuê trái quy định nhưng chính quyền vẫn thờ ơ khiến người dân bức xúc phản ánh.
 
Theo phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh và thiết kế được các cấp phê duyệt, chợ Kỳ Tây có tổng diện tích 1.273 m2, bao gồm các hạng mục: Đình chợ 120 m2; khu vực các mặt hàng kinh doanh, hàng tạp hóa 108 m2; khu vực bán hàng quần áo diện tích 67,5 m2; khu vực bán hàng khô diện tích 54 m2; khu vực chợ trời diện tích 220 m2; nhà vệ sinh, cây xanh, giao thông 125,5 m2; lò đốt rác, khu tập kết rác thải, bể nước 25,6 m2; phòng điều hành của BQL chợ 13,5 m2; nhà để xe 90 m2… Tổng vốn đầu tư hơn 3,7 tỷ đồng. Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Toản Lan là chủ đầu tư, do ông Nguyễn Quốc Toản làm Giám đốc.
8.jpgKhu vực đình chợ BQL cũng cơi nới thêm diện tích phần chợ trời khoảng 30 - 40m2.

 

Ngày chợ Kỳ Tây đi vào hoạt động, BQL chợ đã tổ chức ký kết hợp đồng với tất cả tiểu thương kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, điều khiến các tiểu thương phân vân, lo lắng là so với phương án thiết kế, quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất được các cấp thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt ban đầu thì chợ đã bị thay đổi nhiều so với thiết kế ban đầu nhưng lãnh đạo xã vẫn vô tư làm ngơ như chưa hề có chuyện gì xảy ra, thể hiện sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của BQL chợ và lãnh đạo chính quyền địa phương.
 
Trước sự việc trên, khi tiếp xúc với PV, các tiểu thương đều cho rằng, việc BQL chợ tự ý cơi nới, xây dựng thêm nhiều ki-ốt để cho thuê như vậy sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quy hoạch và không gian của chợ. Bên cạnh đó sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống cháy nổ khi gặp sự cố.
 
Còn ông Nguyễn Hồng Thắng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây, cho rằng, chợ Kỳ Tây được xây dựng và đi vào hoạt động đã được các cấp, các ngành thẩm định, phê duyệt và đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn của tỉnh là 500 triệu đồng. Khi đi vào hoạt động, giá mỗi ki-ốt cho thuê dao động từ 50 - 200 triệu đồng, thời hạn sử dụng 49 năm. Về số ki-ốt được BQL chợ cơi nới thì không có trong quy hoạch, không có trong thiết kế”.
9.jpgHệ thống PCCC hết sức đơn giản, không bảo đảm quy định nhưng thường xuyên khóa kỹ, nếu không may lỡ xảy ra cháy nổ sẽ rất khó xử lý kịp thời…

 

Như vậy, theo nhận định chung thì việc chủ trương xã hội hóa trong việc xây dựng chợ ở nông thôn là một việc làm hết sức đúng đắn. Thế nhưng, việc BQL chợ Kỳ Tây sau khi thực hiện xây dựng chợ đã được các cấp các ngành phê duyệt thiết kế và đã được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn của tỉnh là 500 triệu đồng nhưng nay vì quá hám lợi, BQL chợ đã tự ý cơi nới, điều chỉnh sai với thiết kế ban đầu dẫn đến để tiểu thương lo lắng sự mất an toàn là điều không thể chấp nhận.
 
Hy vọng rằng, với sự quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo UBND tỉnh, UBND huyện Kỳ Anh và lãnh đạo các cơ quan, sở, ngành liên quan cùng với đó là sự cầu thị, biết sai phải sửa, Thường vụ Đảng ủy xã Kỳ Tây cần sớm có giải pháp khắc phục kịp thời để đem lại niềm tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương, đồng thời nhằm giúp tiểu thương sớm ổn định tâm lý trong việc kinh doanh ở chợ này.
 
 
 
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
Top