Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2022 | 9:36

Nuôi lợn đen theo mô hình “3 không” mang lại hiệu quả cao, bền vững

Việc liên kết, nuôi lợn đen giống bản địa theo mô hình “3 không” (không sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn; không sử dụng chất KS, chất tạo nạc; không gây ô nhiễm môi trường) bước đầu mang lại kinh tế cao, bền vững cho người chăn nuôi ở Tuyên Quang.

Đảm bảo môi trường

Đầu năm 2021, ông Bùi Huy Cường (tổ 10, phường Tân Hà, TP. Tuyên Quang) liên kết xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hữu cơ tại thôn Chanh 2, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Ban đầu, các hộ dân ở đây lo lắng sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi lợn gây ra.

 

z3615973857774_63cbb4aff2a41040851e0dc4e19c07ee.jpg
Mặc dù trang trại nuôi gần 400 con lợn, không có hệ thống xử lý chất thải nhưng lại không có mùi hôi.

 

Thật bất ngờ, sau gần hai năm đi vào hoạt động với tổng đàn khoảng 400 con lợn đen bản địa và hơn 10 con bò nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Điều khác lạ là, cả khuôn viên trang trại từ khu chăn nuôi lợn nái sinh sản đến khu vực tập trung nuôi lợn thịt và khu chuồng nuôi cách ly đều không có hệ thống bể chứa (biogas) hoặc đường rãnh, ống thoát nước thải trực tiếp ra ngoài môi trường, thế mà trại nuôi không gây mùi hôi thối.

Về vấn đề này, ông Cường cho biết, trước khi đầu tư mô hình, các bên liên kết thống nhất phải thực hiện bằng được “3 không”: không sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn cho lợn; không sử dụng chất kháng sinh, chất tạo nạc; và không gây ô nhiễm môi trường chung.

Chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường là vấn đề khó trong lĩnh vực chăn nuôi lợn tập trung hiện nay, nhưng đối với trang trại chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hữu cơ của ông Cường, thì vấn đề ô nhiễm đã được xử lý khá triệt để. Tất cả các công đoạn từ khi chọn giống đến khâu chăm sóc, nuôi dưỡng tạo ra sản phẩm lợn thịt đều được thực hiện đảm bảo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Lợn được nuôi trong trang trại không được tiếp xúc với hóa chất, chất kháng sinh và chất tạo nạc. Đặc biệt là, trang trại nuôi gần 400 con lợn nhưng không có hệ thống xử lý chất thải mà lại không có mùi hôi.

Ông Cường chia sẻ: Chúng tôi dùng mùn cưa, cám gạo và chế phẩm sinh học EM trộn đều, để lên men và rải vào chuồng (nền chuồng bằng đất được san phẳng và đầm nén chặt) với độ dày của đệm lót 30 - 40cm, sau đó thả lợn vào nuôi nên không lo có mùi hôi thối. Đây là công nghệ chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế lại cao. Nuôi lợn sạch theo hướng hữu cơ sẽ giải quyết rất tốt vấn nạn ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Đặc biệt, ở đây, từ khi vào giống đến khi xuất chuồng, lợn hoàn toàn sống trên nền đệm lót sinh học nên không phải sử dụng nước để rửa chuồng và tắm mát cho lợn trong cả lứa nuôi.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, cho biết, đệm lót sinh học đã qua công đoạn ủ và xử lý triệt để bằng chế phẩm sinh học EM. Sau khi lên men, nền chuồng chính là nơi vi sinh vật phát triển, chúng sẽ phân hủy chất thải của vật nuôi trong cả chu kỳ. Khi hết một lứa nuôi, phần đệm lót sinh học được lấy ra và dùng để bón cho cây trồng. Sau đó tiến hành vệ sinh chuồng trại và đưa đệm lót mới vào để chăn nuôi lứa tiếp theo. Điều đặc biệt là, khi đưa đệm lót sinh học vào sử dụng, chuồng nuôi không có mùi hôi, hạn chế phát sinh dịch bệnh và bảo vệ tốt môi trường.

