Bắc Giang có khoảng 32.000ha vải thiều, sản lượng đạt 195.000 tấn quả tươi (riêng huyện Lục Ngạn đạt 118.000 tấn). Năm 2015, doanh thu từ vải và các hoạt động phụ trợ đạt khoảng 4.400 tỷ đồng; vải Lục Ngạn đã thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Phân loại vải thiều trước khi xuất bán.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), mặc dù có nhiều thuận lợi (chất lượng vải ngon, người dân giàu kinh nghiệm) nhưng nghề trồng vải vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, ý thức của người sản xuất thấp, trong khi thị trường đòi hỏi ngày càng cao về an toàn thực phẩm.
Ông Phương dẫn chứng: Năm 2015, khi vải xuất sang Australia cùng một số nước, mẻ đầu tiên không vấn đề gì, giá 19USD/kg nhưng đến mẻ thứ hai đã có sâu dọc cuống, cuống dài nên họ không nhận, lại phải đưa vào kho lạnh để xử lý cắt cuống, đóng gói khiến chi phí đội lên cao.
Chính từ thực tế này, theo ông Vũ Đình Phượng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vải thiều Lục Ngạn sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và giá. Hiện, giá vải nước ta vẫn cao hơn vải của Thái Lan. Hai là, sự tham gia của doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn yếu. Ba là, công nghệ bảo quản còn thua kém một số nước. Vừa rồi vải xuất đi Mỹ, Australia nhưng phải mang vào tận miền Nam để chiếu xạ khiến chi phí tăng cao.
Để khắc phục tình trạng này, ông Phương cho rằng, người sản xuất phải nhìn thứ mà thị trường cần; không thể sản xuất nhỏ lẻ mà phải thành lập HTX, thành lập doanh nghiệp để phân vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Bên cạnh đó, phải đưa máy móc, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm; quản lý tốt thương hiệu, hiện vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở 5 nước. Doanh nghiệp phải là trung tâm của mối liên kết. “Chỉ có doanh nghiệp mới hiểu được thị trường, qua đó định hướng tác động ngược lại với người sản xuất”, ông Phương nói.
Ông Phương cho biết thêm, hiện Sở Công Thương đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thu hút nhà đầu tư vào trung tâm logistics, khi trung tâm hoàn thành tất cả các khâu như chiếu xạ, bảo quản, vận chuyển đều tập trung ở đây. Khi đó, vải thiều của Bắc Giang sẽ lưu thông thuận tiện hơn, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh.
Hoàng Văn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.