Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 10 năm 2021 | 23:22

Nỗ lực chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm

Là thông tin được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban đạo 389 Quốc gia chỉ đạo tại cuộc họp tổng kết công tác 9 tháng và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021.

Tại cuộc họp ông Lê Thanh Hải, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt là việc sản xuất, buôn bán sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với đó, lợi dụng dịch bệnh, xuất hiện phương thức mới trong việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm…

Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện.

 

Nhiều sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

 

Đồng thời, móc nối, cấu kết với một số cán bộ, công chức, sỹ quan tha hóa, biến chất để "làm ngơ", "bảo kê" khi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm…

Với nhiều giải pháp đồng bộ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, triệt phá những đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và chỉ đạo, xử lý những vụ việc nổi cộm, phức tạp, được dư luận quan tâm.

Tính đến hết tháng 9/2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 7.519 tỷ đồng; khởi tố 1.615 vụ với 2.148 đối tượng, tăng 90,27% về số vụ và tăng 85,63% về số đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban đạo 389 Quốc gia đánh giá, 9 tháng qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, một số địa phương chưa chỉ đạo sát sao, lực lượng chưa làm tốt quản lý địa bàn, đối tượng. Đặc biệt, thời gian qua có một số vụ việc gian lận, buôn lậu hết sức tinh vi.

 

Nhiều đối tượng lợi dụng lúc dịch diễn biến phức tạp bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, chứng từ.

 

“Một số nơi còn có sự nể nang, bao che, thậm chí có bảo kê của một số người có trách nhiệm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, thời điểm này khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sẽ tăng trở lại, cộng với đó là việc chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nên nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, nhưng kèm theo đó là nguy cơ lớn về buôn lậu, gian lận thương mại.

Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch đấu tranh một cách kịp thời để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Các cơ quan, đơn vị đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý: “Cần hết sức quan tâm đến vấn đề gian lận trên môi trường không gian mạng. Vừa qua, chúng ta đã phát hiện nhiều kho hàng bán online nhưng không kiểm soát được việc truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng hàng hóa. Do đó, cần có các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, kiểm soát, phát hiện vụ việc trên không gian mạng”.

Hải Dương phát hiện cơ sở sang chiết hơn 500 tấn gas ở nhái các hãng

Mới đây, Công an tỉnh Hải Dương kiểm tra, phát hiện nhà kho của Công ty Vận tải Hồng lạc, ở phường Nam Đông, TP Hải Dương do Phạm Văn Quyền thuê để hoạt động sang chiết gas trái phép và sản xuất buôn bán hàng giả.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 5 người đang chiết khí gas từ bồn chứa LPG loại 12 tấn sang các bình gas loại 12kg của các hãng khác nhau rồi đóng niêm màng co giả nhằm mang đi tiêu thụ. Phát hiện 202 bình đã được bơm đầy ga cùng 1.029 chiếc niêm màng co của các hãng và 233 tem chống hàng giả.

 

 Tang vật và hiện trường sang chiết gas trái phép vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương triệt phá.

 

Lực lượng tiến hành thu giữ các đồ vật liên quan đến quá trình sang chiết gas từ bình to sang bình bé gồm: 1 bình chứa gas (tec) bằng kim loại, 1 máy nén khí, 4 máy bơm ga hình hộp chữ nhật, 1 máy bơm ga bằng kim loại… 

Tiến hành kiểm tra nhà của ông Phạm Văn Quyền, lực lượng chức năng thu giữ thêm hơn 30.000 niêm màng co các loại, 2450 tem các hãng và một số sổ sách liên quan đến mua bán ga.

Khai báo với cơ quan công an, ông Quyền cho biết, thành lập Công ty Năng lượng xanh toàn cầu, có trụ sở tại số 9F Duy Tân, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương để kinh doanh. Năm 2018, Quyền thuê kho của Công ty Vận tải Hồng Lạc để làm xưởng sản xuất gas và mua ô tô cùng các thiết bị máy móc hoạt động sang chiết gas bán thu lợi nhuận.

Từ cuối tháng 6/2021 đến nay, ông Quyền đã nhập và bán cho các đại lý trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận được khoảng trên 40.000 bình gas các loại từ 12kg đến 48kg, tương đương với hơn 500 tấn gas.

Đây là cơ sở hoạt động không có giấy phép, không đảm bảo các điều kiện an toàn, lại đặt trong khu vực có nhiều công ty, xưởng sản xuất nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Công an tỉnh Hải Dương đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nam thu giữ hàng nghìn hộp sản phẩm thực phẩm chức năng giả

Thông tin từ Công an tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị này đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với Vũ Thị Thu (SN 1991, trú tại Tiểu khu La Mát, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 192 Bộ luật Hình sự.