Lợi nhuận 1 triệu đồng/con

Do không sử dụng cám công nghiệp, để chế biến đủ lượng thức ăn cho lợn, trang trại đã tận thu, mua gom cây chuối và các loại cây, củ như: sắn, khoai, cỏ voi… đem về băm nhỏ trộn với bột ngô, cám gạo và men vi sinh theo tỷ lệ: 300kg chất thô xanh + 10kg bột ngô, cám gạo + 1 lít men vi sinh (do trang trại tự sản xuất) + 2kg muối ăn trộn đều và đem ủ kín, khoảng một tuần là lấy ra cho lợn ăn trực tiếp mà không phải nấu chín. Phương pháp này có thể ủ chua một lần với số lượng lớn, cung cấp thức ăn cho đàn lợn trong thời gian từ 3 - 5 tháng.

 

z3615973879551_106e9ce18c484e75f30913e3e32b57f8.jpg
Một số hộ dân đến tham quan, học hỏi khu chế biến thức ăn của trang trại ông Cường.

  

Riêng đối với thức ăn bổ sung thêm dinh dưỡng cho lợn nái và lợn con khi tách mẹ, trang trại tự sản xuất thức ăn viên theo cách: Sử dụng 60% bã sắn phơi khô + 20% bột ngô + 20% cám gạo, tất cả trộn đều đưa vào máy ép thành viên, sau khi viên nguội thì tưới men vi sinh vào và cất trữ cho ăn trong tuần, đồng thời hàng ngày bổ sung chất xanh cho lợn bằng cách sử dụng lá cây chè đại (chè khổng lồ) cho lợn ăn thêm.

Với việc “không sử dụng chất kháng sinh, chất tạo nạc”, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn khi trang trại không sử dụng chất kháng sinh phòng trừ dịch bệnh, điều quan trọng nhất là lựa chọn được giống lợn có khả năng kháng bệnh cao, thích nghi nhanh với các điều kiện thay đổi của khí hậu và có bản năng tự tìm kiếm thức ăn. Từ đó, trang trại đã tuyển chọn những cá thể trội từ đàn lợn đen bản địa của địa phương phối giống với lợn (đực) rừng tạo ra những con lai có nguồn gen tốt.

Ngoài ra, để ngăn ngừa một số bệnh như: viêm phổi, dịch tả, cúm mùa… trên đàn lợn, trang trại đã chủ động tiêm vắc-xin phòng ngừa và sử dụng những sản phẩm hữu cơ như: Tỏi, gừng... và một số cây thuốc bản địa để ngâm ủ, chiết xuất cho lợn ăn kèm với thức ăn ủ chua nhằm tạo thêm sức đề kháng cho đàn lợn.

Ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết, thức ăn cho lợn được chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như ngô, lúa, khoai, sắn… và thân cây chuối được ủ lên men bằng chế phẩm sinh học EM kích thích tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng, nên khi lợn ăn nguồn thực phẩm này sẽ phát triển bình thường mà không cần sử dụng thêm loại thức ăn công nghiệp nào khác.

Theo ông Cường, sản phẩm của trang trại hiện chưa nhiều nên chỉ mới bán chủ yếu cho khách quen với giá 110 - 130 nghìn đồng/kg lợn hơi, lợi nhuận thu về khoảng 1 triệu đồng/đầu lợn. Thời gian tới sẽ liên kết với trang trại chăn nuôi ở xã Hùng Đức (Hàm Yên) để tiếp tục mở rộng mô hình với quy mô 1.500 con lợn và hàng trăm con trâu, bò. Cùng với đó, trang trại sẽ dành quỹ đất trồng nhiều sản phẩm nông nghiệp cùng với cây chè đại (chè khổng lồ) để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn tại chỗ, cung cấp cho vật nuôi trong trang trại.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top