Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đầu tư đa dạng mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm để vươn xa.
Đầu tư theo bề rộng và chiều sâu
Sản phẩm nước mắm Nhất Ninh của Cơ sở Nhất Ninh (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng từ nhiều năm qua. Đặc biệt, sau khi tham gia Chương trình OCOP và được công nhận đạt chuẩn 3 sao (năm 2019), sản phẩm nước mắm Nhất Ninh ngày càng được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường qua các kênh hội chợ thương mại, vào các kệ hàng siêu thị. Sản lượng nước mắm tiêu thụ năm 2020 của cơ sở đạt 15.000 lít, tăng gần 50% so với lúc chưa đạt chuẩn.
Chưa thoả mãn với kết quả đạt được, năm 2021, cơ sở Nhất Ninh tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ để nâng quy mô, chất lượng sản phẩm nước mắm nhỉ theo cả bề rộng và chiều sâu.
Bà Nguyễn Thị Ninh (chủ cơ sở) cho biết, từ sản phẩm nước mắm truyền thống đã đạt chuẩn 3 sao, năm 2021, cơ sở đầu tư sản xuất nước mắm nhỉ nguyên chất. Theo đó, việc tuyển chọn nguyên liệu đầu vào khắt khe hơn, đảm bảo chủng loại cá và muối tinh chất để 3 năm. Đặc biệt, công nghệ muối ủ nước mắm và dây chuyền đóng chai đã được nâng cấp.
“Nhờ đầu tư nguyên liệu, đổi mới công nghệ nên chất lượng sản phẩm đã nâng lên 1 bước (độ đạm từ 31% lên 40%). Trong đợt đánh giá, phân hạng 31 sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021, nước mắm nhỉ Nhất Ninh đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh chấm đạt 73 điểm (đạt tiêu chuẩn 4 sao)”, bà Nguyễn Thị Ninh thông tin.
Hay mô hình sản xuất chẻo của Cơ sở SXKD Lại Thị Huyền Châu ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên). Là doanh nghiệp đã có thương hiệu nhưng năm 2021 mới đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Tham gia vào chương trình, cơ sở của bà Châu được tư vấn, hỗ trợ về nâng cấp bao bì, nhãn mác và quảng bá thương hiệu.
“Từ chỗ sản phẩm chỉ tiêu thụ trong huyện, qua tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm chẻo của chúng tôi đã có mặt tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt được người tiêu dùng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đặt hàng rất nhiều. Vừa qua, sản phẩm của chúng tôi được đánh giá đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm của chúng tôi tiếp tục vươn ra thị trường rộng lớn hơn”, bà Lại Thị Huyền Châu phấn khởi cho biết.
OCOP từ chỗ là một cái tên xa lạ không chỉ đối với người sản xuất, người dân Hà Tĩnh và thậm chí không ít cán bộ, công chức, nhưng đến nay đã trở thành quen thuộc. Đặc biệt, nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến đã trở thành mặt hàng tin dùng, không thể thiếu của các bà nội trợ mỗi khi đi mua sắm.
“Hơn một năm nay, mỗi khi mua sắm các mặt hàng thực phẩm chế biến, tôi thường lựa chọn các cửa hàng OCOP trên địa bàn để mua. Chọn mua các sản phẩm ở các cửa hàng này rất yên tâm bởi chất lượng đảm bảo, tươi ngon và bao bì nhãn mác cũng được đầu tư rất đẹp, chuyên nghiệp với đa dạng mẫu mã, chủng loại”, bà Nguyễn Thị Hương ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho hay.
Tạo sức lan tỏa
Ông Nguyễn Hữu Dực, Phó chánh Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Chương trình OCOP vẫn tiếp tục được các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt kết quả khá.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 139 ý tưởng sản phẩm được chấp thuận đủ điều kiện lập phương án sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Đặc biệt, năm nay có thêm nhiều sản phẩm mới như: Đông trùng hạ thảo Phú Nhân (Nghi Xuân); cá mối một nắng Kim Anh, cà muối mắm Tuệ Loan (Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên); mực một nắng Bích Lan (Lộc Hà)… Qua đợt đánh giá sản phẩm OCOP đợt 1/2021 vừa qua, Hội đồng cấp tỉnh đã đánh giá 30/31 sản phẩm đạt trên 50 điểm, trong đó có 2 sản phẩm trên 70 điểm.
“Điều nhận thấy ở các chủ thể sản xuất khi tham gia Chương trình OCOP là họ đã được nâng cao thêm một bước về đầu tư chất lượng sản phẩm, mẫu mã và cách quảng bá, tiếp cận thị trường. Đặc biệt, sau khi sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao, các chủ cơ sở sản xuất đã tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô nhà xưởng để nâng cao về số lượng, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Dực cho hay.
Cũng theo ông Dực, trong những “cái được” thì “cái được” lớn nhất là, người tiêu dùng đã hiểu, biết và nhận dạng, xác định được sản phẩm OCOP là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu nên đã yên tâm lựa chọn, tin dùng. Đây là kết quả quan trọng, là nền tảng, bài học cho thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo.
Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình, Hà Tĩnh đã có 159 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao. Hầu hết các sản phẩm đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng gần 40%, cá biệt có sản phẩm tăng 2-4 lần. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ có trong làng, xã, nay đã đi được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, như: nem chua Ý Bình, giò me Tiến Giáp, nước mắm Luận Nghiệp, Nhất Ninh, nhung hươu Thuận Hà, Hiền Ngọc...
Các sản phẩm OCOP đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, từng bước cụ thể hoá mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.