Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều thôn, bon ở Đắk Nông đã chuyển mình, thay đổi.
Năm 2022 và những năm tiếp theo hứa hẹn diện mạo nông thôn của tỉnh sẽ tiếp tục “thay da đổi thịt”.
Sức bật từ xây dựng NTM
Huyện Đắk R’lấp đang dẫn đầu tỉnh Đắk Nông về kết quả xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện có 8/10 xã về đích NTM. Từ năm 2011 đến năm 2017, xã Nghĩa Thắng đã hoàn thành chặng đường xây dựng NTM, hiện đang xây dựng NTM nâng cao.
Những năm qua, cùng với việc lập và triển khai quy hoạch NTM, Nghĩa Thắng đã xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể với những phương án rõ ràng về huy động nguồn lực trong nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Xã đã tranh thủ tối đa nguồn vốn ngân sách cấp trên, vốn các chương trình, dự án và vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để lồng ghép, nâng cao hiệu quả đầu tư. Xã thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra và Dân hưởng lợi”.
Mặt khác, việc bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thu - chi, nghiệm thu, thanh, quyết toán các công trình đã nhận được sự đồng thuận trong nhân dân. Vì thế, các tuyến đường được hoàn thành phần lớn nhờ nhân dân tự nguyện hiến đất đai mà không phải đền bù, hỗ trợ. Đến nay, xã có 19,5/19,5km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tỷ lệ đường trục thôn được cứng hóa trên 70%. Hơn 90% đường ngõ xóm sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa. Bên cạnh đó, Nghĩa Thắng còn lồng ghép xây dựng khu vui chơi giải trí và hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của xã với tổng số vốn 4,7 tỷ đồng. Hiện nay, 10/10 thôn, bon có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn.
Một trong những dấu ấn nữa là việc địa phương đã xây dựng được chợ xã Nghĩa Thắng với tổng diện tích hơn 3.100m2. Chợ hoàn thành đã đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, dịch vụ của nhân dân trong xã và một số địa phương lân cận. Thu nhập bình quân của xã đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 95%...
Thời điểm này, đã có 4 xã của huyện Đắk Song về đích NTM; 4 xã còn lại cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật, gần cán “đích”.
Xã Nâm N’Jang là địa phương đầu tiên của huyện Đắk Song về đích NTM năm 2018. Hiện nay, các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, giao thông nội đồng… ở Nâm N’Jang đã được bê tông hóa, trải nhựa.
Các công trình trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư nâng cấp, xây dựng khang trang, hiện đại. Đời sống người dân xã Nâm N’Jang ngày càng được cải thiện. Dù ở nông thôn, nhưng trên địa bàn xã có nhiều nhà lầu, nhà mái Thái được người dân xây dựng.
Ông Trịnh Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, cho biết, vài năm trở lại đây, xã đã khoác lên mình tấm “áo mới” tươi đẹp... Để đạt được kết quả này, lãnh đạo xã Nâm N’Jang luôn đồng hành cùng nhân dân, phối hợp với các cấp, các ngành chức năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.
Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ lực của Nâm N’Jang, nhưng hiện nay đã có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giữa 4 nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%.
Giao thông nông thôn trên địa bàn từng bước được kiên cố hóa khá đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường từ trung tâm xã đến đường huyện đạt 100%. Tỷ lệ đường trục thôn, bon và đường liên thôn được cứng hóa đạt hơn 80%.
Xây dựng nông thôn thành miền quê đáng sống
Chia sẻ về công tác xây dựng NTM trên địa bàn, ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Nông, cho biết, thực hiện chương trình, người dân là chủ thể được hưởng lợi. Do đó, khi tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã phân tích rõ để bà con hiểu được ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM và những việc cần làm.
Vì vậy, thời gian qua, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng rất nhiệt tình, người thì đóng góp tiền của, người thì hiến đất, đóng góp ngày công... “Thắng lợi trong xây dựng NTM ở các địa phương không chỉ là sự ghi nhận của các cấp, các ngành về sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền mà trên hết là thắng lợi của lòng dân”, ông Sinh khẳng định.
Năm 2022, Nghị quyết Tỉnh ủy Đắk Nông đề ra 13 chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 52,86 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 17.000 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên.Trồng mới rừng tập trung trong năm 1.000ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,5%. Về xây dựng nông thôn mới: Tăng thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt 16,5 tiêu chí trở lên; Tăng thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. |
Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, Đắk Nông có 29/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh đã có 41/60 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (đạt 68,3%); 54/60 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi (90%); 52/60 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (86,7%); 40/60 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học (66,7%); 46/60 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa (76,7%); 55/60 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (91,7%)...
Theo ông Phan Văn Sinh, trong chặng đường tới, cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện xây dựng NTM, xây dựng những miền quê đáng sống.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.