Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 5 năm 2022 | 21:21

Nóng tình trạng thuốc lá lậu ở ĐBSCL

Trước đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu ở ĐBSCL thường tập trung vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Gần đây, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trở lại trạng thái “bình thường mới” cũng là lúc buôn lậu thuốc lá lại nóng lên.

Nóng chuyện thuốc lá lậu

Những tháng đầu năm 2022, Đồn Biên phòng Cầu Muống, BĐBP Đồng Tháp và các lực lượng chức năng trên địa bàn liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới với số lượng lớn. Hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp, tinh vi.

Các đối tượng thường tổ chức cho người canh đường, cảnh giới và luôn thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với lực lượng chức năng, hàng hóa tập kết sát biên giới, khi có thời cơ thuận lợi thì dùng phương tiện vỏ lãi, xuồng máy hoặc thuê người đai vác để vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới và nhanh chóng đưa lên các phương tiện vận chuyển đang chờ sẵn để đưa vào nội địa. Chúng thường trao đổi, sử dụng các thiết bị công nghệ di động để giao dịch, thống nhất thời gian, địa điểm tập kết hàng, thông tin cho nhau về đặc điểm, ám hiệu nhận biết “đối tác” để lấy hàng.

 

 Số thuốc lá ngoại nhập lậu bị Đồn Biên phòng Cầu Muống thu giữ (Ảnh Hoàng Cường).

 

Hơn nữa, các đối tượng đầu nậu, cầm đầu tổ chức không trực tiếp thực hiện mà thuê người chủ yếu là những thanh niên trẻ, không có việc làm ổn định, trình độ hiểu biết còn hạn chế để đai vác hàng lậu. Thậm chí để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng tìm cách “lách” qua kẽ hở của pháp luật như chỉ vận chuyển hàng hóa số lượng thấp so với quy định để tránh bị truy tố hình sự hoặc tẩu tán tang vật trước khi bị bắt giữ để được hưởng khung phạt “cảnh cáo”, hay tập hợp thuốc tại điểm vắng người, để chối bỏ vai trò chủ hàng khi bị bắt giữ...

Mới đây, vào khoảng 11h ngày 4/5, Đồn Biên phòng Cầu Muống, Bộ đội biên phòng Đồng Tháp phối hợp cùng Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Công an Tỉnh Đồng Tháp và các lực lượng chức năng phát hiện 1 xuồng máy đang di chuyển có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Sau khi phát hiện, Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng chức năng, đối tượng trên xuồng đã bỏ lại phương tiện nhảy xuống sông tẩu thoát. Qua kiểm tra phương tiện, tổ công tác phát hiện 4.250 gói thuốc lá ngoại các loại nhãn hiệu Jet, Hero.

Trước đó, lúc 2h sáng cùng ngày, Đồn Biên phòng Cầu Muống phối hợp cùng Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng Đồng Tháp trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực ấp 1, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cũng đã phát hiện 3.000 gói thuốc lá ngoại vô chủ được tập kết bên bờ sông Sở Thượng. Ngay sau đó, số thuốc lá trên được thu giữ để xử lý theo quy định.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, Đồn Biên phòng Cầu Muống đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý 80 vụ/16 đối tượng mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Tang vật thu giữ gồm: 65.900 gói thuốc lá ngoại, 3.400kg đường, 4 xe gắn máy, 3 vỏ lãi, 3 máy xăng. Ước tính giá trị hàng hóa thu giữ khoảng 1 tỷ đồng.

Thiếu tá Thân Văn Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Muống cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài gần 12km, trong đó có 9km biên giới đường sông, với hơn 5.000 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế. Nhiều năm qua, mặc dù đơn vị cùng chính quyền địa phương đã chủ động thực hiện triển khai công tác tuyên truyền, tạo chính sách việc làm, hỗ trợ người dân tham gia các mô hình kinh tế sản xuất mới để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, do lợi nhuận lớn từ hoạt động vận chuyển thuốc lá lậu, nên tình trạng này vẫn diễn ra nhỏ lẻ, gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

 

 Lực lượng liên ngành tỉnh An Giang phát hiện, kiểm tra số thuốc lá lậu tạm giữ.

