Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 3 năm 2016 | 1:54

Ông Trương Huy Liệu, “bị can” trong vụ “buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng: “Ước mong không còn người vô tội bị đẩy vào vòng lao lý”

Như thông tin Báo Kinh tế nông thôn đã đăng tải, phản ánh vụ việc “buôn lậu” gỗ ở cảng Đà Nẵng, các cơ quan tố tụng kết tội ông Trương Huy Liệu, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng, buôn lậu 553m3 gỗ trắc từ Lào về Việt Nam. Đến nay, đã gần 5 năm trôi qua, do không đủ chứng cứ kết tội nên vụ án vẫn chưa đi đến hồi kết. Hồ sơ vụ án được trả đi trả lại; cáo trạng viết đi viết lại nhiều lần nhưng vẫn chưa thể kết tội được “bị can”.

Ông Liệu trước Tòa án nhân dân TP.Đà Nẵng.

Ông Liệu cho biết, từ một hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu gỗ bình thường theo đúng quy định pháp luật, cuối năm 2011, bỗng dưng Công ty Ngọc Hưng do ông làm Phó giám đốc bị Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khởi tố về tội danh buôn lậu. Tiếp đó, ông bị bắt tạm giam, nhiều cán bộ hải quan cũng bị tạm giam; tài sản là 535m3 gỗ trắc trị giá khoảng trên 300 tỷ đồng bị phát mại với giá chỉ trên 60 tỷ đồng. Điều đáng nói là, vụ án này có nhiều dấu hiệu oan sai; có biểu hiện vi phạm pháp luật của cơ quan tố tụng, nguy cơ đẩy người dân vô tội vào vòng lao lý. Ông Liệu khẳng định, nếu tìm ra 1% về tội buôn lậu thì ông xin chấp nhận mọi trừng trị của pháp luật!.

Sự việc xảy ra từ năm 2011 đến nay đã gần 5 năm, án không thể xử được bởi một vụ án ba cáo buộc khác nhau của cả ba cơ quan tố tụng. “Quyết định khởi tố vụ án” của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan thì cáo buộc hành vi này; “Quyết định khởi tố bị can” của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) thì cáo buộc hành vi khác; “Quyết định truy tố” của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lại cáo buộc một hành vi khác nữa. Trong lúc vụ án đang trong quá trình điều tra chưa có hồi kết thì vào năm 2014, vật chứng của vụ án là toàn bộ 535,800m3 gỗ trắc trị giá hàng trăm tỷ đồng tòa chưa xử mà các cơ quan tố tụng đã ban hành Quyết định xử lý bán tháo toàn bộ vật chứng, đưa vào tài khoản tạm giữ chỉ được hơn 60 tỷ đồng (?!).

Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, ông Liệu cho rằng: “Tôi kịch liệt phản đối và bác bỏ hoàn toàn Cáo trạng số 02/VKSTC-V3 ngày 25/01/2016 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao như đã từng phản đối, bác bỏ Cáo trạng số 14/VKSTC-V1 ngày 07/5/2014 đã bị Tòa án nhân dân TP.Đà Nẵng trả lại cùng toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để điều tra bổ sung theo Quyết định số 11/2014/HSST-QĐ ngày 31/10/2014. Tôi cũng đã làm “Đơn kiến nghị” gửi bà Nguyễn Thị Cảnh, Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân TP.Đà Nẵng – người đã một lần ngồi ghế thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án này trong 2 ngày 30 và 31/10/2014 để phản đối và đề nghị bà cũng như Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng không chấp thuận bản cáo trạng vô lý này”.

Cũng trong đơn kêu cứu gửi Phó chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu, ông Liệu cho rằng: “Một vấn nạn hết sức đau lòng gây oan khuất cho không biết bao nhiêu cuộc đời con người đã diễn ra nhiều năm nay trong ngành tư pháp của nước ta: Khi đã lỡ khởi tố vụ án, đặc biệt là khởi tố bị can bắt giam người rồi thì các cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cố bới bèo ra bọ, gán cho người bị bắt giam một tội nào đó tống đạt đến tòa án để xét xử, mặc cho kết quả có như thế nào! Vụ án “buôn lậu” xảy ra tại cảng Đà Nẵng mà tôi đã nhiều lần gửi đơn, thư đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đến Ban Dân nguyện của Quốc hội để kêu cứu là một ví dụ điển hình của vấn nạn trên!”.

Ông Liệu khẳng định: “Trong vụ oan sai của tôi, cá nhân, tổ chức, đơn vị hữu quan thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã lạm dụng quyền lực để khởi tố, điều tra, bắt giam, bán tháo lô gỗ rồi truy tố vợ chồng chúng tôi tội “buôn lậu” một cách vô lý”. Ông đề nghị cần xem xét trách nhiệm hình sự của cơ quan, người ban hành “Quyết định xử lý vật chứng” bán tháo lô gỗ, vì hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng khoản 2c Điều 75; khoản 1 Điều 76 BLTTHS; khoản 1 Điều 3 Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 của Chính phủ gây khó khăn cực kỳ lớn, không thể khắc phục đối với việc xét xử vụ án; làm thất thoát của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân hàng trăm tỷ đồng.

5 năm đã trôi qua, kể từ khi vụ án “buôn lậu” gỗ ở cảng Đà Nẵng bị khởi tố, ông Liệu và nhiều cán bộ hải quan bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Liệu ngoài bị bắt tạm giam, còn bị mất một khối lượng tài sản lớn; nhiều cán bộ  hải quan bị khởi tố, bắt tạm giam, buộc thôi việc một cách đau đớn! Nhưng án vẫn kéo dài hết năm này qua năm khác mà không đủ cơ sở để kết tội các bị can!

 Ông Liệu chua xót: “Chúng tôi nhập khẩu gỗ có nguồn gốc rõ ràng từ Lào và xuất nguyên lô sang Hồng Kông, kê khai đầy đủ thủ tục hải quan và nộp thuế theo đúng quy định của Nhà nước thì cớ sao lại gọi là buôn lậu! Và, nếu đúng là buôn lậu, thì sao vụ án đã 5 năm mà tòa án cứ trả đi trả lại hồ sơ chứ không tuyên án? Và nữa, nếu không có chứng cứ kết tội, tôi mong các cơ quan tố tụng hãy tuyên vô tội để trả lại danh dự cho chúng tôi. Vì nhiều lý do nên thời gian qua, đã có không ít người dân vô tội bị đẩy oan vào vòng lao lý như ông Huỳnh Văn Nén. Tôi nghĩ, nếu cơ quan tố tụng không thận trọng trong vụ án buôn lậu tại cảng Đà Nẵng mà chúng tôi là những “bị can”, rất có thể lại thêm một vụ án Huỳnh Văn Nén nữa. Tôi mong sao các cơ quan tố tụng hãy thực thi nhiệm vụ một cách công tâm, minh bạch, đúng pháp luật, để không còn xảy ra án oan sai!”.

Nhóm PVĐTHT

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top