Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 1 năm 2018 | 5:3

Nỗ lực giảm nghèo trên quê hương Đại tướng

Nhờ tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo và huy động nguồn lực trong nhân dân; đồng thời phối, kết hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo của Chính phủ và đẩy mạnh thực hiện các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2017, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) chỉ còn 47 hộ nghèo, chiếm 3,79%.

Mô hình nuôi gà thả vườn ở xã Lộc Thủy.

Lộc Thủy là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Lệ Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới  cuối năm 2014, vượt trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Những năm qua, đặc biệt là trong năm 2017, mặc dù gặp không ít khó khăn do các yếu tố khách quan đem lại, nhất là hậu quả nặng nề do các đợt lũ lụt và cơn bão số 10 gây ra, song mảnh đất nơi sản sinh ra người con huyền thoại của dân tộc, vị tướng của nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vẫn không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, đặc biệt là các tiêu chí về việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Sau 3 năm được công nhận đạt chuẩn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc Thủy vẫn tập trung nâng chuẩn đối với các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường, chợ nông thôn… Cùng với đó, nâng chuẩn các tiêu chí về tổ chức sản xuất; thực hiện việc giữ chuẩn đối với tiêu chí 18 về hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, tiêu chí thứ 19 về quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội. Hiện, cơ sở hạ tầng như trạm y tế, trường lớp học, nhà văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền… được đầu tư xây dựng khang trang; xã có 2 thôn thì cả 2 đều duy trì và phát huy được nghề truyền thống là rượu Tuy Lộc và chiếu cói An Xá, giải quyết việc làm thường xuyên cho phần lớn lao động tại địa phương.

Điều đáng ghi nhận là, trong năm qua, Lộc Thủy đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác giảm nghèo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững. Với những nỗ lực này,  năm 2017, xã có thu nhập bình quân  trên 35 triệu đồng/người, chỉ còn 47 hộ nghèo theo chuẩn mới (3,79%).

Có được kết quả như trên là nhờ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân trong xã; bên cạnh đó, là sự phối hợp của các đoàn thể như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… đã tổ chức, động viên đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện và giám sát có hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trong năm 2017, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân, Hội Làm vườn xã Lộc Thủy chú trọng triển khai sâu rộng và thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Để phong trào đi vào chiều sâu, các chi hội ở xã Lộc Thủy đã chủ động phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại; động viên hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với nông dân, tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất... Qua phong trào, đã có nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, với mức thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên…

Tin rằng, bước vào năm 2018, với những kinh nghiệm và thành quả trong công tác giảm nghèo đạt được, xã Lộc Thủy sẽ nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới mức 2,8% như chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra, góp phần giữ vững và phát huy những thành quả nông thôn mới, thực hiện thành công di nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời khi Người về thăm quê.

Nguyễn Trung Hiểu

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top