Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 2 năm 2016 | 2:5

Nông dân Vũ Quang làm giàu từ cây cam

Với lợi thế về tiềm năng đất đai, những năm qua, huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã nỗ lực xây dựng hàng trăm mô hình trồng cam cho thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho quê hương và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Vào một ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp đến công tác tại huyện Vũ Quang, vừa đi ông Phạm Quốc Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện vừa trao đổi những chuyện “lạ” trong phát triển kinh tế của địa phương, trong đó ấn tượng nhất là câu chuyện về nông dân làm giàu từ cây cam với bí quyết “mắc màn” cho cam.

Gia đình ông Trần Văn Thiệu, thôn Quang Thành, xã Đức Lĩnh có cuộc sống ổn định nhờ trồng cam.

Xe dừng lại trước nhà ông Trần Văn Thiệu (thôn Quang Thành, xã Đức Lĩnh). Hiện ra trước mắt tôi là đồi cam ngút mắt, màu vàng của quả cam xen giữa màu xanh của lá tạo thành bức tranh sinh động và no ấm. Theo tính toán của ông Thiệu,  chi phí “mắc màn” hết khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha và tuổi thọ của lưới khoảng 5-6 năm. Nhờ “mắc màn” cho cam nên cây ít bị bệnh, không bị các loại sâu bệnh phá hoại, không tốn kinh phí cho các loại hóa chất phòng trừ, đặc biệt, sản xuất được sản phẩm sạch.

Theo chân ông Thiệu ra vườn, ngắm những cành cam trĩu quả, quả nào quả nấy đều mọng nước, trông rất đẹp mắt. Ông Thiện cho biết: “Cam rất hợp với đất đồi nơi đây, quả vừa thơm vừa ngọt cộng với thương hiệu cam sạch nên cách Tết Nguyên đán Bính Thân 2 tuần, toàn bộ diện tích hơn 3ha cam của ông đã được thương lái đặt mua với giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 5.000 - 7.000 đồng/kg”.

Ông Thanh cho biết, trồng cam vốn đầu tư ban đầu ít, nhưng để có hiệu quả kinh tế cao, huyện chỉ đạo, hướng dẫn người dân mua lưới để bảo vệ quả nhằm xây dựng thương hiệu cam sạch, các địa phương đang tuyên truyền người dân từng bước “mắc màn” phủ kín diện tích cam.

Đến nhà ông Lê Khánh Toàn ở xóm Cừa Lĩnh có 2ha cam đang cho thu hoạch, chúng tôi gặp thương lái đến đặt mua cam. Ông Toàn đã dùng bóng điện chăng khắp vườn để dẫn dụ các loài sâu bọ, côn trùng... thiên địch vào ban đêm. Năm ngoái, giá cam đạt 30.000 đồng/kg, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng, năm nay giá cao gần gấp rưỡi, ông sẽ dành một phần tiền bán cam để mua lưới trùm toàn bộ diện tích cam, nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh Nguyễn Xuân Tịnh: Nhờ chính sách của huyện hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng trong 4 năm qua, Đức Lĩnh đã phát triển được hàng trăm hecta cam; nhất là trong năm 2015, trồng mới được gần 100ha. Đến nay, toàn xã đã có gần 200 hộ nông dân đạt thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/hộ/năm nhờ trồng cam, chanh; cá biệt gia đình anh Trần Quốc Việt ở xóm Tân Hưng, ngoài việc thu hoạch từ 8-10 tấn cam/năm, còn tranh thủ được 200 triệu đồng tiền hỗ trợ cây giống của huyện trồng mới 7,5ha, khoảng 2 năm nữa anh Việt sẽ trở thành tỷ phú cam. Điều đáng mừng, nhiều gia đình ở đây đã ý thức được việc tạo dựng thương hiệu cam sạch bệnh bằng các giải pháp như “mắc màn”, thắp bóng điện hay dùng múi cam có chế phẩm thảo dược làm “bẫy” để nhử các loài côn trùng gây hại...

Rời Đức Lĩnh, chúng tôi đến vùng đồi Đức Bồng, Sơn Thọ..., đâu đâu cũng thấy người dân vui mừng vì cam trúng mùa, được giá. Từng đoàn xe máy thồ những thùng cam vàng chạy từ các trang trại ra đường Hồ Chí Minh.

Trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Trần Nhật Hùng (xóm 1, xã Sơn Thọ) bộc bạch: “Cây cam đã làm cho cuộc sống gia đình tôi đổi thay hoàn toàn”. Từ hai bàn tay trắng, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây cam nên vợ chồng anh Hùng đã gây dựng được đồi cam hơn 2ha; bình quân mỗi vụ thu gần 200 triệu đồng. “Vụ cam năm nay tiếp tục được mùa. Tính đến nay, chỉ riêng cam chanh, cam đường, gia đình đã bán được gần 100 triệu đồng. Cam Bù trồng nhiều nhất, giá bán cao được thu hoạch vào dịp Tết”, anh Hùng vui vẻ cho biết.

Để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, ngoài chính sách của tỉnh, mỗi năm huyện Vũ Quang trích ngân sách 2,5-3 tỷ đồng hỗ trợ tiền cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ trồng cam. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 1.600ha cây ăn quả, chủ yếu là cam các loại. Hộ trồng ít thì vài ba sào, nhiều thì 4 - 5ha cam. Lợi nhuận trung bình của các hộ trồng cam đạt từ 50 - 70 triệu đồng/năm; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Với đà này, trong vài năm tới, Vũ Quang sẽ trồng được 3.000ha cây cam theo quy hoạch. “Quan trọng nhất lúc này là xây dựng thương hiệu cam sạch Vũ Quang”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ngô Thắng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top