 

Mới đây nhất, chiều 7/5, lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang cho biết, đã bàn giao tang vật 4.000 bao thuốc lá nhập lậu mới bắt giữ tại khu vực biên giới cho Công an TP. Châu Đốc điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Trước đó, khoảng 2 giờ sáng cùng ngày, trong khi mật phục tại khu vực kênh Thốt Nốt (phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc), lực lượng chức năng phát hiện một nhóm đối tượng đang đai vác các bọc ni lông màu đen từ hướng biên giới Campuchia về bờ kênh Vĩnh Tế, nghi vấn là hàng nhập lậu.

Khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, các đối tượng chạy thoát thân theo nhiều hướng. Kiểm tra xung quanh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều bọc ni lông màu đen mà các đối tượng bỏ lại, bên trong có chứa tổng cộng 4.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại.

Cần xác định, xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu

Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm các đơn vị chức năng bắt giữ trên 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu, chủ yếu tập trung ở khu vực biên giới Tây Nam. Năm 2021, tình hình buôn lậu giảm đáng kể do kiểm soát chặt biên giới để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, khi vừa mở cửa thì thuốc lá điếu lại ào ào tấn công vào nội địa. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, các đơn vị phòng chống buôn lậu đã bắt và thu giữ trên 3 triệu gói thuốc lá lậu, chủ yếu là thuốc Jet, Hero, nếu cứ như vậy thì mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước và ngân sách Nhà nước thất thu ít nhất từ 5.000 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Văn Dũng, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tình trạng buôn lậu thuốc lá luôn tồn tại và có chiều hướng gia tăng là do nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân trong nước. Lợi nhuận thu được từ  một bao thuốc lá Jet, Hero nhập lậu khoảng 7.000 - 8.000 đồng (cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc), lại dễ vận chuyển nên đầu nậu thường chọn loại hình buôn lậu này. Đặc biệt, trong thời gian qua, lực lượng chống buôn lậu còn phát hiện và bắt giữ hàng chục ngàn bao thuốc lá nhãn hiệu 555, Caravel giả từ nước ngoài, nhưng được dán tem và nhãn mác của các đơn vị sản xuất trong nước rồi tuồn vào nội địa…

 

 Tổ công tác đưa tang vật, phương tiện về Đồn biên phòng Cầu Muống, Đồng Tháp. (Ảnh Hoàng Cường).

 

Tại tỉnh Long An, chỉ tính riêng năm 2021, các đơn vị phòng chống buôn lậu đã bắt giữ trên 1.300 vụ buôn lậu, thu giữ trên hai triệu bao thuốc lá các loại, xử lý trách nhiệm hình sự trên 100 đối tượng. Tuy nhiên, trong tất cả các vụ này, chủ hàng (đầu nậu) không trực tiếp vận chuyển, mà nằm ở bên kia biên giới chỉ đạo qua điện thoại rồi thuê nhiều tầng nấc thực hiện tất cả các công đoạn.

Nhiều vụ bắt với số lượng hàng ngàn bao, nhưng hầu hết là vắng chủ, hoặc có bắt được “nài” thì họ sẵn sàng chống trả rồi quăng cả xe lẫn hàng tìm cách chạy thoát sang bên kia biên giới. Đối với những trường hợp này không thể dùng biện pháp mạnh được bởi luật quy định rõ ràng nên chỉ có thể dùng số đông giữ được ai thì giữ…

Theo các chuyên gia kinh tế, để chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả cần tăng cường công tác phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng phòng chống buôn lậu. Làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, xác định đối tượng cầm đầu nhằm xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá.

 

 Cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, chặn bắt thuốc lá lậu, cần phải tiếp tục đẩy mạnh phối hợp  tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được thuốc lá lậu gây hại hơn nhiều so với thuốc lá được sản xuất trong nước vì có cảnh báo, dán nhãn mác, tem đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các lực lượng phòng chống thuốc lá lậu không chỉ trong nước mà cả với các nước có chung đường biên giới.

Xử lý nghiêm những trường hợp buôn lậu thuốc lá, nhưng cũng phải xử lý nghiêm những người có hành vi chống đối, đồng thời cũng phải giao đủ thẩm quyền và phương tiện, công cụ hỗ trợ cho những người thi hành công vụ; giải quyết công ăn việc làm nhằm tăng thu nhập cho người dân biên giới và khi họ cải thiện được đời sống thì chắc chắn sẽ không đi buôn lậu vì sợ mất việc làm. Ngoài những biện pháp trên, cũng cần phải tăng nặng các biện pháp chế tài để mang tính răn đe cao.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top