Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 10 năm 2015 | 8:20

Ô nhiễm môi trường ở KCN Vũng Áng: Báo động đỏ!

Ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp cảng Vũng Áng (TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang khiến nhiều doanh nghiệp, cư dân sống trong hoang mang, lo lắng. Thực tế này gióng lên hồi chuông báo động ở các khu công nghiệp lớn của cả nước, bởi nếu không xử lý dứt điểm, những lợi ích chúng ta có được cũng chỉ là bề nổi.

Xả bọt, nước bẩn ra biển từ Nhà máy nhiệt điện Vúng Áng 1.

Theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian qua, nguồn nước sạch và nguồn lợi thủy sản ở thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân là do nguồn nước thải của Nhà máy Nhiệt điện I Vũng Áng gây ra.

Bà con cho rằng, nguồn lợi thuỷ, hải sản đang dần cạn kiệt, không khí cũng ô nhiễm do khói độc, nhiệt độ tăng cao, làm cho cuộc sống của người dân gần như bị đảo lộn. Nguồn nước ở vùng biển này cũng đang bị ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện xả nước thải trực tiếp ra biển. Trước đây, khu vực này có bãi biển rất đẹp, ngoài việc là nơi trú ngụ của thuyền bè thì đây còn là  bãi tắm lý tưởng, có thể phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện giờ không ai dám tắm, chỉ cần xuống nước là ngứa, nổi mụn, lở loét khắp người...

Nước xả đen ngòm đọng lại trên đường đi.

Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống nước thải từ nhà máy nhiệt điện xả thẳng ra biển gần khu dân cư thôn Hải Phong với cường độ liên tục, gần như suốt ngày đêm, công suất lớn, nước đục toả ra cả  khu vực rộng lớn, gần như lan ra cả vùng biển cảng Vũng Áng.

Tại cảng biển Vũng Áng, cách bờ khoảng 2km là một màu đen, tạo thành hai làn nước khác biệt và kéo dài bờ cảng. Còn tại miệng hầm cống xả ra từ nhà máy nhiệt điện lại phủ một lớp bọt màu vàng nhạt dày khoảng 20cm, tạo thành từng mảng lớn, trôi theo con nước thủy triều và làn gió.

Nhiều ngư dân cho hay: “Trước đây, chúng tôi chỉ ra cách bờ khoảng 1km là bắt được rất nhiều cá. Nhưng từ khi có nhà máy nhiệt điện, không biết họ xử lý nước thải như thế nào mà thải ra nhiều bọt, làm cá, sinh vật ở đây dần cạn kiệt, chúng tôi phải ra cách bờ khoảng 6-7 hải lý, tức là 12-14km mới đánh bắt được cá. Cũng từ khi nhà máy nhiệt điện thải nước bẩn ra, người dân không dám ra bãi biển tắm như trước nữa”.

Tại bãi chứa than rộng khoảng 30.000m2, than được tập kết thành những khối khổng lồ với độ cao gần 20m mà không hề có bất cứ thiết bị che chắn nào. Doanh nghiệp luôn trong tình trạng cài then chốt cửa bởi bụi tro bay rất khủng khiếp.

Ông Nguyễn Văn Hòa, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Khí hóa lỏng miền Bắc, lo lắng, công ty chuyên về lĩnh vực dầu khí, một số vật dụng nếu như để bụi than bám lâu ngày, không bảo quản kịp sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, sức khỏe của hàng chục công nhân cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ chia sẻ, cứ mỗi buổi sáng ngủ dậy, khi rửa mặt luôn thấy ghèn mắt đen ngòm. “Trong đợt khám sức khỏe vừa rồi, 2 trong số 22 công nhân bị viêm mũi dị ứng, nguyên nhân trực tiếp là do hứng bụi than”, ông Hòa nói.

Bãi xỉ than tạm trữ gần khu dân cư.

Ông Hòa cho biết thêm: “Công nhân công ty đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo, Ban giám đốc, gửi công văn lên Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực có bãi tập kết than, để mọi người an tâm sản xuất”. 

Ngoài ra, cung đường vận chuyển than cho nhà máy lại cách trường học chưa đầy 50m, hằng ngày học sinh, giáo viên và người dân ở đây phải hứng chịu bụi than đen bay khắp không khí.

Ông Võ Xuân Ổn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hải Phong, chia sẻ: “Người dân đã nhiều lần đề nghị giải quyết dứt điểm thực trạng ô nhiễm, nhưng chúng tôi cũng lực bất tòng tâm, doanh nghiệp chỉ ngưng được vài hôm rồi đâu lại vào đó”.

Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, đã tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. “Mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến đâu thì phải có đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khi có kết luận, Sở sẽ thành lập đoàn liên ngành, kiểm tra, xử lý, cần thiết sẽ lấy mẫu để phân tích, đánh giá để có biện pháp xử lý tình trạng này…”, ông Đinh khẳng định.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần sớm vào cuộc, có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên nhằm bảo vệ sức khỏe của hàng trăm lao động làm việc tại khu hậu cảng, cũng như trả lại môi trường sống trong lành cho người dân địa phương.

Nhóm PV

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top