 

 Cơ quan An ninh điều tra tống đạt và thi hành Lệnh khám xét chỗ ở đối với Vũ Thị Thu.

 

Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2021 Vũ Thị Thu đã mua sản phẩm dạng viên trên thị trường mang về đóng hộp. Đối tượng cũng đặt in tem nhãn có ghi nhiều thảo dược không đúng với thành phần của sản phẩm để quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội cho những khách hàng có nhu cầu.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 1.796 hộp sản phẩm mang các nhãn hiệu Hồng Sâm cao cấp, Cà gai leo, Trinh nữ hoàng cung,…

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) các sản phẩm đã thu giữ của Vũ Thị Thu gồm: Viên kẹo mầm Collagen Hồng Sâm cao cấp; Viên kẹo nghệ sữa ong chúa dầu dừa Collagen - thực phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; Viên cà gai leo Mật Nhân 9X VIP; Viên ngũ cốc dinh dưỡng 29X - bổ sung dưỡng chất cần thiết giúp tăng sức đề kháng giảm stress; Viên trinh nữ hoàng cung xạ đen nano curcumin - hỗ trợ điều trị u nang buồng trứng, u sơ tử cung ở nữ và u sơ lành tính tiền liệt tuyến ở nam đều là hàng giả. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định.

Kit xét nghiệm Covid-19 bằng mẫu nước bọt rao bán tràn lan trên mạng

Gần đây, nắm bắt được tâm lý nhiều người e ngại lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 qua dịch tỵ hầu (ở họng, mũi), nên trên nhiều trang mạng xã hội, hội nhóm kinh doanh online đang quảng cáo, rao bán về các bộ kit xét nghiệm Covid-19 bằng mẫu nước bọt.

Các hội nhóm "Bộ kit test nhanh COVID", "Test nhanh COVID-19 bằng nước bọt-Ship tận nhà",… được rất nhiều thành viên rao bán các bộ kit xét nghiệm Covid-19 bằng nước bọt. Các loại kit test nhanh này được quảng cáo nhập khẩu trực tiếp từ một số nước như: Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc... Kèm theo đó là lời khẳng định "sản phẩm đã được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt".

 

 Rao bán tràn lan kit xét nghiệm COVID-19 bằng mẫu nước bọt trên mạng xã hội.

 

Một số người bán quảng cáo các bộ kit có độ nhạy lâm sàng 94,3%; độ đặc hiệu lên đến 99,00%; độ chính xác 98,50%. Giá bán cụ thể bộ kit xét nghiệm nhanh bằng nước bọt PCL Covid-19 của Đức khoảng 170.000 đồng/kit. PCL của Hàn Quốc, Realy Tech của Trung Quốc có mức giá thấp hơn.

Theo hướng dẫn, người test nên thực hiện vào sáng sớm, thời điểm này hiệu quả cao hơn. Người test không được đánh răng hay ăn bất cứ gì trước khi test. Chỉ súc miệng sơ qua bằng nước và lấy một lượng nước bọt ngay cuống họng để test. Nếu 1 vạch ngay chữ C là âm tính. 2 vạch ở chữ C và T là dương tính.

Tuy nhiện, thông tin từ Bộ Y tế, đến nay chưa có sản phẩm test nhanh bằng mẫu nước bọt được cấp phép, mặc dù thị trường có quảng cáo và một số quốc gia lân cận có sử dụng hình thức xét nghiệm này.

Như vậy, các loại kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt vẫn chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường đặc biệt là trên mạng xã hội bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành, có thể cho kết quả không chính xác.

Ninh Thuận bắt gần 5.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Ninh Thuận tổ chức bắt quả tang Hồ Lê Trường, ở An Xuân 2, Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận điều khiển xe ô tô tải đang giao dịch mua bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu cho Đường Thị Như Mai, là chủ tạp hóa Mai Phương ở An Xuân 1, Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận. Khi kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng đang giao dịch mua bán 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu hiệu Jet.

 

 

Mở rộng quá trình kiểm tra, Phòng PC03 kiểm tra tạp hóa Mai Phương phát hiện bên trong tạp hóa có cất giấu 1.220 bao thuốc lá hiệu Jet, 160 bao thuốc lá hiệu 555, toàn bộ số thuốc lá này do Mai mua về để bán kiếm lời. Tiếp tục kiểm tra xe tải phát hiện trên xe có chứa 1.500 bao thuốc lá hiệu Jet, 500 bao thuốc lá hiệu Hero.

Tổng số lượng thuốc lá bị bắt giữ 4.880 bao. Toàn bộ số thuốc lá này do Trường mua từ các đối tượng ở Đông Hà - Quảng Trị về bán cho các đối tượng tiêu thụ ở Ninh Thuận, Lâm Đồng để kiếm lời.

Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top